Nhật Bản là đất nước có nhiều món ăn ngon, đặc biệt là đồ ăn đường phố. Đồ ăn đường phố nổi tiếng nhất là các món ăn phổ biến vào mùa hè. “Yatai” có thể hiểu là những quán ăn nhỏ có thể tìm thấy dọc theo đường phố Nhật Bản tại các lễ hội truyền thống của quốc gia này. Những người bán đồ ăn đường phố cung cấp nhiều lựa chọn ngon miệng và giá rẻ. Cùng JapanBiz điểm qua 15 món ăn nổi tiếng trong văn hoá ẩm thực đường phố Nhật Bản.
Mục lục
Quầy hàng thực phẩm Yatai là gì?
Không giống những nơi như Singapore hay Bangkok, Nhật Bản trước đây không có nhiều nét văn hóa ẩm thực đường phố hàng ngày, khu vực Dotonbori của Osaka và Fukuoka là hai trường hợp ngoại lệ chính về vấn đề này. Điều này có thể là do người ta thường không tán thành với việc vừa ăn vừa đi bộ. Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, vào mùa hè, tức trong mùa “matsuri” (lễ hội), các quầy “Yatai” được hình thành – các quầy hàng ngoài trời bán nhiều loại thực phẩm dễ chế biến và dễ ăn cho đám đông người tham gia lễ hội. Yatai có lịch sử lâu đời ở Nhật Bản, từng có một số khu phố ở Edo có yatai bán cố định phục vụ các món ăn như sushi và tempura.
Nhiều cửa hàng mì Soba ban đầu chỉ là những cấu trúc bằng gỗ đơn giản được người chủ gánh trên vai. Thế kỷ XX chứng kiến sự gia tăng của những chiếc xe đẩy hai hoặc bốn bánh được kéo đến công viên hoặc nơi nào đó có nhiều người qua lại, nơi khách hàng có thể ăn Oden (một loại lẩu gồm có các loại chả cá Nhật Bản) hoặc mì và nhâm nhi cùng với rượu Sake. Những thứ này hầu hết đã biến mất trước Thế vận hội Tokyo năm 1964, mặc dù một số ít vẫn còn được tìm thấy. Hầu hết các yatai ngày nay bao gồm một hoặc hai chiếc bàn được kê dưới mái che không có tường. Khói và mùi thơm của thức ăn đang nấu và tiếng nói chuyện của những người bán hàng càng làm tăng thêm bầu không khí lễ hội.
Ngày nay, yatai chủ yếu có thể được tìm thấy xung quanh các sự kiện giống như lễ hội lớn tại các đền chùa hoặc tại các lễ hội nhỏ hơn ở khu vực lân cận, hầu hết đều diễn ra vào mùa hè hoặc đầu mùa thu. Ngoài ra còn có các hội chợ đường phố vào tháng 12 trước năm mới, nơi bạn có thể tìm thấy nhiều món ăn mùa đông hơn để ăn. Chẳng hạn như rượu Sake ấm thay vì lạnh, Oden (một loại lẩu một loại lẩu gồm có các loại chả cá Nhật Bản) hoặc Yaki-imo (khoai lang nướng) thay vì đá bào Kakigo-ori.
Hầu như luôn có ít nhất một vài yatai bên cạnh Đền Sensoji ở Asakusa, và nhiều hơn nữa vào cuối tuần khi có lễ hội hoặc hội chợ hàng tháng. Một số ít có thể được tìm thấy ở Công viên Ueno, đặc biệt là vào cuối tuần. Màn trình diễn pháo hoa vào mùa hè luôn thu hút rất nhiều người. Hai trong số những nơi tốt nhất để trải nghiệm ẩm thực yatai là ‘Chợ chim’ được tổ chức vào ngày Dậu trong tháng 10 âm lịch, tại Otori Jinja gần Asakusa và chợ cá Bettara ở Nihonbashi hàng năm vào ngày 19 và 20 tháng 10.
Bạn có thể ăn những món gì tại các lễ hội ẩm thực ở Nhật Bản? Cùng điểm qua một số món ăn phổ biến trong văn hoá ẩm thực đường phố Nhật Bản.
Những món ăn trong văn hoá ẩm thực đường phố Nhật Bản phổ biến ở các yatai
1. Takoyaki
Một trong những món ăn yatai phổ biến nhất là Takoyaki. Takoyaki bao gồm bột bánh (bột mì, nước và trứng) với một ít bạch tuộc (tako) và nhiều thứ khác được chiên thành những viên vừa ăn trong chảo Takoyaki chuyên dụng. Sau đó, Takoyaki được dùng kèm với nước sốt Takoyaki đen, ngọt; rong biển và cá khô bào mỏng.
