Trong những năm gần đây, xu hướng du lịch kết hợp khám chữa bệnh đã trở thành một lựa chọn phổ biến đối với người Việt Nam. Sự phát triển của nền kinh tế cùng với nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ y tế đã thúc đẩy nhiều người tìm đến các quốc gia có nền y học tiên tiến để điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, Nhật Bản nổi lên như một điểm đến lý tưởng, không chỉ vì chất lượng y tế vượt trội mà còn bởi sự phục vụ tận tâm và môi trường an toàn, sạch sẽ. Cùng JapanBiz khám phá sâu hơn về xu hướng du lịch chữa bệnh của người Việt, đặc biệt là sự lựa chọn Nhật Bản, cũng như những điều cần biết khi sang Nhật du lịch chữa bệnh.
Mục lục
Xu hướng du lịch chữa bệnh của người Việt
Du lịch nước ngoài kết hợp khám chữa bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm có khoảng 40.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài để kiểm tra sức khỏe và điều trị bệnh. Các quốc gia phổ biến mà bệnh nhân Việt tin tưởng bao gồm Singapore, Thái Lan, Mỹ, và gần đây nhất là Nhật Bản.
Đối tượng tham gia chủ yếu là những người có điều kiện tài chính tốt, bao gồm doanh nhân, người có thu nhập cao và những người mong muốn tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao mà trong nước chưa đáp ứng được. Các lí do chính khiến họ chọn du lịch y tế bao gồm:
- Chất lượng dịch vụ y tế cao hơn ở các nước phát triển.
- Công nghệ và kỹ thuật y tế tiên tiến.
- Kết hợp điều trị với nghỉ dưỡng, du lịch.
- Bảo mật và riêng tư tốt hơn.
- Thời gian chờ đợi ngắn hơn so với trong nước.
Top 5 đất nước người Việt hay chọn để đi du lịch chữa bệnh gồm:
- Thái Lan: Nổi tiếng với các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ và điều trị nha khoa.
- Singapore: Nổi bật về các dịch vụ điều trị ung thư và các bệnh phức tạp.
- Hàn Quốc: Nổi tiếng với phẫu thuật thẩm mỹ và các dịch vụ chăm sóc da.
- Nhật Bản: Được biết đến với các phương pháp điều trị hiện đại và an toàn.
- Mỹ: Nơi có công nghệ y tế tiên tiến và đội ngũ bác sĩ hàng đầu thế giới.
Người Việt thường lựa chọn các nước này để chữa trị các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư, thẩm mỹ và các vấn đề về xương khớp.
Xu hướng sang Nhật du lịch chữa bệnh của người Việt
Lý do lựa chọn Nhật Bản
Nhật Bản nổi tiếng với chất lượng chăm sóc sức khỏe cao và chi phí chữa bệnh thấp hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Nước này cũng được biết đến với phương pháp điều trị tự nhiên, hạn chế phụ thuộc vào thuốc. Cùng với đó, bên cạnh việc có nhiều điểm tương đồng văn hoá với Việt Nam, Nhật Bản còn nổi tiếng là quốc gia với nhiều phong cảnh đẹp. Những yếu tố trên đã khiến nhiều người Việt Nam lựa chọn sang Nhật chữa bệnh.
1. Chất lượng cao, chi phí thấp
Nhật Bản có tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe tương đương với các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Tuy nhiên, chi phí chữa bệnh ở Nhật thường thấp hơn. Điều này là một yếu tố quan trọng thu hút người Việt chọn Nhật Bản làm điểm đến chữa bệnh.
Người Nhật luôn đứng đầu trong danh sách các dân tộc sống khỏe và sống lâu nhất thế giới, với tuổi thọ trung bình năm 2021 ở nam giới là hơn 81 tuổi và ở phụ nữ là hơn 87 tuổi theo thống kê mới nhất của Statista.
