“Kỳ tích” của nền kinh tế Nhật
Nhắc đến Nhật Bản, chúng ta đều nghĩ ngay đến những cụm từ như “ Nền kinh tế thứ 2 thế giới”, “Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế”. Không phải ngẫu nhiên mà nền kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1952-1973 lại được các nhà kinh tế học trên thế giới liệt kê vào diện Phát triển thần kỳ và tập trung khai thác những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển đó. Vậy, điều gì đã khiến một đất nước được coi là nghèo tài nguyên và đầy thiên tai như Nhật phát triển thần tốc và trở thành nền kinh tế thứ 2 của thế giới?
Mục lục
Tổng quan nền kinh tế Nhật giai đoạn 1952-1973
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, với vị thế là kẻ thua cuộc, Nhật Bản phải chịu những tổn hại nặng nề về cả mặt kinh tế, con người. Tuy nhiên, nhờ công cuộc cải cách do Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Đồng minh – GHQ cùng với sự nỗ lực phi thường của chính phủ và người dân Nhật Bản.
Tăng trưởng chung
Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật trong thời kỳ phát triển thần tốc giai đoạn 1952-1958 tăng trung bình 6,9% mỗi năm. Đến năm 1959, tốc độ tăng trưởng đã lên 2 con số, vượt 10%. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng và luôn trên 10% trong thập niên 1960.
Nhìn vào những con số trên, chúng ta sẽ không thể không trầm trồ ngưỡng mộ vì một đất nước hậu chiến tranh với số tài sản thiệt hại lớn lên đến 64,3 tỷ yên, lạm phát phi mã, nạn đói hoành hành… mà chỉ sau 10 năm đã có thể tăng trưởng thần tốc như vậy phải không?
So sánh với các nước Âu Mỹ, nếu năm 1950 GDP của Nhật chỉ bằng vài phần trăm so với Mỹ và thấp hơn so với các nước phương Tây (24 tỷ USD), thì tới năm 1960 đã vượt Canada, 1966 vượt Pháp, 1967 vượt Anh, 1968 vượt Tây Đức và rồi trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 sau Mỹ. Đây có thể coi là “sự chuyển mình kinh dị” ( theo nhận xét của PGS.TS Nguyễn Tiến Lực).
Theo cơ cấu ngành
Nông nghiệp
Nông nghiệp Nhật phát triển theo hướng điện khí hóa, cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa và gia tăng năng suất. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp nhằm cải thiện năng suất đã có hiệu quả đáng kể. Chính phủ còn đưa ra Chính sách khuyến khích sản xuất lúa gạo, vì vậy mà sản lượng lúa ở Nhật thời kỳ đó luôn cao và ổn định. Có thể kể đến giai đoạn 1967-1969, sản lượng lúa đạt 14 triệu tấn/ năm. Ngành chăn nuôi cũng rất phát triển và nhanh hơn cả ngành trồng trọt do yếu tố địa hình và thời tiết. Cụ thể, chăn nuôi bò thịt và bò sữa đã rất phát triển ở vùng Hokkaido và Kagoshima. Nghề đánh bắt và nuôi cá cũng phát triển vào bậc nhất thế giới.
Công nghiệp
Thời kỳ này, ngành công nghiệp chế tạo ở Nhật phát triển vượt bậc, đặc biệt trong ngành chế tạo ô tô và đóng tàu biển.Năng lực sản xuất ô tô của Nhật tăng gấp 100 lần so với trước chiến tranh, và đã đạt vị trí thứ 2 (sau Mỹ) vào năm 1967. Ngành đóng tàu biển thì Nhật Bản vẫn liên tục dẫn đầu trên thế giới. Về ngành sản xuất máy móc và thiết bị điện tử, từ năm 1967, Nhật đã chiếm vị trí thứ 2 thế giới với giá trị sản lượng gần bằng ¼ của Mỹ. Ngành công nghiệp chế tạo tăng 118% vào thập niên 50-60.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 1950-1960 của ngành công nghiệp Nhật Bản là 15,9%, gấp 6 lần Mỹ, gấp 5 lần Anh và gần gấp đôi Đức. Một con số đáng kinh ngạc thể hiện sự phát triển tuyệt vời của nền công nghiệp xứ Mặt trời mọc.
