Doanh nhân Konosuke Matsushita là một trong những cái tên huyền thoại của Nhật Bản. Ông đã từng được ví là sự kết hợp giữa Henry Ford và Horatio Alger bởi tạp chí danh giá – Time. Ngoài triết lý kinh doanh “nước máy” nổi tiếng: “Sứ mệnh của nhà sản xuất là tạo ra nhiều sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt và làm cho quốc gia thịnh vượng”, ông còn được biết đến với phương châm: quyết không cắt giảm hay sa thải bất kỳ nhân viên nào dù khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến đâu.
Mục lục
- Konosuke Matsushita – Cái tên đầy mê lực trong giới doanh nghiệp Nhật Bản
- Tiền muốn kiếm được nhiều, thì bắt buộc phải nai lưng bạt mạng ra làm
- Giống như hoa anh đào đợi xuân đến, bình tĩnh chờ đợi thời cơ
- Xoay chuyển tình thế trong khó khăn
- Khắc phục tình trạng khủng hoảng việc sử dụng lao động dài hạn.
- Công cuộc cứu giám đốc của công đoàn
- Trở thành “Vua nợ” Nhật Bản
- Mở ra thời đại Panasonic trên thị trường thế giới
Konosuke Matsushita – Cái tên đầy mê lực trong giới doanh nghiệp Nhật Bản
Tạp chí Time của Mỹ đã từng nhận xét: “Trong giới doanh nhân Nhật Bản, cái tên Konosuke Matsushita luôn có một mê lực lớn bởi sự kiệt xuất trong kinh doanh. Ông hoàn toàn xứng đáng với danh xưng Ông thần quản lý, Ông thần kinh doanh”.
Không theo những lối mòn thông thường, Konosuke Matsushita quyết định bỏ học để chọn học nghề ngay từ thời niên thiếu. Ông bắt đầu lăn lộn, bôn ba ở chốn Thượng Hải để tìm ra con đường của riêng mình. Với khả năng kiệt xuất, Konosuke Matsushita không chỉ thành lập nên một doanh nghiệp huyền thoại; mà còn tạo ra những triết lý có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực quản lý kinh doanh.
Giữa một rừng các doanh nghiệp tại Nhật Bản, ông đã tự xây dựng lên cho mình một đế chế. Qua thời gian, trí tuệ trong kinh doanh cùng với triết lý trong quản lý của ông đã đơm hoa kết quả. Ông còn trở hình mẫu cho nhiều người trên thế giới học hỏi bởi phong độ và nhân cách con người của mình.
“Nghịch cảnh vừa có thể tôi luyện, vừa có thể hủy hoại một con người. Người can đảm, coi khó khăn, thử thách như một bài sát hạch, luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, nghiến răng chịu đựng, kể cả có rơi vào vòng xoáy của nghịch cảnh cũng phải ngẩng cao đầu. Ngược lại, kẻ yếu đuối, ủy mỵ luôn đứng trước bản đồ dò đường, chỉ mong được ngồi mát ăn bát vàng, không dám đương đầu với khó khăn, thậm chí có thể sa ngã vào con đường phạm pháp”.
Tiền muốn kiếm được nhiều, thì bắt buộc phải nai lưng bạt mạng ra làm
Matsushita Kōnosuke sinh vào năm 1894 tại Nhật Bản. Vào mùa thu năm 9 tuổi, gia đình ông nghèo đến mức không có gì để ăn. Cậu bé Konosuke năm đó đành phải gác lại việc học, đi tìm việc làm thêm để gia đình khỏi chết đói.
Sau khi thôi học, ông một mình nhảy chuyến tàu đi đến Osaka, dòng đời xô đẩy ông đến với công việc đầu tiên là làm phục vụ tại một nhà hàng đồ nướng. Nhớ lại hồi ức năm đó, ông thuật lại:
“Ở những năm tháng tuổi thơ, thay vì vui chơi như bao đứa trẻ khác tôi đã phải lao động. Những ngày đầu, mỗi ngày trước khi ngủ tôi đều khóc thành tiếng. Cứ như vậy khoảng 2 tuần, nước mắt cũng không còn nữa. Một ngày nọ, ông chủ đưa tôi 5 đồng tiền công. Với tôi, đó là số tiền lớn nhất mà tôi đã từng nhận trong đời. Ngày nào cũng vậy, tôi đều phải mang ra đếm lại rồi mới yên tâm đi ngủ. Thậm chí nửa đêm tỉnh dậy phải sờ dưới gối xem còn hay mất mới yên tâm ngủ tiếp”.
