Năm ngoái, khi Thủ tướng Shinzo Abe thông báo từ chức, rất nhiều người tiếc nuối và hụt hẫng. Trong suốt thời gian tại vị, Thủ tướng Abe đã để lại nhiều dấu ấn về đối nội và đối ngoại. Cùng tìm hiểu những dấu ấn riêng của Abe Shinzo trong lịch sử Nhật Bản cũng như những tình cảm đặc biệt ông dành cho Việt Nam.
Mục lục
Tiểu sử chính trường của vị thủ tướng
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị
Shinzo Abe sinh ngày 21/9/1954 tại Tokyo Nhật Bản trong gia đình có cha là cựu Tổng Thư ký LDP (Đảng Dân chủ Tự do) Shintaro Abe. Ông nội của ông, Nobusuke Kishi cũng là Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1957 đến năm 1960. Chú của ông, Eisuke Sato, là Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1964 đến năm 1972. Ông Sato cũng là người nhận được giải Nobel Hòa Bình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, ông Abe có một giấc mơ riêng cho một nước Nhật như ông hình dung.
Sự trường thọ trên cương vị Thủ Tướng của Shinzo Abe
Shinzo Abe với 4 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Nhật Bản. Lần đầu, ông nhậm chức năm 2006 khi mới 52 tuổi. Ông được cho là người trẻ nhất lên làm Thủ tướng và là Thủ tướng đầu tiên sinh ra sau chiến tranh TG thứ 2. Tuy nhiên, ông đột ngột từ chức vì lí do sức khoẻ năm 2007, để lại một loạt các hỗn loạn và nhiều người phê bình rằng ông vô trách nhiệm. Tới năm 2010, Nhật chính thức rớt xuống hàng thứ 3 về quốc gia quy mô kinh tế, bị Trung Quốc vượt mặt. Tính cả năm 2010, tổng GDP của Nhật đạt 5,47 nghìn tỷ USD, thấp hơn 7% so với con số 5,88 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc công bố vào tháng 1/2011.
Năm 2012, ông một lần nữa thắng cử và tái đắc cử 2 lần sau đó. Cho tới năm 2020, lần thứ 2 ông phải từ chức vì lý do sức khỏe. Từ cuối năm 2012, tức là kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền; tình hình thế giới thuận lợi, chính sách tiền tệ linh động của ngân hàng trung ương Nhật khiến đồng yên mất giá và qua đó làm tăng lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu. Mặc dù không có những cải tổ cơ cấu nghiêm túc, tăng trưởng kinh tế của Nhật vẫn tăng trung bình 1,3% trong nhiệm kỳ của ông Abe. Trong lịch sử Nhật Bản, ông cũng là người giữ chức Thủ tướng lâu nhất.
Dấu ấn của Thủ Tướng Shinzo Abe qua Chính sách Abenomics
Nhắc đến Abe Shinzo là phải nhắc tới cam kết “làm hồi sinh” Nhật Bản thông qua chính sách Abenomics. Sau những năm 1990, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt là tình trạng lạm phát kéo dài trong vòng hai thập niên. Sau khi tái đắc cử năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố chương trình kinh tế toàn diện “Abenomics”. Chiến lược nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tăng trưởng GDP và nâng lạm phát lên mức 2%. Abenomics tập trung chủ yếu với 3 trọng tâm là (1) thúc đẩy chi tiêu công, (2) nới lỏng chính sách tiền tệ và (3) tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Abenomics với những mục tiêu tham vọng và dài hạn
Abenomics bao gồm 3 mũi tên chính, tập trung vào chính sách tiền tệ, tài khóa và chiến lược cải cách kinh tế.
Chính sách tiền tệ
Thông qua việc nới lỏng định lượng không giới hạn bằng cách mua trái phiếu từ các ngân hàng thương mại, hạ giá đồng Yên, tăng nguồn cung tiền, sửa đổi các đạo luật ngân hàng,… nhằm mục đích giảm lãi suất, thúc đẩy kinh tế, đầu tư, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Nhật Bản trên thị trường thế giới.
Chính sách tài khóa
Đẩy mạnh đầu tư cho công trình công cộng quy mô lớn (tăng cường vào đất đai), mua và nắm giữ dài hạn trái phiếu Chính Phủ thông qua hoạt động mua của Ngân hàng Nhật Bản, tăng cường chi tiêu cho trợ cấp xã hội, tăng ngân sách tài khóa.
