Nói đến văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa thưởng trà đã trở thành một nét đặc trưng và là thú vui tao nhã của tầng lớp trên. Nhật Bản cũng có nét đặc sắc riêng trong văn hóa thưởng trà. Trong bài viết này, Japanbiz muốn giới thiệu tới bạn đọc văn hóa “Trà đạo” và triết lý Omotenashi trong văn hóa doanh nghiệp Nhật.
Mục lục
Trà Đạo là gì?
Chanoyu (茶の湯) hoặc chadō (茶道), hay quen thuộc hơn là Trà đạo Nhật Bản là nghệ thuật pha trà-thưởng trà, kết hợp cùng các yếu tố tinh thần, nghi lễ và thẩm mỹ mà tạo nên vẻ đẹp thanh tao và tinh tế của Trà Đạo Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, ‘dō’ nghĩa là một ‘đạo (đường)’, và ‘chadō’ có nghĩa là ‘Trà Đạo’.
Lịch sử của nghệ thuật Trà Đạo Nhật Bản
Tương truyền, những lá trà đầu tiên được một vị cao tăng người Nhật là sư Kūkai (Không Hải, 空海,774 -835) đem về từ Trung Quốc (dưới thời nhà Đại Đường – rất quen thuộc với người Việt Nam qua tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân) vào thế kỷ thức 9, sau một trong những chuyến đi trao đổi văn hoá và tôn giáo (sư Kūkai tu học Mật tông tại Trung Quốc).
Tuy nhiên, trước thế kỷ 12, việc thưởng trà vẫn chưa phổ biến, hầu hết chỉ dành cho nghi lễ Phật giáo học dùng trong cung đình và giới quý tộc. Tới sư Eisai (1141- 1215) thì trà dạng bột (matcha, 抹茶 hay Mạt trà) mới được đưa về Nhật sau một chuyến du học, và ông cũng viết một chuyên luận ghi chép lại về thú thưởng trà, gọi là Kissa Yōjōki (Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký), ca ngợi các đặc tính của trà trong việc thúc đẩy sức khỏe cả thể chất và tinh thần. Việc thưởng trà cũng phổ biến hơn với giới võ sĩ (các samurai) chứ không chỉ trong các cung điện, đền chùa.
Trà Đạo Nhật Bản – Nghệ thuật Sống
Nghi lễ thưởng trà đã trải qua và chắt lọc từ rất nhiều các sự kiện để mang các đặc tính như ngày nay: trà dùng trong nghi lễ tại đền, những cuộc trà dư tửu hậu của giới quý tộc, sự phát triển của giới thương nhân – trong đó, chịu ảnh hưởng rất lớn từ ba người là Murata Juko, Takeno Joo và Sen Rikyu.
Câu chuyện về ba con người này và ảnh hưởng, triết lý của họ với Trà Đạo và các Trà Phái, ta hãy dành qua một bài viết khác. Tuy nhiên, để giải thích rằng Trà Đạo là gì, hãy mượn lời Sen Rikyu, bậc thầy về trà đạo vào thế kỷ 16, để lý giải qua 7 quy tắc sau: pha một bát trà hợp ý; dụng than làm nước sôi đủ; mang lại cảm giác mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông; sắp hoa như thế chúng ở trên cánh đồng; hãy luôn sẵn sàng trước khi cần làm; hãy chuẩn bị trong trường hợp trời mưa; hãy ứng xử với sự tôn trọng tối đa dành cho người khách.
Hiểu ở một góc độ khác, Trà Đạo chính là Nghệ thuật Sống: tạo ra không gian phù hợp để thưởng một bát trà ngon – bao gồm cả mùa, cả dịp, cả thời gian và không khí, không gian xung quanh, nắm bắt lấy ‘hương vị’ của thời khắc ấy. Từ đó, tạo ra bát trà hoàn hảo thể hiện tinh hoa thẩm mỹ và văn hóa Nhật Bản – cũng là những giá trị quan mà con người Nhật Bản hướng đến: Hòa, Kính, Thanh, Tịch (和-敬-清-寂).
Ngày nay, Trà đạo cũng dần có những thay đổi nhất định, chủ yếu dành để cho phép người phương Tây hay các nước khác, với thói quen dùng trà hiện đại cũng có thể tham gia được những buổi thưởng trà. Tuy nhiên, không vì thế mà làm mất đi không khí nghiêm trang cũng như các giá trị mà người Nhật Bản hướng tới qua những buổi thưởng trà.
Triết lý Omotenashi và Trà Đạo Nhật Bản
Trà Đạo cũng đặt nền móng cho rất nhiều triết lý của người Nhật Bản. Trong đó, phổ biến và nổi bật nhất là tinh thần Omotenashi (おもてなし), được ghép từ hai thành tố là Omo- và -nashi, nghĩa là không màng tới hình thức bên ngoài) – hay là sự tận tâm và lòng hiếu khách – mọi thứ đều chỉnh chu, tỉ mỉ và được chăm chút bằng tấm lòng tận tâm hiếu khách.
Người Nhật Bản thực hành triết lý này của Trà Đạo trong cuộc sống hằng ngày. Ta có thể thấy Omotenashi khi người Nhật cúi gập đầu, lời chào to và nồng nhiệt, bê đồ bằng hai tay, sự phục vụ chu đáo ở ngay cả những chi tiết nhỏ nhất như luôn giữ nhà vệ sinh thơm tho, phục vụ giỏ đựng đồ trong quán ăn hay luôn giữ cho ly nước đầy.
Trong ngành dịch vụ, Omotenashi là đỉnh cao của chăm sóc khách hàng: họ phân ra làm 5 cấp, bao gồm moral (đạo đức), manner (lịch sự), service (phục vụ), hospitality (hiếu khách) và cao nhất là Omotenashi. Từ một môn nghệ thuật thưởng trà – nghệ thuật Sống – mà nay Trà Đạo đã vượt qua biên giới Nhật Bản mà trở thành một trong những chuẩn mực của ngành dịch vụ trên toàn thế giới, được nhiều doanh nghiệp, nhà hàng áp dụng.
Ngay cả ở Việt Nam, ảnh hưởng của Omotenashi sâu rộng tới nỗi nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng áp dụng triết lý này như Pizza 4P, AEON, Morico, Thế giới di động… và đạt được những thành công nhất định.
Tinh hoa văn hoá Nhật Bản
Không phải không có lý do khi người ta coi Trà Đạo là một nét văn hoá đặc trưng, giàu ý nghĩa và triết lý bậc nhất trong văn hoá Nhật Bản. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi văn hoá phục vụ khách hàng Omotenashi cũng trở nên phổ biến và ngày càng được thế giới trân trọng và noi theo. Quả thật, người Nhật đã thành công trong việc chắt lọc lại tinh hoa văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ, kết hợp với các giá trị hiện đại để kết tinh nên những thành tựu bậc nhất ngày nay.
Có thể nói Trà Đạo là một trong những văn hoá đặc sắc của Nhật Bản. Nếu có cơ hội tới xứ sở hoa anh đào, bạn có muốn thưởng thức và trải nghiệm nét văn hóa Trà đạo Nhật Bản không? Hãy để lại suy nghĩ của bạn tại ô bình luận bên dưới nhé!
Ý kiến