Tỷ lệ sinh ở Nhật đang suy giảm phản ánh mối lo lắng về thu nhập của các bậc cha mẹ. Để trở thành cha mẹ ở Nhật Bản, bạn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Do đó mà hiện tại, không hiếm những lời kêu gọi của những người muốn có con hoặc đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ về việc cải cách môi trường làm việc để có nhiều điều kiện tốt hơn trong việc sinh và nuôi con.
Sinh và nuôi con dần trở thành điều xa xỉ ở Nhật Bản
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản tiếp tục giảm không có hồi kết, điều này đang đặt ra những mối lo ngại dai dẳng về vấn đề sự cân bằng giữa trách nhiệm của nam giới và phụ nữ trẻ trong việc cải thiện điều kiện nuôi dạy con cái. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ sinh đã giảm năm thứ bảy liên tiếp vào năm ngoái, đây gần như đã là mức thấp kỷ lục. Tỷ suất sinh, số con trung bình mà một phụ nữ sẽ có trong đời được tính ở mức trung bình là 1,2565.
Thủ tướng Fumio Kishida, người đã đặt việc ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm thành ưu tiên hàng đầu trong chính quyền của mình, cho biết: “Dân số trẻ sẽ giảm nhanh chóng vào những năm 2030, vì vậy đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta đảo ngược xu hướng sinh giảm”. Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ trẻ sơ sinh vào đầu những năm 1970, khi có hơn 2 triệu người được sinh ra mỗi năm. Và năm sinh đẻ chính của 2 triệu người này sẽ kéo dài đến khoảng năm 2030.
Trong khi đó, chỉ hơn 1 triệu người được sinh ra mỗi năm trong những năm 2000. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm, Nhật Bản sẽ mất cơ hội đảo ngược áp lực tiêu cực về dân số. Những sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây đang bước vào một thị trường việc làm thuận lợi bởi tình trạng thiếu lao động do dân số già đi. Các trung tâm chăm sóc trẻ em đang mở cửa và người lao động ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với chế độ nghỉ phép gia đình.
Nhưng bất chấp những lợi ích này, nhiều hộ gia đình vẫn không muốn sinh con hoặc có thêm con bởi vì lo ngại về tương lai sắp tới của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập hộ gia đình ở Nhật Bản. Một cuộc khảo sát năm 2021 của Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản cho thấy trung bình một người đàn ông chưa kết hôn muốn có 1,82 con trong khi một phụ nữ chưa kết hôn trung bình muốn có 1,79 con. Cả hai con số đều thấp nhất trong lịch sử quốc gia này. Các cặp vợ chồng muốn có trung bình 2,25 đứa con, cũng là mức thấp nhất từ trước đến nay. Một số người cho rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ đã trở thành một việc “xa xỉ” khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao trong khi mức thu nhập vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động để tăng thêm thu nhập cho gia đình
Các hộ gia đình có thu nhập kép hiện nay đã nhiều hơn gấp đôi các hộ gia đình có bố mẹ ở nhà. Mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều mong muốn những công việc mang lại sự cân đối một cách công bằng giữa công việc và cuộc sống, nhưng những cải cách tại nơi làm việc như loại bỏ tình trạng làm thêm giờ và cho phép thời gian nghỉ được trả lương linh hoạt vẫn chưa được thay đổi đáng kể.
Takao Komine, giáo sư kinh tế thỉnh giảng tại Đại học Taisho ở Tokyo, cho biết: “Cách làm việc lỗi thời cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc tỷ lệ sinh giảm. Nếu không có những thay đổi trong cách làm việc như thời gian làm việc kéo dài và chuyển địa điểm làm việc, hoặc thay đổi nhận thức về vai trò giới, thì việc tỷ lệ sinh giảm sẽ không thể chấm dứt”.
Những người sinh vào đầu những năm 1970 đều đã qua tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, không có sự bùng nổ trẻ em nào khác kể từ giai đoạn 1970 đấy. Trong hai thập kỷ qua, số lượng phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi đã giảm khoảng 5 triệu.
Đối với những người hiện ở độ tuổi từ 15 đến 49, đây là thế hệ đã tốt nghiệp đại học vào đầu những năm 1990, khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản bị vỡ. Nhóm này đã phải trải qua tình trạng thất nghiệp cao kéo dài từ năm 1993 đến năm 2004.
Do điều kiện tài chính không ổn định, những người thuộc thế hệ này chọn cách không sinh hoặc sinh ít con, khiến tỷ lệ sinh năm 2005 thấp kỷ lục nhất trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, phản ứng của các nhà hoạch định chính sách khá yếu ớt. Vào những năm 2000, Thủ tướng lúc bấy giờ là Junichiro Koizumi đã dành phần lớn nguồn vốn chính trị đáng kể của mình cho những vấn đề như thúc đẩy quá trình tư nhân hóa Bưu điện Nhật Bản và gần như bỏ qua việc tỷ lệ sinh đang giảm, không có bất cứ quyết sách nào được đưa ra cho trường hợp này.
Các tập đoàn trong suốt thập kỷ này chỉ tập trung vào việc cố gắng phục hồi sau sự sụp đổ của bong bóng kinh tế và không có nhiều mối quan tâm đến việc cải thiện điều kiện làm việc của những nhân viên trẻ. Chính phủ đã ban hành luật vào năm 2003 để chống lại tỷ lệ sinh giảm, nhưng luật này chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Chính phủ đã công bố một tài liệu chính sách trong đó có nội dung rằng, một phần Nhật Bản “sẽ không thể đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm nếu không tăng thu nhập của những người trẻ tuổi và những người đang nuôi dạy con cái.”
Để thay đổi những điều này, các bậc cha mẹ ở Nhật đang mong muốn và kêu gọi chính phủ hãy quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp phúc lợi cho các gia đình trẻ. Bên cạnh đó việc thúc đẩy chế độ nghỉ phép của người cha nhằm cân đối vai trò, trách nhiệm của cả nam và nữ giới trong gia đình cũng là điều nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, cải thiện tiền lương cũng là yếu tố quan trọng để có thể giúp tỷ lệ sinh ở Nhật phần nào cải thiện tích cực hơn.
Ý kiến