Chúng được làm lần đầu tiên vào năm 1935 tại Osaka, nơi nhiều người vẫn coi chúng là món ăn đặc trưng của thành phố. Takoyaki thường được phục vụ trong một chiếc đĩa giấy nhỏ có hình chiếc thuyền chèo và được ăn bằng tăm hoặc xiên nhỏ. Chúng cực kỳ nóng khi phục vụ, vì vậy tốt nhất bạn nên mở một ít ra để nguội trước khi cho vào miệng.
2. Yakisoba
Một món ăn yêu thích khác của lễ hội là Yakisoba. Thịt (hầu như luôn là thịt lợn) được nướng trên vỉ thép, sau đó thêm bắp cải xắt nhỏ, hành tây và mì Yakisoba cùng với một ít nước hoặc nước sốt riêng biệt. Mặc dù tên như vậy nhưng mì được làm từ lúa mì chứ không phải Soba (kiều mạch). Mỗi tỉnh có một phiên bản Yakisoba riêng, vì vậy đừng mong đợi rằng bạn có thể tìm thấy nhiều kiểu mì Yakisoba tương tự nhau nếu đang trong chuyến du lịch đến nhiều địa điểm khác nhau.
3. Okonomiyaki
Một món ăn no khác mà bạn có thể tìm thấy ở các lễ hội đường phố là Okonomiyaki, một loại bánh xèo mặn làm từ bột mì, trứng và nước, cùng với tất cả các loại nguyên liệu khác được thêm vào. Là một món ăn đường phố, Okonomiyaki được nướng trên vỉ thép, sau đó phủ sốt Okonomiyaki ngọt và đặc, sốt mayonnaise Nhật Bản và cá khô bào mỏng. Có hai phiên bản cơ bản của bánh Okonomiyaki: một là từ Osaka, và phiên bản còn lại là từ Hiroshima.
4. Yakitori và các loại thịt nướng khác
Mặc dù Takoyaki và Yakisoba là những món ăn rất Nhật Bản và có lẽ vẫn còn xa lạ với một số người, nhưng có một loại mà chắc chắn mọi người đều nhận ra là Yakitori (thịt nướng kiểu Nhật Bản). Trong số những món phổ biến nhất là Yakitori, những miếng gà nướng trên xiên và ăn kèm với sốt Nhật- một loại nước sốt làm từ xì dầu đôi khi có thể hơi ngọt hoặc ăn kèm với muối.
Ngoài ra còn có Yaki-ton (thịt lợn nướng) cũng như nhiều loại thịt bò cắt miếng khác nhau và đôi khi còn có cả Shika (thịt nai hoặc thịt hươu) được phục vụ trên xiên. Bạn thậm chí có thể tìm thấy một quầy phục vụ món thịt Doner kebab, kebab ở đây đề cập đến xiên thẳng đứng để thịt quay trong khi nấu chứ không phải xiên tre nhỏ như Yakitori.
Một món gà khác là Karaage (gà rán) bao gồm những miếng gà ướp được phủ một lớp bột mì và chiên giòn, giòn bên ngoài và mọng nước bên trong. Bạn cũng có thể thưởng thức hotdog. Ở Nhật Bản, một chiếc hotdog thường sẽ được phục vụ trên một chiếc xiên que que đã được trang trí rất nghệ thuật với nước sốt và mù tạt.
Nhật Bản là một quốc đảo nên thật không có gì ngạc nhiên khi nhiều món ăn từ biển lại là món ăn phổ biến ở các yatai. Một trong những món nổi tiếng nhất là Ayu no shioyaki – một loại cá Ayu (cá ngọt) xiên và ướp muối rồi nướng trên bếp lửa. Nếu đây không phải là nơi dành cho bạn, hãy tìm một quầy khác phục vụ sò điệp BBQ, mực, nghêu,…
5. Các loại rau củ
Bắp và khoai tây là những loại rau phổ biến nhất. Ở Nhật Bản, bắp được phục vụ chấm với nước tương và rắc muối. Người ta đã làm theo cách này khoảng 250 năm nay, điểm khác biệt duy nhất giữa thời đó và bây giờ là bắp ngày nay càng ngọt hơn nhiều.
Khoai tây có thể được chế biến theo nhiều cách, bao gồm khoai tây nướng bơ, chiên, chiên kiểu Pháp hoặc thành từng miếng dài cuộn tròn xoắn quanh xiên, và khoai lang nướng vào mùa đông. Tại các lễ hội mùa xuân và mùa hè, bạn có thể thử món “Yaki Takenoko” – măng nướng trên than củi và chấm với nước sốt làm từ nước tương.