Hệ thống y tế của Nhật Bản được đánh giá cao bởi các chuyên gia y tế hàng đầu trên toàn cầu về chất lượng, kỹ thuật và uy tín. Mỗi năm, hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới tìm đến Nhật Bản để tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Theo Statista, năm 2023, Nhật Bản đứng thứ 2 trên thế giới trên bảng xếp hạng hệ thống y tế và y tế toàn cầu, chỉ sau Singapore.
2. Phương pháp điều trị tự nhiên
Nhật Bản nổi tiếng với việc hạn chế sử dụng thuốc trong điều trị, thay vào đó tập trung vào liệu pháp chữa trị toàn diện và lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ở Nhật Bản, người ta không chỉ hạn chế sử dụng thuốc mà còn tập trung vào việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện và sinh hoạt hàng ngày để nâng cao sức khỏe.
3. Trải nghiệm văn hoá, phong cảnh
Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, giúp người Việt dễ dàng thích nghi khi điều trị tại đây. Nhật Bản còn sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và nền văn hóa độc đáo, khiến cho việc điều trị không chỉ là chữa bệnh mà còn là một trải nghiệm du lịch thú vị. Điều này càng làm tăng thêm sức hút của Nhật Bản đối với người Việt.
Mục đích và chi phí
Người Việt thường sang Nhật để thực hiện các dịch vụ y tế như kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám ung thư, điều trị lọc máu, và đặc biệt là liệu pháp tế bào gốc. Chi phí cho các dịch vụ y tế này dao động khá lớn, từ 60 triệu đến 600 triệu VND, tùy thuộc vào loại dịch vụ và phương pháp điều trị. Cụ thể:
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát (3-6 ngày): 60 triệu đến 150 triệu VND
- Khám ung thư: khoảng 150 triệu VND
- Liệu pháp tế bào gốc: khoảng 700 triệu VND
(Lưu ý, đây chỉ là chi phí ước lượng chung được JapanBiz tổng hợp từ nhiều nguồn và chỉ mang tính chất tham khảo.)
Dù chi phí khá cao, nhưng nhiều người Việt vẫn chọn Nhật Bản vì tin tưởng vào chất lượng và hiệu quả điều trị.
Những khó khăn người Việt hay gặp phải khi sang Nhật du lịch chữa bệnh
Tuy nhiên, người Việt cũng gặp không ít khó khăn khi sang Nhật chữa bệnh.
Trước đây, việc tổ chức tour du lịch-y tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do vấn đề visa và chi phí tour không phù hợp cho đa số khách du lịch. Tuy nhiên, gần đây, Nhật Bản đã mở cửa nhiều hơn trong chính sách visa và sau đại dịch COVID-19, du khách Việt Nam cũng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Do đó, thách thức lớn nhất với các tour du lịch-y tế hiện nay là chi phí tour khá cao, điều này có thể làm giới hạn đối tượng khách đăng ký.
Ngoài ra, việc thu thập thông tin về các bệnh viện uy tín và dịch vụ y tế phù hợp là một thách thức lớn do thiếu thông tin công khai. Nhiều cơ sở y tế có xu hướng quảng cáo quá mức về khả năng của mình, gây khó khăn cho người bệnh trong việc lựa chọn đúng đắn.
Thêm vào đó, các vấn đề liên quan đến tài chính như quá trình thanh toán, các khoản phí ẩn, và thậm chí là những vụ lừa đảo cũng là những mối lo ngại đối với khách hàng.
Hãy cùng JapanBiz điểm qua những điều cần biết trước khi sang Nhật du lịch chữa bệnh.
