Nhật Bản là đất nước sở hữu sự đa dạng của các loại hình văn hóa mang tính giải trí cao. Từ thư pháp, trà đạo cho đến điêu khắc, kiến trúc,… Nhật Bản luôn khiến thế giới phải trầm trồ về những nét đẹp trong lối sống và tính cách con người nơi đây. Trong đó, kịch nghệ Kabuki là một hình thức được giới thượng lưu và quý tộc Nhật ngày xưa rất ưa chuộng. Kịch Kabuki đến thời điểm hiện tại vẫn cho thấy những giá trị quý báu mà nó đã và đang sở hữu.
Mục lục
Câu chuyện về sự ra đời của kịch Kabuki
1. Kịch Kabuki là gì?
Kịch Kabuki là một loại hình kịch nghệ nổi tiếng và có từ lâu đời tại Nhật Bản. Với thể loại giải trí này, người biểu diễn sẽ kết hợp giữa diễn xuất, múa và ca nhạc để cho ra đời một vở kịch hoàn chỉnh. Với sự kết hợp này, Kabuki còn được gọi là một hình thức Ca vũ kỹ. Các diễn viên khi diễn vở kịch này thì người nam sẽ đóng giả làm người nữ, và phải thể hiện kỹ năng biểu diễn bằng cách thuần thục cách cư xử của nữ, điệu bộ phải uyển chuyển cũng như cho thấy một giọng nói nhẹ nhàng, sâu lắng nhất.
Kabuki được chia làm hai thể loại kịch chính là Sewamono – nội dung thể loại kịch này chủ yếu phản ánh đời sống của dân chúng. Thể loại thứ hai là Jidaimono, loại hình này chủ yếu để cập đến các câu chuyện lịch sử, những sự kiện, dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành quốc gia. Ngoài ra còn có một số câu chuyện tình yêu nồng nàn và cảm động cũng thường xuyên được dùng làm cảm hứng để sáng tác nên các vở kịch Kabuki hấp dẫn nhất.
Kabuki khi mới bắt đầu được trình diễn tại Nhật vào đầu thế kỷ XVII đã tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Có một số luồng quan điểm cho rằng cách tạo sự hài hước của loại kịch này có phần tục tĩu. Đó là lý do mà đã có một khoảng thời gian, Kabuki bị cấm trình diễn tại Nhật.
Trong mỗi vở kịch Kabuki thường xuất hiện 3 loại nhân vật điển hình là:
- Nhân vật nam trẻ, tốt bụng và thường xuyên có những hành động nghĩa hiệp, giúp đỡ người khác, được gọi là Tachiyaku.
- Nhân vật chuyên làm điều xấu, có những hành động gây hại đến người khác, được gọi là Katakiyaku.
- Và một nhân vật nữ được gọi là Onnagata.
Các nhân vật sẽ dựa vào các cấp độ màu sắc để thể hiện các loại hình tính cách khác nhau như: màu xanh hay màu đen sẽ là những kẻ ác, màu xanh da trời là biểu hiện của các thế lực siêu nhiên, màu đỏ biểu trưng cho lòng đam mê và đôi khi là sự giận dữ, màu tím thể hiện sự cao quý.
Khi diễn các vở kịch Kabuki, nhân vật sẽ mặc các loại kimono dành cho phụ nữ với các họa tiết thêu hoa, vẽ hoa,.. còn nhân vật nam thường sẽ mặc các trang phục là chiến trận. Từng màu sắc hay chi tiết trên trang phục của nhân vật cũng thể hiện rất rõ tầng lớp xã hội mà nhân vật đang sinh sống cũng như biểu hiện chính tính cách của nhân vật đó. Kabuki thường được diễn trên một sân khấu có lối đi bộ vào hẹp, bằng gỗ, được gọi là Hanamichi.
Cho đến thời điểm hiện tại, Kabuki vẫn tiếp tục được phát triển và yêu thích tại Nhật Bản. Bất cứ du khách nước ngoài nào đến Nhật cũng đều mong muốn được một lần xem vở kịch mang đầy dấu ấn thời gian này của xứ sở Phù Tang.
