Kinh tế thế giới trong năm 2023 dường như vẫn chưa thật sự hồi phục như thời điểm trước dịch khi mà những khó khăn các doanh nghiệp phải đối mặt rất lớn. Tại Nhật Bản, năm 2023 được đặt mục tiêu là năm tài khoá với nhiều chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế. Vậy dưới góc nhìn của thị trường đồ cũ đã qua sử dụng thì kinh tế Nhật Bản 2023 đã có những thay đổi như thế nào?
Mục lục
Khó khăn của kinh tế Nhật Bản 2023 qua góc nhìn của thị trường đồ cũ
Theo ấn bản năm 2023 về “Tài sản ẩn” có trong các hộ gia đình của Nhật Bản do ứng dụng Mercari xuất bản, giá trị trung bình của những món đồ không mong muốn và không có nhu cầu sử dụng, dự kiến vứt đi vào dịp cuối năm và dọn dẹp đầu năm mới là 85,000 yên cho mỗi hộ gia đình.
“Tài sản ẩn” được tính là những món đồ không mong muốn, đã được cất giữ mà không được sử dụng trong một năm trở lên và được quy đổi thành giá trị tiền tệ dựa trên số lượng món đồ được lưu trữ và giá giao dịch trung bình của chúng trên Mercari. Các mặt hàng đồ cũ này được phân thành năm loại:
- Quần áo và phụ kiện
- Sách, đĩa CD và trò chơi
- Các mặt hàng liên quan đến sắc đẹp và sức khỏe
- Các món đồ liên quan đến sở thích và giải trí
- Đồ nội thất, đồ gia dụng và các loại hàng hóa khác (bao gồm cả điện thoại thông minh).
Tổng số “tài sản ẩn” nằm trong các hộ gia đình trên khắp Nhật Bản ước tính lên tới 66.677,2 nghìn tỷ yên vào năm 2023. Trong số 85,000 yên dự kiến sẽ vứt đi để dọn dẹp, phần lớn nhất là quần áo và phụ kiện, chiếm khoảng 42% tổng số, tương đương khoảng 36,000 yên nếu tính bằng tiền.
Tháng mà mọi người có nhiều khả năng muốn vứt bỏ các mặt hàng may mặc nhất là tháng 12. Có thể hiểu rằng, mọi người muốn giải tỏa tâm trí và dọn dẹp không gian sống bằng cách bán những món đồ cồng kềnh như lông tơ, áo khoác, đồ len, đồ dệt kim và các loại quần áo dày khác.
Đây là lần thứ ba cuộc khảo sát này được thực hiện kể từ năm 2018 và tổng số tiền đã tăng lên hàng năm. Khoảng 37 nghìn tỷ yên trong cuộc khảo sát đầu tiên, 44 nghìn tỷ yên trong cuộc khảo sát thứ hai và 67 nghìn tỷ yên trong cuộc khảo sát này. Nguyên nhân tổng số tiền tăng lên trước hết là do số lượng hàng hóa sở hữu của mỗi người cũng bắt đầu tăng lên. Điều này có thể một phần là do đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc mua sắm tại nhà tăng lên. Hay nói cách khác, mua sắm trực tuyến tại nhà đã phổ biến hơn so với việc ra ngoài lựa chọn, thử đồ và đưa ra quyết định.
Ngoài ra, có phân tích cho rằng việc tăng giá của các sản phẩm hàng hoá đang đẩy giá giao dịch của các sản phẩm đã qua sử dụng lên cao. Điều này là do cơ cấu nếu giá sản phẩm lúc mới mua cao thì giá hàng tái sử dụng sẽ tăng tương ứng.
Ở một số khía cạnh, giá hàng hóa cao đã kích thích giao dịch đồ cũ đã qua sử dụng có giá trị cao. Một ví dụ dễ thấy cho điều này là các mặt hàng thiết bị theo mùa. Theo thống kê từ các cửa hàng tái chế, ngày nay các thiết bị gia dụng đã qua sử dụng rất phổ biến. Sự thiếu hụt chất bán dẫn và các yếu tố khác đã khiến giá sản phẩm mới ở mức cao và những người ngần ngại mua đang chuyển sang sử dụng các thiết bị đã qua sử dụng.
Họ có thể cảm thấy an tâm khi biết rằng cửa hàng sẽ kiểm tra sản phẩm kỹ càng trước khi bán và bảo hành sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, số lượng thiết bị đã qua sử dụng trên kệ hàng có hạn và nếu cầu vượt quá cung thì giá sẽ không giảm. Thị trường thiết bị gia dụng đã qua sử dụng vốn từng có giá cả phải chăng đang dần bị ảnh hưởng bởi làn sóng tăng giá.
Trong cùng một cuộc khảo sát của Mercari, khi được hỏi về tần suất mua sắm thông qua các dịch vụ tái sử dụng khác nhau trong năm qua, 8% cho biết tần suất của họ đã “tăng lên rất nhiều” và 17% cho biết tần suất đó đã “tăng lên đôi chút”, nâng tổng số lên khoảng 25%. Đối với những thay đổi về tần suất bán tài sản, khoảng 7% trả lời “tăng nhiều” và 16% trả lời “tăng một chút”, tổng cộng là 23%.
Hành động chuyển những món đồ không mong muốn của mình cho người khác để sử dụng mà không vứt chúng đi là một phần đẹp đẽ và đáng mong muốn của một xã hội tái chế góp phần bảo vệ môi trường.