Với công việc phục vụ này, Konosuke Matsushita phải cọ các nồi than rất vất vả. Đặc biệt khi thời tiết trở lạnh vào đông, hai tay ông vì ngâm nước lâu mà nứt nẻ. Với một đứa bé lúc bấy giờ, những vết thương và đau đớn đó quả thực có chút tàn nhẫn vậy mà ông chưa hề có một lời oan thán nào.
“Bởi vì tôi biết, muốn kiếm được nhiều, thì bắt buộc phải nai lưng bạt mạng làm việc, than trách chỉ thêm lãng phí thời gian, và mai một ý chí. Mặc dù còn nhỏ, nhưng tôi đã có nhận thức như vậy và nó thực sự có tác động đến quãng đường trưởng thành sau này”.
Ba năm thấm thoắt trôi qua, vì ông chủ muốn chuyển đi nên quá trình làm ở quán đồ nướng của Konosuke cũng đã dừng lại. Thay vào đó, ông chủ đã giới thiệu Konosuke đến làm cho một người bạn ở cửa hàng bán xe đạp. Ông đồng ý chuyển đến đây làm việc và gắn bó với công việc này trong khoảng 6 năm.
Konosuke cho biết:
“6 năm đó, tôi gần như không nhận được một ngày nghỉ nào. Mùa hè phải thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Mùa đông thì có thể ngủ thêm nửa tiếng. Cả một năm chỉ được nghỉ đúng 2 lần. Khi ấy tôi cho nó là điều bình thường lắm vì ai ai xung quanh cũng như vậy. Ngày qua ngày vào mỗi sáng sớm tôi đều dọn dẹp cửa hàng, bơm nước và sửa xe đạp. Không cảm thấy vất vả nhọc nhằn là bao”.
Sau này, Konosuke dần có hứng thú với ngành sản xuất điện tử nên đã quyết định theo học tại một công ty thiết bị điện. Với khả năng học hỏi không ngừng, ông đã dần dần trở thành một thợ điện tài giỏi. Tuy nhiên, Konosuke đã xin từ chức ở công ty cổ phần Osaka Electric sau khi kết hôn để ra ngoài lập nghiệp.
Giống như hoa anh đào đợi xuân đến, bình tĩnh chờ đợi thời cơ
Những khó khăn buổi đầu lập nghiệp
Năm 1918, nhà máy sản xuất thiết bị điện Panasonic tại Osaka do chính tay Konosuke gây dựng được thành lập. Mảng sản xuất chính của công ty là ổ cắm, Plug-in cắm cho đèn kép. Giống như bao người khác, ông cũng gặp khó khăn về vấn đề vốn, nhân công; chế độ quản lý ở những ngày đầu. Tình hình cấp bách đến mức đã có lúc xưởng của ông chỉ còn lại 3 người. Hai vợ chồng không có cách nào khác đành phải nhờ cậy đến hai người em trai. Cơm còn không có để ăn, không biết bao nhiêu lần ông phải đem những vật dụng có giá trị trong nhà đến tiệm cầm đồ.
Nhớ về những ngày tháng gian khổ, ông từng nói:
“Hạnh phúc là, trong những năm tháng tuổi trẻ, bất cứ điều gì cũng không làm tôi sợ. Tôi luôn ghi nhớ một điều, bạn chỉ nhận lại được thành quả khi nỗ lực thực sự. Không phải ông trời hay xã hội bất công; mà là bạn chưa có đủ khát khao, kỳ vọng vào bản thân. Vậy nên, dù sức cùng lực kiệt, tôi vẫn giữ phương châm kiên trì đến cuối cùng. Từ đó tôi đã dần có được sự tín nhiệm của khách hàng và đối tác“. Dựa vào quan điểm này, ông chưa từng nản chí mà chùn bước.
Vào năm 1923, ông cho ra mắt chiếc đèn xe đạp chạy bằng pin lần đầu tiên. Sản phẩm này có tính năng tốt, tuổi thọ lên tới 40 – 50 tiếng, hứa hẹn là một sự đột phá. Mặc dù vậy, giá thành của nó lại khá cao so với các sản phẩm xuất hiện trước đó. Konosuke đã mang mẫu sản phẩm đến giới thiệu cho rất nhiều đại lý nhưng đều không được đón nhận.