2. Tại sao lại xuất hiện cái tên Kabuki?
Vào những năm đầu của thời kỳ Edo, hình ảnh những con người xuất hiện trong trang phục và hành động rất quái dị, thu hút sự chú ý của đa số người dân. Từ đó, họ gọi những người như thế này là “Kabukimono”.
Sau đó, các “Kabuki Odori” kết hợp quần áo và chuyển động độc đáo của người Kabuki và dần trở nên phổ biến hơn. Đây cũng được xem là nguồn gốc của Kabuki mà vẫn lưu truyền đến ngày nay trong đời sống văn hóa người dân Nhật Bản.
Những chuyển động, kiểu múa độc đáo của Kabuki, xuất hiện cùng với trang phục lấp lánh và những chú gấu sặc sỡ trên mặt được cho là bắt nguồn từ phong cách và hành vi của “Kabukisha”.
Một số vở kịch Kabuki nổi tiếng được nhiều người yêu thích là: Yoshitsune Senbon Zakura, Kanadehon Chūshingura, Sugawara Denju Tenarai Kagami.
3. Kịch Kabuki ra đời như thế nào?
Những vở kịch mang hơi thở kabuki xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XVII dưới hình thức biểu diễn tạp kỹ. Và sau đó tiếp tục phát triển dưới hình thức kịch nghệ và rất được ưa chuộng trong suốt thời kỳ Edo. Theo các tài liệu được lưu truyền lại cho đến hiện này thì sư tổ của kịch nghệ kabuki là Bà Izumo-no-okuni. Bà sáng tạo ra những vở kịch đầu tiên dựa trên kịch No và Hu-ryu.
Kịch Kabuki gây ấn tượng với người dân Nhật Bản nhờ các điệu múa đầy tình tứ và nhiều cảnh gợi cảm hay xuất hiện trong các vở kịch. Đó là lý do mà đã có một khoảng thời gian của những năm 30 thế kỷ XVII, thể loại kịch Kabuki đã bị cấm phụ nữ xuất hiện dưới thời chính quyền tướng quân Tokugawa.
Mãi đến giai đoạn Genroku, kabuki mới được xem xét một cách nghiêm túc và được phép quay trở lại các sân khấu biểu diễn. Để nhận được sự cho phép này, kịch bản kabuki đã được đầu tư một cách nghiêm túc và phức tạp hơn, đòi hỏi diễn viên phải có chiều sâu trong lối diễn của mình. Cũng chính trong thời kỳ này đã cho ra đời những nhà viết kịch vĩ đại nhất Nhật Bản như ông Chikamatsu Monzaemon.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến thời điểm hiện tại kịch kabuki vẫn là một trong những loại hình kịch nghệ rất được ưa chuộng tại xứ sở Phù Tang.
Kabuki của thời kỳ hiện đại có những thay đổi như thế nào?
Kabuki để có thể duy trì được sự hiện diện trong nền văn hóa Nhật cho tới thời điểm hiện tại đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Sau những lần phát triển vượt bậc thì cũng có những lần Kabuki bị cấm đoán, xem nhẹ. Cứ như thế cho đến dưới thời Minh Trị, Kabuki đã dần đạt được sự ổn định trong bước đường nhận được sự công nhận của người dân. Còn có tài liệu ghi chép lại rằng Thiên hoàng Minh Trị cũng đã từng theo dõi các vở kịch này.
Dưới thời Taisho, việc trình diễn tác phẩm mới được viết “Kabuki mới” với sự bổ sung của các phong cách nước ngoài đã bắt đầu, và những phát triển mới được mở rộng. Kabukiza đã từng bị thiêu rụi do rò rỉ điện vào năm 1918 và sau một cuộc không kích xảy ra vào Thế chiến thứ hai.
Với sự ra đời của “Super Kabuki”, sau đó các tòa nhà biểu diễn này đã được xây lại và có được Kabuki-za thứ 5. Kabuki đã trở thành một trong những nghệ thuật biểu diễn truyền thống hàng đầu của Nhật Bản, tập trung vào Kabuki-za, tức là Đại sảnh danh vọng Kabuki.
Nội dung chính của các vở kịch Kabuki là gì?
Kabuki đến thời điểm hiện tại được ghi nhận với 3 thể loại chính gồm có:
- Sewamono: nội dung của thể loại này mô tả cuộc sống của người dân nơi thành thị cũng như nông thôn trong suốt thời kỳ Edo. Các câu chuyện trong thể loại này chủ yếu xoay quanh các chuyện gia đình hoặc tình cảm lãng mạn.