6. Kẹo hồ lô trái cây
Là món ăn đường phố cổ điển ở khắp mọi nơi, kẹo hồ lô trái cây có thể được tìm thấy trên khắp Nhật Bản với nhiều biến thể đa dạng, rất thu hút. Từ kẹo mơ đến kẹo táo, những loại trái cây khác nhau được nhúng trong xi-rô kẹo này sẽ khiến bạn càng muốn ăn thêm nữa. Du khách được khuyên không nên bỏ qua món kẹo dâu tây vào mùa dâu tây để có một món ăn Nhật Bản đích thực hoặc bạn có thể tìm thấy kẹo quýt.
7. Kẹo bông
Nếu bạn đang tìm kiếm thứ gì đó quen thuộc để thỏa mãn cơn thèm ngọt của mình hãy tìm một ít kẹo bông, một món không thể thiếu trong các lễ hội và hội chợ trên toàn thế giới. Sự khác biệt duy nhất giữa kẹo bông ở Nhật Bản và các nước khác đó là, kẹo bông tại Nhật Bản được gọi là wata-ame hoặc watagashi ở Nhật Bản (‘Wata’ có nghĩa là bông, ‘Ame’ có nghĩa là kẹo, và ‘Kashi’ hoặc ‘Gashi’ đề cập đến đồ ngọt nói chung).
8. Choco Bananas – Chuối socola
Một món tráng miệng quốc tế khác là Choco Bananas, một món ăn có thể có nguồn gốc từ Trung Mỹ, một khu vực nổi tiếng về sản xuất chuối và cũng là nơi có nguồn gốc socola. Đó là một món ăn đơn giản và khá dễ làm. Bạn chỉ cần làm đông một quả chuối rồi nhúng nó vào socola tan chảy, sau đó trang trí bằng những hạt đường đầy màu sắc. Đây cũng là một món ăn tốt cho sức khỏe khi tham gia lễ hội mùa hè nóng nực vì chuối tương đối giàu kali, một khoáng chất cần thiết khi mọi người đổ mồ hôi trong mùa hè nóng bức ở Nhật Bản.
9. Bánh crepe
Mặc dù bánh crepe ngọt thường được bán ở nhiều cửa hàng bánh crepe ở khu phố Harajuku của Tokyo, nhưng chúng cũng rất phổ biến tại các lễ hội đường phố. Những chiếc bánh crepe mà bạn tìm thấy ở các hội chợ chỉ đơn giản là những chiếc bánh mỏng làm từ bột mì, được gấp thành hình nón rồi nhồi với đồ ngọt, bao gồm socola, trái cây, sữa trứng, bạn có thể đặt tên cho nó tuỳ theo cảm nhận của mình khi thưởng thức.
10. Bánh “thu nhỏ”
Có ba loại bánh “thu nhỏ” phổ biến tại các lễ hội và đáng thử là ‘Baby kasutera’, ‘Ningyoyaki’ và ‘Imagawayaki’.
‘Baby kasutera’ là những chiếc bánh bông lan thu nhỏ. Chúng được làm từ bột mì, trứng, đường và hấp lên. Kasutera được người Bồ Đào Nha du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ XVI và biến thành một phiên bản Nhật Bản độc đáo sử dụng phương pháp nấu bằng hơi nước thay vì lò nướng, điều mà Nhật Bản thời đó chưa có. Kasutera có lẽ ngọt và đậm đà hơn Ningyoyaki một chút.
‘Ningyoyaki’ là những chiếc bánh cỡ nhỏ được làm bằng cách đổ bột trứng, bột mì và nước vào khuôn gang. Sau đó thêm một ít bột đậu ngọt và một khối bột khác vào, nấu trên lửa trong khoảng năm phút. Các khuôn có nhiều biến thể, trong đó “Bảy vị thần may mắn” là một trong những loại phổ biến nhất. Cái tên này xuất phát từ món ngọt rất Nhật Bản lần đầu tiên được sản xuất tại khu phố Ningyocho của Tokyo.
‘Imagawayaki’ là một món ăn đường phố của Nhật Bản được làm từ bột trứng, bột mì, đường và nước được nướng trong khuôn hình đĩa. Sản phẩm cuối cùng là một miếng bọt biển vàng, cỡ vừa ăn chứa đầy bột đậu đỏ, socola hoặc sữa trứng. Được đặt theo tên một cây cầu thời Edo ở Tokyo, nơi chúng được bán lần đầu tiên. Ngoài ra, Imagawayaki được gọi là Taiko-manju ở vùng Kansai.
11. Dango
Một món ăn phổ biến ở tất cả các lễ hội cũng như dọc các con phố mua sắm Nhật Bản là Dango – bánh trôi kiểu nhật. Chúng là món ăn hoàn hảo để ăn mà không cần phải tìm kiếm những nơi sang trọng hay chỗ ngồi chuyên biệt. Một số được phục vụ nóng, rang nhẹ trên lửa và sau đó chấm với nước sốt ngọt, trong khi một số khác được phục vụ lạnh, thường rắc kinako (bột đậu nành).