Sang Nhật du lịch chữa bệnh: Những điều cần biết
Thị trường du lịch chữa bệnh của Nhật Bản
Gần đây, Nhật Bản đã nổi lên như một trong những điểm đến hàng đầu cho du lịch chữa bệnh nhờ vào hệ thống y tế tiên tiến và chất lượng dịch vụ cao. Quy mô thị trường du lịch chữa bệnh của Nhật Bản không ngừng mở rộng, thu hút không chỉ người Việt mà còn nhiều bệnh nhân từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga, Mỹ và các nước Đông Nam Á. Theo số liệu từ METI, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 20% số visa lưu trú y tế do Nhật Bản cấp trong năm 2019 được cấp cho người Việt Nam, và số lượng khách du lịch chữa bệnh từ Việt Nam tăng trưởng với tốc độ ấn tượng, khoảng 110% mỗi năm.
Một trong những điểm mạnh của Nhật Bản là công nghệ y tế tiên tiến, các phương pháp điều trị hiện đại, và sự tận tâm trong chăm sóc sức khỏe. Những cơ sở y tế như Bệnh viện Quốc tế St. Luke và Bệnh viện Đại học Keio tại Tokyo nổi bật với dịch vụ chuyên biệt cho khách du lịch chữa bệnh, trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ ngôn ngữ và tư vấn y tế.
Quy trình để sang Nhật du lịch chữa bệnh
Quy trình để sang Nhật du lịch chữa bệnh bao gồm nhiều bước quan trọng.
Bước 1: Chuẩn bị
Du lịch y tế liên quan đến nhiều thủ tục, chẳng hạn như liên hệ với các cơ sở y tế, xin Visa y tế, … Vì vậy, trước tiên hãy tham khảo ý kiến và nhờ sự hỗ trợ của công ty điều phối y tế. Như vậy sẽ giúp khách hàng giảm bớt gánh nặng về quy trình, thủ tục. Để công ty điều phối tư vấn hỗ trợ, vui lòng chuẩn bị các thông tin như: tình trạng sức khỏe hiện tại, thông tin khám chữa bệnh (bao gồm các báo cáo và hình ảnh), cơ sở y tế mong muốn đăng ký khám chữa bệnh, ngân sách và thời gian dự định để ở Nhật Bản.
Bước 2: Đặt lịch khám chữa bệnh với cơ sở y tế
Thông qua công ty điều phối y tế, người bệnh có thể thực hiện trao đổi thông tin liên quan đến khám chữa bệnh với cơ sở y tế (nơi khách hàng chọn để đến khám chữa bệnh). Công ty điều phối y tế được cơ sở y tế cung cấp các thông tin chi tiết như: thời gian, chi phí, nội dung điều trị, chấp nhận hoặc từ chối khám chữa bệnh. Khách hàng tham khảo nội dung này để đặt lịch khám chữa bệnh và sắp xếp lộ trình lưu trú cho phù hợp.
Có trường hợp nếu cơ sở y tế từ chối về sức khỏe sẽ phát sinh chi phí Second Opinion (xin phác đồ điều trị).
Lưu ý có thể mất khoảng 2 tuần để nhận được hồi đáp từ cơ sở y tế.
Bước 3: Thanh toán trước chi phí ước tính
Công ty điều phối y tế sẽ thay mặt cho khách hàng để thanh toán chi phí điều trị cho cơ sở y tế. Về nguyên tắc khách hàng cần thanh toán trước cho công ty điều phối “chi phí dự tính” đã được cung cấp sau khi đặt lịch khám, để giảm bớt những lo lắng về tài chính và yên tâm khi đến Nhật điều trị. Nếu “chi phí điều trị thực tế” thấp hơn “chi phí điều trị ước tính”, phần chênh lệch sẽ được hoàn lại. Ngược lại, nếu “chi phí điều trị thực tế” cao hơn “chi phí điều trị ước tính”, khách hàng cần trả thêm khoản chênh lệch này trong khi đang ở Nhật. Hãy xác nhận rõ rằng trước về phương thức thanh toán bổ sung và nhận hoàn trả khoản phí chi chênh lệch.