Xoay chuyển tình thế trong khó khăn
Bán buôn không thành, Konosuke tính kế chuyển sang tập trung vào những người bán lẻ
Konosuke quyết định phân phát miễn phí 3 – 4 cái bóng đèn cho mỗi cửa hàng và trực tiếp thử bật. Chỉ một thời gian sau, bóng đèn xe đạp của ông đã hiện diện ở mọi cửa hàng đèn điện cũng như các cửa hàng xe đạp ở Osaka. Sản phẩm đã bắt đầu nhận được sự chú ý nhiều hơn. Với bóng đèn này, nỗi bất tiện khi đi xe đạp vào ban đêm giờ đã tìm được giải pháp.
Phản ứng của khách hàng đã vượt ngoài mong đợi
Tiếng lành đồn xa, Konosuke đã thành công áp dụng phương pháp marketing truyền miệng. Ông ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các lái buôn. Không dừng lại ở đó, ông còn kiên trì đăng tin quảng cáo tìm đại lý bán lẻ, mở rộng thêm địa bàn.
“Nhân sinh khó dự liệu. Con người khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, dù là ai, đều rất dễ bị nhấn chìm trong bi quan tuyệt vọng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nằm ở chỗ, dù có rơi vào hoàn cảnh như vậy, cũng hãy sống thật tốt, đừng bao giờ hết hy vọng. Tôi nghĩ, chỉ cần mỗi ngày cố gắng một chút, thì bước ngoặt mà bạn không ngờ đến nhất định sẽ xuất hiện. Một khi những bất lợi qua đi, cánh cửa của thời cơ và may mắn tự sẽ đến. Giống như hoa anh đào đợi xuân đến, hãy kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cho chính mình. Điều này là vô cùng quan trọng”.
Đối mặt với nhiều phong ba bão táp, nhưng với lòng kiên trì, tin tưởng vào chính sản phẩm của mình, mỗi rủi ro đều được ông hóa giải. Một khi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, công ty của Konosuke giống như nhành cây thường xuân, ngày một sinh sôi nảy nở.
Khắc phục tình trạng khủng hoảng việc sử dụng lao động dài hạn.
Đối mặt với khủng hoảng phải cắt giảm lao động, đây là cách xử lý của Konosuke
Năm 1929 đến với sự kiện khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới. Nước Nhật đang dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính hai năm trước đó. Tình trạng này dẫn đến sự suy thoái trên toàn thị trường; lượng tiêu thụ sản phẩm của thương hiệu Panasonic cũng giảm, hàng tồn kho ngày một tăng.
Đi ngược lại với các doanh nghiệp khác, Konosuke thậm chí không sa thải bất cứ nhân viên nào mà chỉ quyết định giảm một nửa sản xuất. Nhân viên của ông vẫn được trả lương đầy đủ theo ngày làm việc. Bằng cách thông minh hơn, ông khuyến khích nhân viên đi làm nửa ngày. Nửa ngày còn lại, họ có thể lựa chọn đi làm dựa trên sự tự nguyện cống hiến đối với công ty.
Quan điểm của Konosuke
Konosuke đã chia sẻ:
“Trên thế giới này, không phải ngày nào mặt trời cũng tỏa sáng rực rỡ; sẽ có những ngày nắng, ngày mưa, ngày âm u không ít. Nếu mỗi lần như vậy cứ tuyển dụng nhân viên mới rồi lại sa thải thì liệu có hiệu quả không? Không được đuổi dù chỉ một người. Tiền công dù chỉ nửa ngày làm việc thì một phần trăm cũng không được bớt!”
Cách ứng xử lay động lòng người
Konosuke đã lay động nhiều nhân viên của mình bằng cách hành xử của ông. Nhiều nhân viên không kể nắng mưa; sẵn sàng hy sinh cả ngày nghỉ quý báu của mình để cống hiến cho công việc. Sự nỗ lực này của Konosuke cũng như nhân viên cuối cùng cũng được đền đáp. Sau 2 tháng, số hàng tồn chất như núi đã được tiêu thụ một cách sạch sẽ. Nhà máy của ông cũng đã nối lại hoạt động sản xuất vốn có giữa tình hình suy thoái.