Covid-19 đã thay đổi hành vi mua sắm của mọi người
Những mặt hàng bán chạy nhất trên Mercari đều là những mặt hàng vốn khá bình thường so với thời điểm trước đại dịch. Mặt hàng được giao dịch nhiều nhất là quần áo và phụ kiện, bao gồm áo, quần, giày, túi xách, nhưng thương hiệu đứng đầu trong bảng xếp hạng giao dịch không phải là mặt hàng thương hiệu cao cấp mà là các mặt hàng của thương hiệu thời trang Uniqlo.
Tuy nhiên, thị trường tái sử dụng năm 2023 có sự thay đổi phần nào so với vài năm trở lại đây. Năm nay, lệnh cấm tụ tập nơi công cộng như Giáng sinh và tiệc cuối năm đã được gỡ bỏ, các cơ hội ra ngoài tham gia các môn thể thao mùa đông cũng nhiều hơn. Vì thế, nhu cầu về quần áo sự kiện, giày dép, dụng cụ thể thao và trang phục mùa đông sẽ tăng lên.
Thông thường, thời điểm tốt nhất để bán những mặt hàng theo mùa này là sớm hơn thời điểm cao điểm. Nhưng năm nay, do thời tiết đột ngột trở lạnh, hàng mùa đông về lại bị trì hoãn nên những ai muốn bán nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, các món phụ kiện như đồ trang sức và kim loại quý bán chạy nhất trước Giáng sinh tại các hiệu cầm đồ có thương hiệu.
Đồ cổ cũng bị ảnh hưởng do giá trị đồng Yên đang yếu đi
Chợ trời và chợ đồ cổ cũng đang bùng nổ theo một cách khác trong thị trường đồ cũ. Tại đây, những người buôn đồ cổ mở quầy hàng. Nhiều chủ cửa hàng cá nhân không có cửa hàng riêng mà chỉ bán đồ của họ tại các chợ đồ cổ địa phương hoặc trực tuyến.
Nhiều mặt hàng được rao bán bao gồm các dụng cụ gia đình và đồ cổ đã được những người đã mất hoặc những người đang sống những ngày cuối đời để lại. Ngoài ra, còn có những món đồ chơi “hoài niệm quá khứ” và những món đồ khác được mô tả là đồ cổ thời Showa. Nếu những người mua những món đồ này thuộc thế hệ Showa, khi việc sở hữu là biểu tượng của sự sung túc thì hiện tượng “di sản” như vậy xuất hiện trên thị trường có thể sẽ giảm đi đáng kể trong tương lai.
Nếu những người cho đi đồ cũ ngày càng già đi thì những người sưu tầm mua chúng cũng già đi. Và hơn thế nữa, những người chủ cửa hàng trưng bày hàng hóa cũng vậy. Do đó, có vẻ như thị trường sẽ không mở rộng thêm nữa, kể cả nó có bắt đầu từ ngay bây giờ. Các chủ cửa hàng đồ cổ nói rằng: “Tôi không nghĩ mình có thể bán hết số hàng tôi có trước khi nghỉ hưu.” Tuy nhiên, rất khó để thực hiện những đợt giảm giá lớn như bán cháy. Điều này là do bạn phải kiếm được lợi nhuận nhất định từ giá mua sản phẩm.
Ngoài ra còn do ảnh hưởng của đồng yên yếu. Chúng ta thường nghe câu chuyện về “mua lỗ”. Ngay cả khi họ muốn mua đồ cổ từ nước ngoài, họ cũng không thể cạnh tranh với người mua từ các nước khác vì đồng yên yếu. Cũng có người than thở rằng họ không thể mua được đồ trang sức cổ và đồ bạc nói chung vì giá vàng và bạc tăng mạnh.
Phía người mua cũng đang thay đổi. Tại chợ đồ cổ Oedo được tổ chức hàng tháng ở Yurakucho, Tokyo, du khách nước ngoài đến Nhật Bản háo hức mua đồ cổ. Đồng yên yếu giúp họ có thể mua bộ đồ ăn, dụng cụ cổ và Kimono của Nhật Bản với giá hợp lý. Đây không phải là bản sao để làm quà lưu niệm mà là hàng thật. Nhưng có vẻ như không phải người Nhật mua những món đồ đắt tiền ở đây.
Thay đổi cách tiêu dùng của người Nhật
Nhìn lại những năm 1980, khi nền kinh tế đang bùng nổ, người ta thường thấy các cửa hàng đồ cổ phương Tây trên đường phố. Ngay cả những tách trà cũng được thế hệ đi trước mua từ các thương hiệu nước ngoài như Wedgwood cũng được bày bán. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều hộ gia đình thường mua bộ đồ ăn đơn giản từ MUJI hoặc các cửa hàng tương tự. Sẽ đúng nếu nói rằng thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi. Nhưng thật không may, người dân đã không còn đủ khả năng chi tiền cho những thứ đắt đỏ như đồ cổ nữa.
Ngược lại, khách hàng Trung Quốc hiện muốn có những ấm trà bằng bạc giống như những loại ấm từng được sử dụng trong nhà của giới quý tộc Anh. Họ luôn có thói quen uống trà, đời sống ngày càng sung túc nên họ bắt đầu chú ý đến những món đồ cổ phương Tây như vậy. Do đó, giá bạc cũng như giá vàng đang dần tăng lên.
Do tình trạng giảm phát kéo dài, việc tiêu dùng dùng một lần với chi phí thấp đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản thay vì mua hàng hóa đắt tiền, chất lượng cao. Kể từ sau khi thế hệ Showa – thế hệ vốn có nhiều nguồn tài chính hơn thế hệ hiện tại rời khỏi thị trường, thứ duy nhất được giao dịch sẽ là “tài sản ẩn” chẳng hạn như quần áo giá cả phải chăng và chất lượng. Đây là những vấn đề điển hình của kinh tế Nhật Bản 2023 qua góc nhìn của thị trường đồ cũ.
Ý kiến