Ngoại thương
Trong vòng 21 năm (1950-1971), kim ngạch xuất nhập khẩi của Nhật Bản đã tăng gấp 25 lần. Cụ thể, từ 1,7 tỷ USD => 43,6 tỷ USD. Các đối tác thương mại lớn nhất của Nhật phải kể đến đó chính là: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, Trung Quốc,… Thời kỳ đó được coi là hoàng kim của ngành xuất khẩu Nhật Bản với câu nói truyền miệng: “ Chỉ cần sản xuất ra là lập tức có thể bán được”, ý chỉ Nhật chỉ cần sản xuất ra là đã có nơi đặt mua.
Nhờ vào thặng dư lớn trong cán cân thanh toán (xuất siêu nhiều hơn nhập siêu), xứ sở Mặt trời mọc đã thu về một lượng vàng và ngoại tệ dáng kể: từ 930 triệu USD (1951) => 12,1 tỷ USD (1973). Từ một đất nước từng phải đi vay nợ sau khi thất thế hậu chiến thứ 2, giờ đây Nhật đã trở thành chủ nợ của rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Lúc đó, Tokyo đã trở thành một trong những trung tâm tài chính- tiền tệ của thế giới, bởi đó là nơi tập trung các ngân hàng lớn và sàn chứng khoán lớn.
Như vậy, có thể thấy sự phát triển vượt bậc của Nhật tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nặng, sản xuất, và từ đó phát triển mạnh ngành thương mại xuất nhập khẩu.
Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật
Vậy nguyên nhân nào đã khiến Nhật phát triển vượt bậc và thần tốc như vậy? ONE-VALUE đã tham khảo nhiều tài liệu đánh giá của các chuyên gia kinh tế và sử học để đưa ra 2 nguyên nhân chính dưới đây.
Nguyên nhân quốc tế
Thị trường quốc tế ổn định, nhu cầu lớn
Thời gian hòa bình hậu chiến là một môi trường thuận lợi để các nước bắt tay vào khôi phục nền kinh tế. Có thể thấy không chỉ Nhật, từ 1950~ 1960, GDP của các nước trên thế giới cũng đều tăng với tốc độ cao hơn những năm trước thế chiến ( tầm 5% mỗi năm). Thương mại cũng phát triển với khối lượng buôn bán từ 1955 ~ 1970 là 7,6% so với 1,3% ( 1913~1950).
Hậu chiến, Nhật đã tích cực và nhanh chóng tham gia vào các tổ chức kinh tế và quỹ tiền tệ thế giới, ví dụ như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới, Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT),… Việc tham gia Quỹ tiền tệ và Ngân hàng thế giới đã khiến Nhật được hỗ trợ lớn về tài chính để phát triển ngành công nghiệp, và từ đó khi tham gia và GATT, Nhật càng có nhiều ưu thế trong hoạt động thương mại.
Nhật – Mỹ có chính sách ngoại tệ 360yen = 1 dolla lợi cho xuất khẩu
Việc Mỹ xác lập tỷ giá ngoại tệ 360 yên = 1 đô đã tạo nên lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất và xuất khẩu Nhật. Điều này cũng tạo nên được lợi thế về giá khi các sản phẩm xuất khẩu của Nhật chủ yếu ở mảng công nghiệp nặng và chế tạo.
Chiến tranh Việt Nam làm tăng nhu cầu đặt hàng của Mỹ
Do chiến tranh tại Việt Nam mà Mỹ luôn phải bổ sung quân nhu phục vụ chiến tranh, và Nhật Bản chính là đất nước được Mỹ lựa chọn để nhập khẩu các sản phẩm cần thiết. Bên cạnh việc xuất khẩu sang Mỹ, Nhật còn xuất khẩu sang cả Hàn Quốc, Đài Loan Philippines,… Theo thống kê của Bộ METI Nhật Bản, năm 1966 Nhật xuất khẩu quân nhu hơn 100 triệu USD, quân dụng khoảng 500 triệu USD, chiếm khảong 6% kim ngạch xuất khẩu thời giờ của Nhật. Như vậy có thể thấy, chiến tranh cũng là một phần tạo ra “ thị trường” để Nhật xuất khẩu sản phẩm.
