Nhật Bản sở hữu hệ thống y tế chất lượng cao nên trở thành lựa chọn của những bệnh nặng hoặc các bệnh nhân có điều kiện kinh tế tốt. Không chỉ có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp mà quy trình chăm sóc y tế tốt cũng là lý do để việc sang Nhật chữa bệnh trở thành lựa chọn hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khám chữa bệnh ở nước ngoài chắc chắn sẽ có không ít khó khăn do quy trình làm việc cũng như cách thức điều trị, JapanBiz tổng hợp các thông tin mà người bệnh cần lưu ý khi quyết định sang Nhật chữa bệnh.
Mục lục
Đâu là lý do giúp Nhật Bản trở thành điểm đến y tế hàng đầu?
- Hệ thống y tế chất lượng cao: Chính phủ Nhật Bản dành nhiều sự đầu tư vào hệ thống dịch vụ y tế để mang đến cho người bệnh những kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất. Đội ngũ nhân viên y tế của Nhật có chuyên môn công việc cao và tâm huyết với người bệnh. Các đánh giá thực tế từ bệnh nhân đã điều trị và thăm khám trực tiếp ở đây cho thấy họ đánh giá rất cao về chất lượng của các cơ sở y tế Nhật Bản.
- Thuận tiện trong việc di chuyển: Là quốc gia sở hữu hệ thống giao thông hiện đại, đến Nhật Bản bạn có nhiều lựa chọn phương tiện di chuyển khác nhau. Nhờ vậy không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp linh hoạt lựa chọn để đảm bảo tiết kiệm chi phí.
- Nhật Bản là quốc gia an toàn: Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng “đến Nhật Bản khám chữa bệnh thật dễ dàng và an toàn”, bởi các yếu tố như cùng nằm ở khu vực Châu Á nên văn hóa có nhiều sự tương đồng, an ninh của Nhật Bản được đánh giá rất cao trên toàn thế giới.
Chi tiết quy trình cần chuẩn bị để sang Nhật chữa bệnh
1. Các giấy tờ cần chuẩn bị
Việc sang nước ngoài chữa bệnh còn được biết đến với khái niệm du lịch y tế. Để chuẩn bị cho việc du lịch y tế sang Nhật, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan như xin visa y tế, liên hệ với các cơ sở y tế từ trước để chuẩn bị hồ sơ khám bệnh. Để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ, bạn hãy tham khảo tư vấn từ đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện để không bị xót thông tin, tránh các quy trình thủ tục cồng kềnh khi sang nước bạn sẽ làm mất nhiều thời gian để chuẩn bị.
Một số thông tin cơ bản mà bạn cần chuẩn bị như giấy tờ về tình trạng sức khỏe hiện tại, thông tin khám chữa bệnh (bao gồm các báo cáo và hình ảnh), cơ sở y tế mong muốn đăng ký khám chữa bệnh, ngân sách và thời gian dự định đến Nhật Bản.
2. Liên hệ cơ sở y tế để đặt lịch khám bệnh
Sẽ có một công ty điều phối y tế hoạt động chuyên trong mảng du lịch y tế, khách hàng có thể thông qua các công ty này để lựa chọn cơ sở y tế mà mình muốn khám chữa bệnh. Sau khi đã chọn cơ sở khám bệnh theo mong muốn, công ty điều phối y tế được cơ sở y tế cung cấp thông tin chi tiết như: thời gian, chi phí, nội dung điều trị, chấp nhận hoặc từ chối khám chữa bệnh. Khách hàng tham khảo nội dung này để đặt lịch khám chữa bệnh và sắp xếp lịch trình lưu trú cho phù hợp.
Cũng có một số trường hợp cần lưu ý trong chuyện này như khách hàng cũng có thể thông qua cơ sở y tế để xin phác đồ điều trị và nghiên cứu trước với trường hợp của cá nhân mình, hoặc chuẩn bị trước các câu hỏi cho bác sĩ chẳng hạn. Thông thường quá trình liên hệ với cơ sở y tế để đặt lịch khám bệnh có thể mất ít nhất 2 tuần, khách hàng nên cân nhắc quãng thời gian này để có sự chuẩn bị từ sớm.
3. Thanh toán trước một số khoản chi phí
Sau khi đã liên hệ với công ty điều phối để có thêm thông tin về việc lựa chọn cơ sở y tế khám chữa bệnh, khách hàng cần thanh toán chi phí điều trị cho cơ sở y tế. Công ty điều phối y tế có thể thay mặt khách hàng thực hiện quy trình này. Về nguyên tắc khách hàng cần thanh toán trước cho công ty điều phối “chi phí ước tính” đã được cung cấp sau khi đặt lịch khám, để giảm bớt những lo lắng về tài chính và yên tâm khi đến Nhật điều trị.
Nếu “chi phí điều trị thực tế” thấp hơn “chi phí điều trị ước tính”, phần chênh lệch của số tiền đã thanh toán trước sẽ được hoàn lại. Ngược lại, nếu “chi phí điều trị thực tế” cao hơn “chi phí điều trị ước tính”, khách hàng cần trả thêm khoản chênh lệch này trong khi đang khám bệnh ở Nhật. Nên xác nhận rõ ràng trước về phương thức thanh toán bổ sung và nhận hoàn trả khoản phi chí chênh lệch để tránh các vấn đề rắc rối có thể phát sinh.