Bước 4: Nhập cảnh, đưa đón trị liệu
Công ty điều phối có thể sắp xếp hỗ trợ đưa đón trong quá trình đi lại để điều trị. Hơn nữa, công ty điều phối và cơ sở y tế sẽ hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân trong suốt quá trình nhập viện điều trị, vì vậy nên hạn chế tối đa người đi cùng chăm sóc bệnh nhân.
Bước 5: Quyết toán chi phí trị liệu
Thực hiện quyết toán dựa trên “chi phí phát sinh thực tế” sau khi trị liệu và “chi phí trị liệu dự tính” mà khách hàng đã thanh toán trước cho công ty điều phối trước khi nhập cảnh. Do đó, thông thường không cần thanh toán cho cơ sở y tế. Ngoài ra, trong chi phí này không chỉ là “chi phí liên quan đến khám chữa bệnh ở bệnh viện” mà còn bao gồm các chi phí khác như: “chi phí thông phiên dịch,…”
Bước 6: Theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi về nước
Bệnh nhân cần nhờ bác sĩ riêng ở nước sở tại tiếp nhận theo dõi sau khi đã tiếp nhận điều trị tại Nhật Bản. Ngoài ra, bệnh nhân nên gửi định kỳ cho công ty điều phối các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe, kết quả khám sức khỏe, để nhờ bệnh viện ở Nhật Bản theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh sau khi điều trị.
Cách xin visa để sang Nhật du lịch chữa bệnh
Cần xin visa (thị thực) để nhập cảnh vào Nhật Bản. Trường hợp khách hàng chưa có visa, công ty điều phối y tế sẽ hỗ trợ xin visa y tế, vì vậy bạn có thể trao đổi với công ty điều phối để nhờ hỗ trợ. Nếu khách hàng đã có visa, hãy kiểm tra thời hạn hiệu lực và ngày có thể lưu trú.
1. Thủ tục xin visa
Bệnh nhân người nước ngoài muốn xin visa này trước hết cần lấy được giấy chứng nhận bảo lãnh từ cơ quan bảo lãnh chỉ định (Công ty điều phối y tế, công ty du lịch v.v.) kèm theo những giấy tờ cần thiết khác để nộp hồ sơ.
Chi tiết thủ tục hoặc danh sách các cơ quan bảo lãnh được công nhận có thể được xác nhận tại trang web của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
2. Visa y tế được cấp
- Loại visa: Một hoặc nhiều lần
- Thời hạn hiệu lực: Tối đa 3 năm
- Thời hạn lưu trú: 15 ngày – 30 ngày – 90 ngày, 6 tháng hoặc 1 năm
Loại visa, thời hạn hiệu lực và thời hạn lưu trú sẽ được xem xét dựa theo các thông tin như tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Visa ngắn hạn (visa du lịch) vẫn có thể sang Nhật tiếp nhận điều trị. Tuy nhiên, cần chú ý là vẫn có cơ quan y tế của Nhật từ chối nhận điều trị khi người đăng ký có visa du lịch tự túc.
Sang Nhật du lịch chữa bệnh đang trở thành một xu hướng phổ biến đối với người Việt, đặc biệt là trong những năm gần đây. Sự phát triển của nền kinh tế cùng với nhu cầu ngày càng cao về chất lượng dịch vụ y tế đã thúc đẩy nhiều người tìm đến các quốc gia có nền y học tiên tiến để điều trị và chăm sóc sức khỏe. Trong số các quốc gia được lựa chọn, Nhật Bản nổi lên như một điểm đến lý tưởng, không chỉ vì chất lượng y tế vượt trội mà còn bởi sự phục vụ tận tâm và môi trường an toàn, sạch sẽ. Tuy nhiên, việc tổ chức hay lựa chọn tour du lịch y tế vẫn gặp không ít khó khăn. Để tìm hiểu thêm về quy trình và các yếu tố khác khi tham gia vào hành trình du lịch chữa bệnh, hãy tham khảo các thông tin tại JapanBiz.
Ý kiến