Nguyên nhân trong nước
Sự cải cách về chế độ
Hậu chiến, Nhật bị quản lý bởi quân đội Đồng minh và cơ quan chiếm đóng có tên gọi là Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội cấp cao (GHQ). 3 chính sách có tác động lớn góp phần thay đổi Nhật Bản đó chính là: Giải tán các tập đoàn tài phiệt, Thành lập công đoàn lao động và Giải phóng đất nông nghiệp.
Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật
Nhật Bản rất đầu tư cho nhập khẩu kỹ thuật, mua bằng phát minh và sáng chế của nước ngoài, và điều này được thể hiện qua những con số như: 15,289 hợp đồng nhập khẩu kỹ thuật (1950-1974), 11,606 bằng phát minh (1950-1969). Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) rất cao, 40,1 tỷ yên ~ 1,200 tỷ yên (1955- 1970).
Dân số trẻ, người Nhật chăm chỉ cần củ kỷ luật thép cùng chế độ đãi ngộ nhân viên hợp lý
Nhân lực trẻ chăm chỉ, cần cù, nỗ lực cầu tiến và có kỷ luật tốt cũng là nhân tố chính khiến kinh tế Nhật phát triển thần kỳ. Đầu tiên, thế hệ Baby Boom (1947-1949), hay còn gọi là Bùng nổ trẻ sơ sinh, đóng vai trò then chốt về nhân lực trong sự phát triển kinh tế của Nhật. Thứ 2, phương thức quản trị kiểu Nhật là chế độ làm việc suốt đời và chế độ lương thưởng thăng cấp theo thâm niên đã khiến cho các ông ty đảm bảo được số lượng nhân viên chất lượng gắn bó lâu dài với công ty, tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Thứ 3 là về triết lý coi trọng giáo dục và đào tạo của Nhật Bản. Nhật Bản chi rất nhiều tiền cho sự phát triển giáo dục, đào tạo con người. Bên cạnh đó, tính cách ưu tiên tập thể hơn cá nhân cũng là một nhân tố tạo nên sự đoàn kết lớn trong cộng đồng người Nhật, và từ đó thúc đẩy sự phát triển không chỉ của một cá nhân mà là một tập thể, một cộng đồng lớn, và một đất nước.
Kết bài
Như vậy, có thể thấy Nhật Bản đã có thời kỳ phát triển kinh tế thần tốc, nguyên nhân cũng có thể nói là “Thiên thời, Địa lợi, Nhân Hòa”. Thời kỳ tăng trưởng thần tốc của Nhật đã qua đi, và chúng ta cũng không biết liệu Nhật có thể quay trở lại thời phát triển hoàng kim như xưa được không. Hậu thế chỉ có thể nhìn vào những kỳ tích trong lịch sử để rút ra bài học và áp dụng cho sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, với người Nhật Bản, những kỳ tích lưu danh lịch sử vẫn là niềm tự hào về thế hệ ông cha đã hy sinh, nỗ lực để đưa Nhật Bản lên tầm cao sánh bước với các cường quốc. Japanbiz tự hào là cầu nối kết nối các doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản hợp tác cùng phát triển, cùng đưa ra những chiến lược hoạt động chi tiết cụ thể đóng góp cho sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp hai nước nói riêng và hai quốc gia nói chung. Quý công ty có nhu cầu khai thác thị trường Nhật Bản, tìm kiếm đối tác, xuất nhập khẩu sang thị trường Nhật,… vui lòng liên hệ tới ONE-VALUE theo địa chỉ mail: japanbiz@onevalue.jp
Nguồn: Tham khảo thông tin cuốn sách “ Nhật Bản – Những bài học từ lịch sử” của PGS.TS Nguyễn Tiến Lực, thông tin trên trang của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cùng với tư liệu lịch sử của Nhật Bản.
Ý kiến