Cụ bà Masako Wakamiya có chiếc máy tính đầu tiên ở tuổi 58; ngay trước khi nghỉ hưu ở ngân hàng. Khi ấy, bà không hề ngờ rằng mình sẽ bắt đầu hành trình truyền cảm hứng cho vô số người trên thế giới… Có lẽ nhiều người cho rằng công việc lập trình chỉ dành riêng cho giới trẻ. Nhưng bà Wakamiya Masako, 84 tuổi, đến từ Nhật Bản đã chứng minh tuổi tác không phải là vấn đề đối với một lập trình viên.
Mục lục
Masako Wakamiya: Đại diện cho tinh thần sống khỏe – sống có ích của người Nhật
Từ lâu Nhật Bản vốn được biết đến là quốc gia có tuổi thọ trung bình khá cao. Bà Wakamiya Masako – nữ lập trình viên lớn tuổi nhất thế giới đến từ Nhật Bản – đã hé lộ bí quyết của dân tộc mình. Đó là một lối sống lành mạnh: ham học hỏi. Ở Nhật cụ bà cũng được biết đến là một người độc thân cao tuổi (tiếng nhật gọi là “dokkyo roujin”) sống có ích.
Lòng nhiệt huyết của bà thể hiện ở một thái độ lạc quan đối diện với những thử thách. Không một phút giây nào nản chí. Và dĩ nhiên mục đích của bà không phải là lập trình để thế giới biết đến mình. Vì vậy mà bà vô cùng thoải mái khi nói về lần đầu tiên tự mình sáng tạo ứng dụng di động. “Thật là dễ chịu vì dù nó tốt hay dở tệ đi chăng nữa thì cũng chẳng có ai để ý tới”.
Sự tập trung cao độ giúp bà cải thiện tốc độ lĩnh hội những kiến thức mới khó nhằn. Không chỉ trong công việc lập trình phần mềm. Mà còn giúp bà vượt qua rào cản ngôn ngữ không mong muốn. “Tất cả mọi thứ đều bằng tiếng Anh.” Tin báo lỗi, hướng dẫn trực tuyến, email, và những cuộc trao đổi khác với Apple về việc đưa trò chơi của bà vào trong cửa hàng ứng dụng trực tuyến App Store. Tất cả đều bằng tiếng nước ngoài. Bà nói rằng: “Những người thuộc thế hệ của tôi gặp vấn đề với tiếng Anh. Nó rất khó.”
Hinadan: Ứng dụng được viết bởi Masako Wakamiya là niềm tự hào của xứ Phù Tang
Ý tưởng về Ứng dụng hướng đến người sử dụng lớn tuổi
Bà cũng làm quen với smartphone ngay từ đầu; ngay cả khi những người bằng tuổi không chuộng công nghệ mới. Rất nhanh sau đó, bà nảy ra ý tưởng về một trò chơi dựa trên “hinamatsuri”, nhắm đến người sử dụng lớn tuổi. Logo của ứng dụng Hinadan là hình ảnh mô tả búp bê truyền thống của Nhật Bản. Trò chơi xoay quanh chủ đề ngày hội Hinamatsuri hàng năm; hay còn được gọi là ngày hội búp bê. Bà quyết định làm game mà người già có thể đánh bại người trẻ. Và hinamatsuri khá phù hợp. Vì thế, bà phác thảo kế hoạch; đề nghị chủ tịch một công ty phát triển ứng dụng ở Miyagi Prefecture sản xuất game. Ông gợi ý bà nên tự làm. Và bà đã viết chương trình ở nhà dưới sự hướng dẫn của ông qua Skype.
Hinadan ra đời khi Masako Wakamiya đã 81 tuổi
Tựa game mang tên Hinadan được hoàn tất trước mùa hinamatsuri năm 2017. Tờ Asahi Shimbun đã viết một bài báo về ứng dụng, được CNN phát hiện. CNN gửi email tiếng Anh cho bà với 20 câu hỏi và đề nghị trả lời trong 2 giờ. Bà đã dùng Google Dịch để hồi đáp. CNN tiếp tục gửi nhiều câu hỏi hơn và nói sẽ chạy bài trong tối hôm ấy; nếu bà trả lời trong 20 phút. Bài báo của CNN sau đó được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ.
Khát vọng học tập không giới hạn
Bà Wakamiya bắt đầu mua máy tính khi đã chạm ngưỡng 60, độ tuổi mà bà dành phần lớn thời gian liên lạc với bạn bè và chăm sóc người mẹ của mình.
“Tôi cảm thấy như mình được mở mang tầm mắt. Tôi rất hào hứng muốn biết một thế giới rộng lớn hơn, với những người có tính cách đa dạng.” –
Bà Wakamiya chia sẻ.
Ở Nhật Bản, một đất nước đang trong tình trạng lão hóa dân số. Trong bốn người thì có một người trên 65 tuổi. Bà Wakamiya hi vọng nhiều người già có thể học được những lợi ích tiềm năng của công nghệ. Đặc biệt nó hình thành nên các mối liên kết mới; chiến thắng sự hiu quạnh, cô lập mà bậc cao niên ở Nhật đang phải đấu tranh chống lại. Vì vậy mà bà quyết định mở một phòng máy tính trong căn nhà nhỏ của mình để dạy lại cho những người cùng thế hệ về điều tuyệt diệu của công nghệ sau khi bà khám phá ra nó.