12. Amezaiku
Amezaiku là một loại kẹo cứng được tạo thành với hình dạng của nhiều loài động vật, nhân vật anime hoặc manga,… Nó được tạo ra bằng cách nhúng một que nhỏ vào thùng xi-rô đã đun nóng, sau đó thêm một ít màu thực phẩm và cuộn nó thành một đốm nhỏ. Khi hỗn hợp nguội và cứng lại thì sẽ tạo hình nó thành bất kỳ hình dạng nào bạn muốn, chỉ bằng một chiếc kéo nhỏ. Một chút thuốc nhuộm được thêm vào cuối để làm món ăn trông thu hút hơn. Amezaiku được làm từ tinh bột chứ không phải đường, đã có từ thời Heian khi chúng được dùng làm đồ cúng cho các ngôi chùa.
Món ngon mùa hè – Món ăn đường phố thường thấy ở các lễ hội
13. Kakigo-ori
Kakigo-ori là món đá bào của Nhật Bản. Một món ăn rất đơn giản đã được giới quý tộc trong triều đình ăn vào thời Heian khoảng một nghìn năm trước. Điều khiến Kakigo-ori trở nên “Nhật Bản” là các loại si-rô có hương vị khác nhau được đổ lên trên đá bào cũng như các loại đồ ăn kèm thêm.
Các hương vị trái cây phổ biến nhất bao gồm dâu, dưa lưới, xoài, chanh, cam. Ngoài ra còn có các hương vị khác, chẳng hạn như hương vị theo vùng bao gồm dứa và quýt ở Kyushu. Nếu bạn tham dự một lễ hội mùa hè ở Nhật Bản, bạn có thể thấy rất nhiều trái cây tươi theo mùa được bày bán, tất cả đều được cắt thành miếng vừa ăn (dứa và dâu tây thường được phục vụ trên xiên). Ngoài ra còn có dưa hấu được bán theo từng lát cắt từ dưa hấu tròn Nhật Bản.
Món ăn đường phố trong lễ hội mùa đông ở Nhật Bản
Trong khi phần lớn các lễ hội ở Nhật Bản thường diễn ra vào những tháng ấm áp hơn thì vẫn có một số lễ hội diễn ra vào mùa đông. Một phần nguyên nhân là do một số loại thực phẩm không có sẵn trong mùa đông, chẳng hạn như ngô tươi hoặc dưa hấu. Ngoài ra, có một số người không muốn ăn đồ lạnh như Kakigo-ori vào mùa đông. Thay vào đó, trong dịp lễ hội mùa đông Nhật Bản, sẽ có nhiều món ăn nóng hơn, bao gồm cả Oden hoặc củ cải luộc. Và rất nhiều rượu Sake ấm thay vì uống bia lạnh.
14. Yaki-imo – Khoai lang nướng
Yaki-imo là khoai lang nướng, được phục vụ trong giấy và được ăn bằng tay. Hầu hết Yaki-imo có thịt màu vàng bên trong, mặc dù cũng có loại màu tím, với vị ngọt tự nhiên. Trong và sau Thế chiến thứ hai, thời điểm gần nạn đói ở Nhật Bản, Yaki-imo là thực phẩm duy nhất có sẵn, kể từ đó nó đã được ghi nhận là đã ngăn chặn nạn đói hàng loạt trong nước. Nếu bạn tìm thấy món Yaki-imo được nấu tại lễ hội mùa đông, hãy thử ngay nhé.
15. Rượu Sake nóng
Có nhiều thuật ngữ khác nhau cho rượu Sake nóng, tùy thuộc vào nhiệt độ phục vụ. ‘Atsukan’ là rượu Sake được phục vụ ở nhiệt độ 50°C, trong khi ‘Nurukan’ là rượu Sake được làm ấm đến 40°C. Ngoài ra còn có các thuật ngữ khác dành cho các nhiệt độ khác.
Nếu bạn tình cờ nhìn thấy một vài chai lớn được đun nóng trong nồi nước ấm thì rất có thể đó là rượu Sake đang được đun nóng. Vì vậy, nếu bạn đủ tuổi (20 tuổi ở Nhật Bản) và cảm thấy muốn nhấm nháp thứ gì đó để sưởi ấm, hãy thử một tách rượu Sake nóng nhỏ.
Văn hoá ẩm thực đường phố Nhật Bản ngày nay đã không còn quá xa lạ với sự phát triển của thời gian. Để cảm nhận một cách trọn vẹn cả hương vị của những món ăn này, việc tận hưởng chúng trong những lễ hội đường phố ở đây chắc chắn là trải nghiệm thú vị mà bạn không nên bỏ qua!
Ý kiến