Khi nhắc đến xứ sở hoa anh đào, ta lại nghĩ ngay đến chiếc áo truyền thống Kimono; những món ăn đầy hấp dẫn như Sashimi, Tempura,… hay những tập Anime bắt mắt. Nhưng khi tìm hiểu về văn hóa con người nơi đây, chúng ta không thể bỏ lỡ một điệu nhảy sôi động mang tên Yosakoi. Bắt nguồn từ tỉnh Kochi vùng Tosa; nhưng cho đến ngày hôm nay, Yosakoi đã trở thành điệu nhảy truyền thống của người dân Nhật Bản. Cùng Japanbiz tìm hiểu xem vũ điệu mùa hè này có gì thú vị nhé!
Mục lục
Yosakoi – Cái tên chứa đầy ý nghĩa sâu sắc
Sau chiến tranh thế giới thứ II, khi nước Nhật chỉ còn lại sự mất mát, nỗi đau. Các nghệ sĩ tại tỉnh Kochi đã sáng tạo điệu nhảy Yosakoi nhằm cổ vũ tinh thần người dân trong địa phương. Yosakoi được dựa trên Awa Odori – điệu múa truyền thống của tỉnh Tokushima ở lân cận. Điệu nhảy ra đời vào năm 1954 đã thực sự đem đến cho mọi người niềm vui và hi vọng. Dần dần điệu nhảy ấy được lan rộng và yêu thích. Trong ngôn ngữ địa phương của vùng Tosa, Yosakoi bắt nguồn từ khẩu ngữ “Yosshakoi”; có nghĩa là “Đêm nay mời bạn đến”. Đó phải chăng là một lời mời dự một bữa tiệc nhộn nhịp? Hay một đêm hội hứa hẹn nhiều điều thú vị đang chờ đón?
Yosakoi là điệu nhảy kết hợp giữa động tác truyền thống trên nền nhạc hiện đại cùng các dụng cụ múa đặc sắc. Yosakoi chỉ là điều múa bình dân mô phỏng các động tác sinh hoạt hàng ngày nên tất cả mọi người đều có thể tham gia. Không phân biệt tuổi tác hay giới tính. Vì thế mà các vũ đạo của Yosakoi luôn linh hoạt, dứt khóat; mà cũng rất sôi nổi khiến cho không chỉ người biểu diễn mà người xem đều không thể rời mắt.
Những nét đặc trưng của điểu nhảy mùa hè – Yosakoi
Những chiếc áo Happi sặc sỡ
Điều thu hút của vũ điệu nụ cười này có lẽ là trang phục. Ngày nay, song hành cùng với thời gian, điệu nhảy ngày càng phát triển. Những đội diễn chọn cho mình những chiếc áo ấn tượng, phù hợp với tinh thần của đội. Tuy nhiên, vào thời gian đầu thì trang phục chỉ yếu là Yukata và Happi. Yukata có lẽ đã khá quen với những bạn yêu thích văn hóa Nhật Bản; còn Happi là một loại trang phục mà những người trông cửa hiệu, sạp hàng hay các khu buôn bán tại Nhật Bản sử dụng.
Những chiếc áo Happi có thiết kế khá giống với Kimono. Áo được in hoa văn sóng lượn, hình mặt trời, hình dãy núi,… Ngày nay để tạo không khí rộn ràng, vui tươi thì những chiếc áo này được thiết kế có màu sắc sặc sỡ.
Naruko – đạo cụ phát ra “âm thanh”
Đạo cụ đặc trưng được sử dụng trong vũ điệu này là Naruko. Naruko là vật bằng gỗ, có cán cầm, phía trên có 3 thanh gỗ nhỏ để khi lắc phát ra tiếng kêu. Đạo cụ này thường được làm từ gỗ thông để giảm sức nặng cho người cầm. Và đương nhiên, Naruko “xuất thân” từ tỉnh Kochi, vốn là dụng cụ để người nông dân xua đuổi chim chóc tránh xa ruộng lúa. Thân của Naruko có màu đỏ, 3 thanh gỗ có màu đen và vàng. Tuy nhiên, ngày nay các đội cũng tự thiết kế để phù hợp với trang phục hoặc thuận tiện hơn cho người tham gia
Bên cạnh đạo cụ truyền thống đó, để tạo nét riêng thì ngày nay các đội múa Yoskoi sử dụng đồng thời các đạo cụ khác như: đèn lồng, cờ, quạt, trống hay gậy dài trên đầu có gắn đèn lồng. Đạo cụ sử dụng vô cùng đa dạng và có thể sáng tạo để phù hợp với tinh thần của bài nhảy.