Chiến lược tăng trưởng kinh tế
Tái cấu trúc nền kinh tế thông qua tăng cường quản trị doanh nghiệp, cải cách thuế, khuyến khích lao động nữ khởi nghiệp, thực hiện cuộc cách mạng robot với mục tiêu tạo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Thành công của Abenomics đối với Nhật Bản
Tăng trưởng GDP
Tính đến năm 2017, kinh tế Nhật Bản đã có những khởi sắc khi liên tục tăng trưởng trong 7 quý liên tiếp. Đầu tư vốn tăng 0,7%; xuất khẩu tăng 2,4%. Ở thời kỳ này, Nhật Bản đã đánh dấu giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong suốt 28 năm. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã điều chỉnh lạm phát trong quý IV/2017 tăng 0,1% so với quý trước đó, thấp hơn chút ít so với mức dự báo 0,2% của thị trường. Kim ngạch xuất khẩu trong quý này cũng tăng 2,4% trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Ngoài ra, tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản luôn ở vị trí cao ở giai đoạn này so với các nước lớn như Đức, Hàn Quốc.
Tạo cơ hội việc làm cho người lao động
Sau khi Chính phủ Nhật Bản đưa học thuyết “Abenomics” vào trong kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống rất nhiều. Các nhà tuyển dụng đã đạt đến những cột mốc vượt trội trong quá trình tuyển dụng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 năm kể từ tháng 11/1993. Khoảng cuối nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng Shinzo Abe (2018), tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản giảm từ 4,3% (2012) xuống còn 2,8%.
Gia tăng giá trị xuất khẩu
Xuất khẩu ở Nhật Bản đang trở thành một hướng đi đúng đắn cho sự phục hồi ở nền kinh tế nước này. Đồng Yên đã giảm giá khoảng 30%; giúp cho giá hàng hóa xuất khẩu ở Nhật Bản có cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt là các sản phẩm về ô tô, điện tử,… Ở nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng ShinzoAbe, Nhật Bản cũng đã hoàn thành các thỏa thuận về thương mại và đầu tư, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – phiên bản mới của TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Nhật Bản – EU. Trong bối cảnh điều kiện thương mại có triển vọng được cải thiện, có lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, mức độ lạc quan về nền kinh tế sẽ được nâng lên.
Cống hiến hết mình cho sự nghiệp chính trị
Góp phần vào sự thay đổi của Nhật Bản
Nhật Bản hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, hoạt động đầu tư – kinh doanh, thị trường tài chính được thúc đẩy; góp phần giúp nền kinh tế nước này chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng nhất định. Cùng với đó, dấu ấn mà ông Abe Shinzo để lại trên hành trình chèo lái con thuyền Nhật Bản còn là những cải cách đáng chú ý trong các lĩnh vực lao động, du lịch, chính sách tiền tệ.
“Chủ công” trong nỗ lực tái định vị Nhật Bản trên bản đồ thế giới hiện đại
Thủ tướng Abe Shinzo đã định hình lại quan hệ chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại của Nhật Bản với các quốc gia khác. Trong đó có Mỹ, Australia, hay một số nước ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Ông là chính khách có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên trường quốc tế trong khoảng một thập kỷ qua.
Ông Mike Green, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định rằng: “Abe Shinzo không hoàn thành hết mọi điều mà Nhật Bản cần, nhưng ông đã làm được nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua”.
Thủ tướng Abe và tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Người đã chọn Việt Nam là đất nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.
Thường thì các Thủ tướng khác của Nhật sẽ chọn đến thăm Mỹ sau khi nhậm chức vì quan hệ với Mỹ là mối quan hệ được cho là ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế Nhật Bản. Nhưng Abe Shinzo thì khác, trong suốt nhiệm kì của mình, ông ấy luôn thể hiện là một người quyết liệt, bản lĩnh, nhiệt huyết mang nước Nhật trở lại thời kì hùng cường. Nhiệt huyết này của Thủ tướng Abe cũng dành 1 phần rất đặc biệt cho Việt Nam. Bằng chứng là ông Abe chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi nhận chức Thủ tướng.
Sự đóng góp rất quan trọng trong mối quan hệ khăng khít Việt Nhật
Thủ tướng Abe Shinzo là người đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này trước hết được thể hiện ở việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Đặc biệt, cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo đã hai lần thăm chính thức Việt Nam (năm 2013, 2017); hai lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC (năm 2006, 2017); đồng thời từng tiếp đón nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sang thăm Nhật Bản.
Tại thời điểm này, Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều thứ hai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực cũng đang ngày càng phát triển.
Kết lại
Abe Shinzo không chỉ là vị Thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất lịch sử Nhật Bản, mà ông còn được nhìn nhận như một trong những người nổi bật nhất nền chính trị nước này. Nhưng có lẽ, thành tựu lớn nhất mà ông có được là sự yêu mến và tín nhiệm của công chúng Nhật Bản. Việc ông dành tình cảm cho Việt Nam cũng đưa mối quan hệ giữa 2 nước trở nên tốt đẹp và khăng khít hơn; thúc đẩy đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế mạnh mẽ; tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động. Sẽ chẳng ai quên được một thủ tướng vĩ đại như thế!
Ý kiến