Công cuộc cứu giám đốc của công đoàn
Biến cố lớn từng khiến sự nghiệp bao năm của Konosuke rơi vào bế tắc
Năm 1945 sau thế chiến, Mỹ tiếp tục cai quản Nhật. Họ đã đưa ra những hạn chế khắc nghiệt nhằm suy giảm sức kinh doanh các công ty Nhật. Thậm chí, Mỹ còn đưa công ty của Konosuke vào danh sách tài phiệt. Ông buộc phải từ chức; đứng trước khả năng mất đi chính đứa con mà mình gây dựng. Không bỏ cuộc, Konosuke đã đến Mỹ không dưới 10 lần để đàm phán. Nhưng đổi lại, ông không nhận được bất kỳ kết quả nào. Bao năm gây dựng sự nghiệp của ông giờ đã rơi vào bế tắc; kéo theo cả cuộc sống đời thường của ông đi xuống.
Chiến dịch cứu giám đốc của Công đoàn lao động công ty
Một tín hiệu đáng mừng khi ấy là sự đồng lòng của công đoàn lao động sau khi biết chuyện. Một cuộc vận động của công đoàn tại 42 chi bộ đã được tiến hành. Họ lấy chữ ký xin dỡ bỏ hình phạt đối với Konosuke và thu được tổng cộng 93% sự ủng hộ. Sau đó, toàn bộ chữ ký được mang đến Bộ chỉ huy tối cao (GHQ). Người phụ trách tại GHQ đã không khỏi ngạc nhiên khi tiếp nhận bảng chữ ký của họ.
Cuộc vận động chữ ký không dừng lại ở đó khi công đoàn còn tìm đến các cơ quan khác để huy động. Đầu tiên là Chủ tịch thanh tra công chức cao cấp; rồi đến các quan chức cấp cao GHQ; quan chức cấp cao của Chính phủ. Chiến tranh liên miên, mối quan hệ chủ – thợ vẫn căng thẳng. Trên khắp các vùng trên đất nước Nhật Bản là những cuộc đình công của người lao động. Bất mãn tăng cao lại thêm lạm phát tăng đến đỉnh, cuộc sống của người lao động vô cùng thê thảm. Tuy nhiên, diễn biến ở công ty của Konosuke Matsushita lại hoàn toàn khác.
Chính lời tuyên bố không sa thải bất kỳ nhân viên nào của Konosuke Matsushita trong thời điểm khó khăn trước đây đã giúp ông chiến thắng trước lệnh thanh trừng của GQH.
Trở thành “Vua nợ” Nhật Bản
Tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại ở đó…
Dưới sự quản thúc của Mỹ, ông không được vay vốn ngân hàng để tiếp tục kinh doanh. Sản xuất của công ty đình trệ, Konosuke gánh trên vai một khoản nợ rất lớn. Công ty dần cạn kiệt ngân sách, công nhân không được trả tiền; dẫn đến nhiều người đã xin từ chức. Thậm chí ông còn phải nhờ cậy vay mượn bạn bè để chi trả những bữa ăn hàng ngày. Tuy vậy, những thử thách này vẫn không thể quật ngã được ông.
“Những vòng xoáy của nghịch cảnh có thể tạo động lực để suy nghĩ, xem xét, và đánh giá. Từ đó, có thể cấu thành một kế hoạch hợp thời, toàn diện, những ý tưởng táo bạo, hấp dẫn. Hãy tìm việc gì đó để làm thay vì cứ ngồi nhìn thời gian trôi đi. Nếu khâu đào tạo và chăm sóc khách hàng còn yếu kém, qua loa; thì nên nghiên cứu lại toàn hệ thống và khắc phục từng chút một.
Nhờ chính sách kiềm chế lạm phát vào năm 1948 của GHQ mà tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống, giá thành bình ổn hơn. Đổi lại, lãi suất đồng loạt tăng lên, đồng tiền không được luân chuyển. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cũng ghi nhận mức giảm đột ngột, phát sinh nhiều sản phẩm tồn dư. Do thiếu vốn trầm trọng, không ít doanh nghiệp đua nhau phá sản.