- Jidaimono còn được biết đến là thể loại kịch lịch sử. Câu chuyện chính của kịch này thường đề cập đến các sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật trước thời kỳ Edo.
- Shosagoto, là kiểu nhạc kịch kết hợp với vũ điệu. Với thể loại này thì các vở kịch thường xuất hiện hình ảnh các nhân vật chính múa để tương tác với nhau khá nhiều.
Chủ đề chính của các vở kịch Kabuki là những cuộc đấu tranh và đụng độ giữa tình cảm và lí trí, đạo đức và những hiểm nguy trong cuộc sống. Mục đích của các vở kịch là có thể mang đến cho con người những bài học giá trị hơn về tình người, về các phẩm chất đạo đức lối sống.
Trong thực tế, các lý tưởng đạo đức của người Nhật Bản từ xưa cho đến nay đều được xây dựng và chịu ảnh hưởng khá nhiều của các triết lý tôn giáo. Từ Thần đạo, Phật giáo cho đến Nho giáo đều răn dạy con người về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cách tận tâm trong cư xử giữa người với người, và sống có trách nghiệm với người lớn tuổi, với cộng đồng.
Đương nhiên là con người thì ai cũng mang trong mình phần thiện và cả phần ác. Sẽ có những thù hằn, ích kỷ trong mỗi người để tạo nên các xung đột với thế giới xung quanh. Nhưng điều quan trọng nhất là mỗi người cần biết cách trung hòa những điều đó và để cho phần thiện chiếm ưu thế trong cách cư xử với xung quanh.
Kabuki luôn cố gắng truyền tải các yếu tố mang tính giáo dục, khơi gợi sự nghĩ suy và phát triển những trải nghiệm, cảm giác mới mẻ trong chính mỗi con người.
3 tác phẩm kịch Kabuki kinh điển nhất mà bạn không nên bỏ qua!
“Sugawara Denju Tenarai Kagami” – tên tiếng Việt là “Sugawara và những bí mật của thư pháp”. Nội dung của vở kịch này được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của vị học giả tên Sugawara no Michizane. Ông sống trong thời đại Heian, dù là một người tài ba nhưng vì những tai họa ập xuống cuộc đời mình mà ông bị đày ải ra khỏi Kyoto. Sau khi ông qua đời đã có những tai ương ập đến với các kẻ thù của ông, từ đó khiến họ nhận ra và phải tôn sùng vị học giả để có thể xoa dịu tinh thần báo thù của ông.
“Kanadahon Chushingura” – tên tiếng Việt là “Kho bạc của những người trung thành”. Vở kịch này thuộc về thể loại jidaimono, được xây dựng dựa trên câu chuyện nổi tiếng về 47 Ronin. Đó là một câu chuyện có thật kể về một nhóm samurai quyết tâm trả thù cho cái chết của vị chủ nhân bị sát hại trước khi tự sát theo nghi thức.
Tác phẩm thứ ba trong danh sách những vở kịch kabuki kinh điển chính là “Sonezaki Shinju” – tên tiếng Việt là Sự tự sát ở Sonezaki. Nội dung vở kịch là một câu chuyện tình yêu bị ngăn cấm giữa hai nhân vật chính là một thương gia mồ côi tên là Tokubei và người yêu của anh ta là Ohatsu, một người hầu gái. Vì những ngăn cấm, cách trở, cặp đôi đã quyết định tự kết thúc cuộc đời mình tại một ngôi đền dành riêng cho Sugawara no Michizane.
Những đặc điểm chính của một buổi biểu diễn kịch Kabuki
Muốn có sự thành công, kịch Kabuki được xây dựng một cách rất kỳ công bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau:
1. Diễn viên trong vở kịch
Để có thể tham gia trong vở kịch kabuki với vai trò là nhân vật chính, hầu như tất cả các diễn viên đều đã được đào tạo qua các trường lớp chính quy về diễn xuất. Hầu hết trong số họ là các diễn viên thuộc thế hệ Iemono – tức thế hệ thừa kế văn hóa truyền thống của Nhật, chủ yếu do truyền thống gia đình cha truyền con nối.