4. Xin visa y tế
Để nhập cảnh Nhật Bản, du khách cần có visa. Đối với các khách hàng đến Nhật Bản theo diện du lịch y tế, khách hàng cần xin visa y tế, khách hàng cũng có thể trao đổi với công ty điều phối y tế để được hỗ trợ thực hiện đầy đủ các thủ tục này. Trong trường hợp đã có visa đi Nhật, hãy kiểm tra lại hiệu lực của visa cũng như số ngày có thể lưu trú. Cũng cần lưu ý rằng việc du lịch y tế có thể có sự thay đổi về thời gian lưu trú do kết quả điều trị hay phác đồ điều trị sẽ khác nhau tuỳ vào cơ địa của từng bệnh nhân.
Visa y tế là loại visa được cấp cho bệnh nhân nước ngoài và người đi cùng đến Nhật Bản với mục đích khám chữa bệnh tại một cơ sở y tế ở Nhật Bản. Thông thường đối tượng sử dụng visa y tế là những người đến khám tổng quát, khám sức khỏe, khám bệnh, điều trị nha khoa, bao gồm cả nghỉ dưỡng suối nước nóng,… Cần có giấy bảo lãnh của cơ sở bảo lãnh Visa y tế khi bệnh nhân người nước ngoài và người đi cùng thực hiện thủ tục xin visa y tế. Thời hạn được phép nhập cảnh thường là trong vòng 90 ngày, đối với trường hợp lưu trú ngắn hạn thì thời hạn lưu trú “trong vòng 90 ngày” thường được ghi trên giấy phép nhập cảnh và dán vào hộ chiếu.
5. Nhập cảnh vào Nhật Bản và đưa đón trong quá trình điều trị
Công ty điều phối sẽ làm việc với các bên liên quan để có thể sắp xếp hỗ trợ đưa đón trong quá trình đi lại để điều trị của khách hàng. Hơn nữa, công ty điều phối và cơ sở y tế sẽ bố trí nhân lực để hỗ trợ và chăm sóc bệnh nhân trong suốt quá trình nhập viện điều trị, vì vậy nên hạn chế tối đa người đi cùng chăm sóc bệnh nhân để tránh các rắc rối không cần thiết do việc di chuyển thường xuyên.
Thông tin thêm về vấn đề ngôn ngữ được sử dụng trong suốt quá trình sang Nhật chữa bệnh thì tuỳ theo tình hình, bệnh viện và bác sĩ sẽ đánh giá để quyết định có cần phiên dịch y tế hay không, đồng thời bệnh nhân sẽ trao đổi nhu cầu với công ty điều phối để điều chỉnh với phía bệnh viện. Chi phí phiên dịch y tế sẽ tính thời gian thực tế theo đơn vị giờ, đơn giá do mỗi công ty điều phối quyết định. Gần như tại Nhật Bản, các bác sĩ, y tá không thể nói được tiếng Việt nên để đảm bảo hiểu đầy đủ mọi thông tin từ phía bệnh viện, khách hàng hãy xác nhận trước với công ty điều phối về vấn đề này cũng như phần chi phí chi trả cho người phiên dịch.
6. Thanh toán toàn bộ phần chi phí trị liệu
Sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản và đã tiến hành công tác trị liệu, khách hàng sẽ phải thực hiện quyết toán toàn bộ chi phí dựa trên phần chi phí trị liệu dự tính đã thanh toán trước đó với phần chi phí phát sinh trong thực tế. Vì quyết toán toàn bộ chi phí cho lần sang Nhật điều trị này nên nó không chỉ bao gồm chi phí khám chữa bệnh ở bệnh viện mà tất cả các chi phí liên quan trong quá trình này như chi phí thông dịch, phiên dịch, dịch vụ đưa đón,…
Trong trường hợp người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế quốc tế, mà trong đó có bao gồm cả việc chăm sóc y tế tại Nhật Bản thì có nhận được phần tiền hoàn lại sau khi đã khám bệnh xong. Khách hàng sẽ căn cứ theo yêu cầu từ phía công ty bảo hiểm để làm yêu cầu bồi thường theo mẫu. Công ty điều phối y tế có thể hỗ trợ người bệnh trong trường hợp cần làm đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm.
7. Theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi về nước
Các bệnh nhân sau khi đã hoàn thành điều trị ở Nhật và về nước cần nhờ bác sĩ riêng ở nước sở tại tiếp tục theo dõi tình trạng tiến triển của sức khoẻ. Ngoài ra, bệnh nhân nên gửi định kỳ cho công ty điều phối các thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe, kết quả khám sức khỏe, để nhờ bệnh viện ở Nhật Bản theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh sau khi điều trị.
Sang Nhật điều trị bệnh mở ra nhiều cơ hội bình phục tốt hơn cho người bệnh. Nhưng y tế vốn là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao và việc điều trị ở môi trường quốc tế chắc chắn sẽ khiến người bệnh đối mặt với không ít khó khăn. Do đó, hãy tìm hiểu thông tin chi tiết, cẩn thận và lựa chọn đơn vị điều phối y tế uy tín để tránh tiền mất tật mang.
Ý kiến