Bước chuyển đổi đặc biệt của công ty Matsushita của Konosuke
Thời điểm Matsushita đối mặt với bước chuyển đổi đặc biệt đó là khi chiến tranh Hàn Quốc bùng nổ vào năm 1950. Chính phủ Mỹ đã mua một lượng hàng lớn để phục vụ cho chiến tranh ở Nhật Bản. Giống như sự hồi sinh của Toyota trước bờ vực phá sản, Công ty Điện khí Matsushita cũng đã tìm thấy lối thoát cho riêng mình.
Mở ra thời đại Panasonic trên thị trường thế giới
Vươn mình ra thị trường thế giới
Năm 1955, công ty của Konosuke xuất khẩu loa sang Mỹ lần đầu tiên dưới thương hiệu Panasonic. Với bước đi chiến lược này, kỷ nguyên của Panasonic đã được mở ra. Thương hiệu này đã trở thành đại diện tiêu biểu cho nền kinh tế Nhật Bản lúc bấy giờ.
Tiếp nối thành công, những nhà máy sản xuất đầu tiên ở Mỹ đã bắt đầu được xây dựng. Từ đó, Konosuke tiến đánh thị trường Đông Nam Á, châu Mỹ Latin rồi đến châu Phi… Tiếng tăm của sản phẩm ngày càng nhận được sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.
Năm 1960, số vốn của công ty Matsushita được ghi nhận ở mức 15 tỷ yên. Quy mô nhân viên cũng tăng tới 25.000 người. Tháng Một cùng năm, Konosuke Matsushita đã đưa ra lời khẳng định tại cuộc họp phát biểu phương châm kinh doanh của công ty: “Từ năm 1964, chúng tôi sẽ sử dụng chế độ làm việc năm ngày một tuần với mức đãi ngộ tương đương với các doanh nghiệp làm việc sáu ngày một tuần.”
Vào năm 1961, khi ở tuổi 67, Konosuke quyết định từ chức Tổng giám đốc Panasonic; và nắm quyền chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Về hưu năm 67 tuổi… nhưng đến năm 70 tuổi Konosuke Matsushita lại phải quay lại lèo lái công ty vượt qua khó khăn một lần nữa
Ngỡ rằng thời kỳ khó khăn đã qua, nhưng sau 3 năm, thị trường Nhật Bản lại suy thoái, xuống dốc không phanh. Một lần nữa khiến người đàn ông ở cái tuổi thất thập cổ lai hy quay trở lại. Do kinh tế Nhật Bản lạm phát, thị trường có nhiều diễn biến xấu, đến năm 1964, ông quyết định lấy thân phận là chủ tịch Hội đồng quản trị của Panasonic tạm thời nắm giữ chức vụ giám đốc phòng kinh doanh của công ty.
Cương vị này đã kích hoạt ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí những tháng năm tuổi trẻ của Konosuke. Dưới sự dẫn dắt của ông, công ty một lần nữa bước ra khỏi khó khăn; diễn lại vở kịch tăng trưởng nhanh chóng trong thời điểm kinh tế khó khăn năm nào. Hơn 200 đại lý toàn quốc như được ông tiếp thêm nhiên liệu và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc.
Thử thách nối tiếp thử thách… nhưng một lần nữa sự bình tĩnh quyết tâm của Konosuke lại cứu Panasonic khỏi nguy cơ
Năm 1973 là năm bùng phát khủng hoảng dầu mỏ. Nhật Bản phải chứng kiến sự thâm hụt ngân sách như bệnh dịch lây lan trong giới doanh nghiệp. Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp dựa vào nguồn vốn nước ngoài. Panasonic lại một lần nữa rơi vào thế khó khăn.
Thời khắc đó, “cái đầu lạnh” của Konosuke đã đưa ra những phân tích; điều chỉnh phương hướng và chiến lược kinh doanh của công ty. Ông đào sâu vào tiềm lực của công ty; vận dụng tinh thần “Nước tự đến” mô phỏng theo các sản phẩm điện tử tốt nhất trên thế giới thậm chí còn sắc sảo và ưu việt hơn. Về sau, ông rất thành công với những sản phẩm mô phỏng này, cứu nhà máy khỏi việc đóng cửa. Panasonic lại lần nữa vượt qua thử thách, hơn nữa đã mạnh dạn thâm nhập thị trường Mỹ. Đến ngày nay, Panasonic tự hào là một doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Ý kiến