Thông điệp lan tỏa
Bà Wakamiya được mời tới Hội thảo lập trình viên toàn cầu Apple (WWDC). Du lịch không phải điều mới mẻ với bà. Người đã ghé thăm hơn 60 nước và thường đi một mình. Tuy nhiên, gặp mặt người đứng đầu một trong các hãng công nghệ lớn nhất thế giới là điều hoàn toàn không bình thường. Bà đã gặp Tim Cook một ngày trước sự kiện.
Cuộc gặp gỡ với Tim Cook – CEO Apple
Bà nghĩ hai người sẽ chỉ chào hỏi thông thường. Nhưng Tim Cook nói muốn trò chuyện và xem iPhone của bà. Bà cảm thấy hoang mang; trong khi những người khác chỉ quan sát hai người từ xa. “Tôi giải thích ứng dụng của mình. Do người già không giỏi vuốt bàn phím; nên tôi giúp họ có thể chơi bằng cách bấm”. CEO Apple cũng hỏi bà về cỡ chữ. Vì màn hình iPhone nhỏ, cân bằng giữa chữ và các hình sẽ bị mất nếu chữ lớn hơn. Họ còn nói về việc đưa ứng dụng lên iPad như thể đang thảo luận trong lớp học lập trình.
“CEO nói ông thấy tôi “truyền cảm hứng” và ông ấy bất ngờ ôm tôi khi chia tay”.
Vào ngày hội thảo diễn ra, Tim Cook giới thiệu bà Wakamiya với tư cách “lập trình viên cao tuổi nhất thế giới”.
Hành trình truyền cảm hứng khắp thế giới
Thời gian trôi qua, bà Wakamiya đi khắp thế giới để chia sẻ câu chuyện của mình; diễn thuyết tại TEDxTokyo và Liên Hợp Quốc.
“Tôi từng tự hỏi liệu rằng quan điểm của những người già cả như tôi có được phần lớn người trẻ ở TED chấp nhận không. Nhưng họ chào đón tôi bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt. Sự đồng cảm của họ, bất kể tuổi tác, quốc gia, giới tính khiến tôi xúc động.”
Bà Wakamiya chia sẻ
Nghệ thuật Excel
Bà sử dụng cụm từ “Nghệ thuật Excel” để truyền tải thông điệp của hi vọng. Ứng dụng các bảng tính trong Microsoft tạo ra những bản thiết kế, biến chúng thành quần áo, hàng thủ công. Bà giải thích: “Excel có thể không hữu ích đối với những người cao tuổi như tôi. Nhưng sau đó tôi nghĩ ra một ý tưởng thú vị mà những người cùng thế hệ với tôi ở Nhật; hay ngoài biên giới Nhật Bản có thể làm được, giống như đan xen nghệ thuật và kĩ nghệ.” “Một ví dụ của dạng thức này là khả năng tái tạo, mô phỏng của Excel đem lại cảm giác thân thuộc.” – bà cho biết thêm.
Thích nghi và tận hưởng cuộc sống
Bà Wakamiya hiện tại chia sẻ về sự khởi đầu mới ở tuổi 60, và bà rất hào hứng chào đón những điều sẽ đến với mình: “Tôi được đánh giá là người sống tích cực, và lúc nào cũng làm theo những gì mình thích, ngay cả khi tôi đã già. Vài người chối bỏ tuổi tác thật, như thể ngăn cản hoàng hôn đang gần tới. Tôi cảm thấy thật mệt mỏi.” Thay vì chống lại nó, bà nói rằng bà “thà thích nghi với sự cố định đó và tận hưởng hoàng hôn.”
Đi tìm tiếng nói riêng của mình
Với bà, công nghệ sẽ mang đến những phương tiện sáng tạo mới qua các thế hệ. Thông qua nỗ lực vượt qua mọi giới hạn, bà cũng muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ hãy đi tìm tiếng nói của riêng mình. “Tôi muốn duy trì sự sáng tạo; và cũng muốn bọn trẻ giống như vậy. Tôi luôn nói với họ hãy tạo ra thứ gì đó bằng lối tư duy đổi mới… Các bạn phải luôn có ý tưởng và phương pháp của riêng mình.” “Tôi tin rằng những người già cao tuổi đang thiết tha cải thiện. Họ sẽ làm tốt nhất vì họ thực sự nghiêm túc nghĩ về tuổi tác của mình.”
Bà nhấn mạnh nhu cầu bắt đầu học hỏi của người già. Trong đó tài chính và công nghệ thông tin đặc biệt quan trọng. Bà cho rằng đào tạo người già về tài chính sẽ giúp giảm tỉ lệ sa sút trí tuệ. Bà cũng nghĩ người già nên đi cùng thời đại, cộng đồng, khoa học và công nghệ. Họ không thể nói “Tôi không dùng smartphone vì khó sử dụng”. Họ nên giải thích với lập trình viên trẻ tuổi vì sao họ không thể dùng smartphone.
Không ngừng duy trì mục tiêu trở thành người sáng tạo
Thời gian trôi đi, bà vẫn duy trì mục tiêu muốn trở thành người sáng tạo. “Sáng tạo là hành vi mang tính người nhất. Trí tuệ nhân tạo và động vật không thể sáng tạo. Một giáo viên tiểu học đã nói rằng: Nhiều người lớn làm được những việc đáng nhớ ngày nay từng là những đứa trẻ có vấn đề ở tiểu học. Chính những người học giỏi lại không gây ấn tượng. Chúng ta đang sống trong thời đại như thế. Tôi đã 84 tuổi và cảm thấy mình còn minh mẫn hơn trước nhiều”.
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp
Tham khảo thêm:
Ý kiến