Mục lục
Muôn hình muôn vẻ ẩm thực Nhật
Từ những bát ramen đầy hương vị, ngon tới ứa nước miếng cùng trứng lòng đào và thịt heo nướng Chasu cho đến những miếng Nigiri Sushi tinh tế với phần cá sáng bóng như ngọc, văn hoá ẩm thực Nhật Bản ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới. Là một quốc đảo, ẩm thực Nhật Bản vô cùng đa dạng và phong phú, kết hợp giữa cả các giá trị truyền thống và ngoại lai, lại đặc trưng theo từng địa phương, mùa vụ và chất lượng nguyên liệu.
Sự phong phú, đa dạng về phong cách của ẩm thực Nhật Bản thể hiện qua việc nơi đây vừa có những món ăn hết sức thanh nhã như tsukemono (rau củ muối chua), nattō (đậu tương lên men) nhưng cũng có những món ăn hết sức thịnh soạn như karaage (gà chiên kiểu Nhật), tonkatsu (thịt cốt lết chiên xù) hay cà-ri Nhật. Hay, một đảo quốc trứ danh với các món cá tươi ngon hạng nhất lại cũng đồng thời là quê hương của một trong những loại thịt bò ngon nhất thế giới.
Hôm nay, hãy cùng JapanBiz ‘bật mí’ một số bí mật đặc trưng về nền văn hoá ẩm thực có một không hai này nhé.
Truyền thống và ngoại lai
Vẻ đẹp của Ẩm thực Nhật Bản không chỉ gói gọn trong ẩm thực truyền thống Washoku, mà còn là vẻ đẹp của sự giao thoa với các nền ẩm thực lớn trên thế giới (như Trung Quốc hay phương Tây). Người Nhật Bản luôn có biệt tài trong việc hội nhập các giá trị văn hoá ngoại lai, cho chúng tinh thần Nhật Bản và biến chúng trở thành vẻ đẹp của văn hoá – đất nước mình.
Nền ẩm thực xứ Phù Tang luôn nổi tiếng về tính truyền thống, nhưng theo dòng lịch sử, ta vẫn có thể thấy nguồn gốc ngoại lai trong phong cách ẩm thực ở nơi đây. Ví dụ các món nướng Yakiniku lại có nguồn gốc từ những người Hàn Quốc di trú sang đây. Hay Tempura là một món ăn dựa trên kỹ thuật chiên ngập dầu mà các thương gia Bồ Đào Nha giới thiệu tới đất nước này vào thế kỷ 16. Ramen cũng đến từ những người Trung Quốc sinh sống ở Nhật Bản.
‘Mùa nào thức nấy’
Người dân Nhật Bản hết sức chú trọng việc ăn uống theo mùa – mùa nào thức nấy, và phần đa các nhà hàng, cửa hiệu ở Nhật đều thay đổi món ăn bán theo mùa. Ví dụ cá tráp ngon nhất vào mùa xuân, và ăn các món như mơ muối, bánh vị hoa anh đào để đón xuân. Sang mùa hè, người Nhật ăn những món mát như quả mọng, đào, và nho, các món ăn như mỳ lạnh, đậu hũ, và lươn. Hạt dẻ, quả sung, lê, khoai lang hay nấm shitake trứ danh lại hay xuất hiện vào mùa thu. Còn tới mùa đông, người Nhật lại ăn củ cải, bắp cải, táo và dâu tây chín, ăn những món nóng như oden, lẩu hay chè đậu đỏ để xua đi giá lạnh. Thậm chí, các loại sake khác nhau cũng có mùa thưởng thức riêng.
Người Nhật Bản còn biến điều này thành một phong cách ẩm thực đặc biệt. Ví dụ như Omakase – không gọi món, không hỏi giá, không kén chọn – có gốc từ động từ “Makasu”, có nghĩa là hãy “tin tưởng”. Thực khách ăn một thực đơn Omakase sẽ không được gọi món mà chỉ ăn những gì ngon nhất của ngày hôm ấy, do người đầu bếp toàn quyền lựa chọn và phục vụ. Hay ở một số các Ryokan (nhà trọ truyền thống của Nhật Bản), thực đơn sẽ tuân theo nguyên tắc ‘mùa nào thức nấy’, người ăn cũng không được gọi món mà nhà hàng sẽ dọn lên những ‘cực phẩm’ của vùng vào thời điểm vị khách lưu lại.
Du lịch ẩm thực Nhật Bản luôn phong phú và đầy bất ngờ. Không chỉ do ẩm thực ở nơi đây thay đổi theo mùa, mà nó còn thay đổi phong phú theo các địa phương mà bạn đặt chân tới. Ví dụ ở phía Bắc đảo Hokkaido lại phổ biến món thịt cừu nướng gọi là jingisukan (theo tên của Thành Cát Tư Hãn), trong khi món thịt này lại không phổ biến trên khắp lãnh thổ Nhật Bản.
Ý nghĩa đích thực: vươn đến sự hoàn hảo
Có một khái niệm quan trọng để giúp ta hiểu được trọn vẹn vẻ đẹp của văn hoá ẩm thực Nhật Bản là shokunin (nghệ nhân). Tuy nhiên, từ này có một ánh nghĩa sâu hơn, thể hiện việc ‘theo đuổi sự hoàn hảo’ – sự hoàn hảo mà tất cả các nghệ nhân, từ những người học việc nấu cơm, trần mỳ hay các ‘nghệ nhân’ sushi, ‘nghệ nhân’ tempura hướng tới.
Nếu từng xem qua bộ phim nổi tiếng Jiro Dreams of Sushi về ‘nghệ nhân’ Jiro, ta sẽ thấy sự hoàn hảo mà những con người này vươn tới nằm ở ngay những việc hết sức hằng ngày như chọn đồ, nấu cơm, nướng lá rong biển, trộn cơm hay nắm một viên Nigiri – tất cả để phục vụ một món ăn hoàn hảo nhất tới thực khách. Một người nấu cơm có thể mất 10 năm để thành nghề, một đầu bếp có thể là 20-30 năm, hoặc thậm chí cả đời cũng chưa đạt đến được sự ‘hoàn hảo’ mà họ hướng đến.
Chính triết lý này đã góp phần giúp người Nhật Bản bản địa hoá vô vàn món ăn từ Trung Quốc hay phương Tây, khiến chúng ‘hoàn hảo’ theo cách rất riêng. Hay nhờ sự ‘hoàn hảo’ đó mà lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất, ngon nhất theo mùa vụ, theo địa phương, cách chế biến phù hợp nhất, giữ được hương vị của nguyên liệu: giúp nền ẩm thực của Nhật Bản ngày càng phong phú, ấn tượng; vừa giữ được giá trị truyền thống lâu đời, nhưng cũng biến đổi, cách tân cho phù hợp với đời sống mới.
Bạn ấn tượng và muốn tìm hiểu thêm điều gì về văn hoá Nhật Bản? Hãy để lại bình luận cho Japanbiz biết nhé!
Ý kiến