Âm nhạc đặc sắc
Âm nhạc là điều không thể thiếu để tạo nét đặc sắc cho màn trình diễn của các đội nhảy. Đúng như tinh thần của vũ điệu, các bài nhạc cũng hết sức sôi động và mạnh mẽ tựa như những lời cổ động vậy. Cũng như trang phục hay đạo cụ, thì âm nhạc cũng được sáng tạo đa dạng nhưng đều dựa trên bài hát gốc “Yosakoi Naruko Odori” được sáng tác bới Takemasa Eisaku. Đây là bài hát kết hợp của 3 bản nhạc khác mang tên “Yosakoi – bushi” – giai điệu Yosakoi, “Yocchore” – bài hát thiếu nhi và “Jimma – mo” – bài dân ca tỉnh Kochi.
Yosakoi – Từ tỉnh Kochi lan rộng ra khắp thế giới
Lễ hội Yosakoi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1954 tại Kochi. Trong lễ hội này đã có sự tham gia của 21 đội và khoảng 750 người. Sau đó, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, các lễ hội Yosakoi bắt đầu được tổ chức trên khắp xứ sở hoa anh đào. Cho đến nay, các lễ hội Yosakoi đã được tổ chức hàng năm ở tên 200 địa điểm trên khắp Nhật Bản.
Trên thế giới, những người hâm mộ Yosakoi cũng thành lập ra những câu lạc bộ, hội nhóm. Tại thành phố Penang, Malaysia cũng tổ chức lễ hội hàng năm vào khoảng tháng ba. Các nước khác như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển… cũng có nhiều các câu lạc bộ Yosakoi với hoạt động thu hút đông đảo người trẻ – đặc biệt là những người yêu thích văn hóa Nhật Bản. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có niềm yêu thích với Yosakoi và văn hóa Nhật. Hơn 10 năm tổ chức các lễ hội văn hóa, nhiều đội Yosakoi cũng ra đời và phát triển ngày càng mạnh. Nhiều đội cũng đã có cơ hội được tới Nhật Bản biểu diễn và giành giải trong những cuộc thi Yosakoi.
Những hoạt động nhằm thúc đẩy phổ biển điệu nhảy truyền thống
Sau khi phổ biến tại đất nước Nhật Bản, Yosakoi đã từng bước được biết đến nhiều hơn trên thế giới. Để chứng minh sự hiện diện của mình, năm 2016, tỉnh Kochi bắt đầu công nhận đại sứ Yosakoi chính thức ở các nước. Đại sứ đầu tiên đến từ các nước châu Âu. Tiếp nối là các đại diện đến từ Úc và các quốc gia Châu Á vào năm 2017. Trong đó có Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Tại sự kiện giới thiệu Yosakoi tại Tokyo, ông Masanao Ozaki – Thống đốc tỉnh Kochi cho biết: “tính đến tháng 10 năm 2019, Yosakoi đã có mặt tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ”.
Nhiệm vụ của những “Đại sứ Yosakoi” đó là:
- Tăng cường hoạt động phát triển Yosakoi tại đất nước sở tại.
- Hợp tác với các Đội Yosakoi của quốc gia khác.
- Sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng bá.
Yosakoi tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các bạn trẻ đã biết đến Yosakoi vào những năm 2000 và có vẻ rất yêu thích điệu nhảy này. Năm 2007, đội nhảy Yosakoi đầu tiên đã được thành lập – Núi Trúc Sakura Yosakoi. Đội nhảy trực thuộc Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc Sugi Ryotaro và Hội giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (VIJACA). Núi Trúc Sakura Yosakoi với phong cách trẻ trung, sôi động đã thu hút được hơn 10.000 khán giả trong năm đầu tiên. Từ 2013, đội chuyển dần sang phong cách đằm thắm trữ tình. Qua 12 năm hình thành và phát triển, Núi Trúc Sakura Yosakoi vẫn không ngừng nỗ lực góp phần mang nét đẹp văn hóa Nhật Bản đến với khán giả Việt Nam qua điệu múa Yosakoi, đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.
Ngoài ra, tại các thành phố lớn cũng thành lập các đội nhảy Yosakoi làm đa dạng thêm cộng đồng Yosakoi tại Việt Nam. Có thể kể đến như: Hanuyo, Yokaze – FTU Yosakoi, UlisYo, Yosago – Sài Gòn Yosakoi, FuFuYo,… và rất nhiều đội Yosakoi khác nữa.
Kết lại
Ngày nay, Yosakoi không đơn thuần chỉ là điệu nhảy được biểu diễn ở các lễ hội. Chính bởi sự sôi động, mãnh mẽ nhưng cũng vô cùng uyển chuyển mà “làn sóng” Yosakoi đã du nhập khắp thế giới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, chắc chắn trong tương lai, điệu nhảy này sẽ còn được tiếp tục phát triển và lan rộng hơn nữa tới bạn bè quốc tế.
Nguồn: Sưu tầm và biên soạn
Ý kiến