Vì lẽ đó mà nghệ danh của các diễn viên kịch cũng thường được truyền từ đời cha mẹ sang cho con cái khi tham gia diễn xuất. Mỗi người sẽ có sự liên quan và gắn kết chặt chẽ với loại hình diễn xuất cụ thể mà họ theo đuổi. Bên cạnh những năng khiếu và sự học hỏi mang tính nghệ thuật gia đình, các diễn viên kabuki còn phải thường xuyên rèn luyện để có thể nâng cao kỹ năng cũng như khả năng biểu hiện những cảm xúc nội tâm của nhân vật. Nghi lễ đặt nghệ danh cho diễn viên diễn kịch Kabuki được gọi là “Shumei”.
2. Vũ điệu diễn xuất
Diễn viên tài năng phải đi kèm với vũ điệu khi diễn xuất. Vũ điệu của người diễn viên phải truyền tải được những hành động và trạng thái tâm lý của nhân vật đến với người xem. Người xem qua đó có thể cảm nhận được những xúc cảm, những buồn đau hay niềm hạnh phúc của nhân vật, qua đó tăng thêm tính độc đáo cho màn biểu diễn của người nghệ sĩ.
Các diễn viên được trau dồi kỹ năng diễn xuất vũ điệu với mỗi nhịp di chuyển, mỗi động tác sẽ được cường độ hóa khác nhau để có thể lột tả chính xác nhất cảm xúc và tâm lí của nhân vật. Chẳng hạn nếu như là nhân vật nữ Onnagata thì sẽ nhảy hoặc múa một cách nhẹ nhàng hơn, còn nếu thể hiện hình ảnh nhân vật hài Doki thì các động tác phải mạnh mẽ và thể hiện sự hài hước tốt hơn.
3. Âm nhạc
Đây là yếu tố không thể thiếu với bất cứ vở kịch Kabuki nào. Âm nhạc xuất hiện xuyên suốt trong vở kịch và là một nhân tố cực kỳ quan trọng để có thể đẩy cảm xúc của người diễn viên cũng như khán giả lên đến cao trào.
Trong các vở kịch kabuki, âm nhạc hay các bài hát được sáng tác, phối âm và trình diễn bởi chính các diễn viên thông qua sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ. Các bài hát có thể được biểu diễn bởi một hoặc nhiều ca sĩ gọi là utakata và được đệm thêm âm thanh của shamisen – một loại đàn ly của Nhật Bản. Ban nhạc thường được bố trí ngồi ở phía sau hoặc bên cạnh sân khấu. Trong một số từng huống đặc thù của vở kịch, họ cũng có thể xuất hiện trực tiếp trên sân khấu để phối hợp biểu diễn cùng với các diễn viên.
4. Trang phục của diễn viên
Kimono là trang phục biểu diễn chính của các diễn viên trong vở kịch Kabuki. Lý do chủ yếu là vì nội dung của các vở kịch này được lấy cảm hứng từ những câu chuyện xa xưa trong quá khứ nên đồ truyền thống sẽ là trang phục phù hợp nhất. Phong cách của bộ kimono rất đa dạng từ hơi hướng hiện đại và nhẹ nhàng cho đến phức tạp và xa hoa.
Để có thể tận dụng tối đa trang phục mình đang sử dụng trên người, người diễn viên phải biết cách tận dụng và xử lý bộ đồ mình mặc sao cho vừa có thể di chuyển một cách uyển chuyển nhất, lại vừa có thể làm chủ được bộ trang phục mình đang mặc. Kimono có thiết kế có to lớn kết hợp cùng với cách trang điểm cùng phụ kiện mà diễn viên sử dụng tạo nên một tổng thể khá cồng kềnh và nặng nề. Người diễn viên nhất thiết phải học cách làm chủ bộ trang phục này nếu muốn mình được xuất hiện với hình chuyên nghiệp và lành nghề nhất.
5. Tạo hình, trang điểm của nhân vật
Cách trang điểm cho nhân vật trong vở kịch được gọi là kesho, phong cách trang điểm chủ yếu được tạo hình dựa trên các đặc điểm của nhân vật. Theo đó khuôn mặt của người diễn viên sẽ được phủ một lớp sơn trắng gọi là oshiroi, để khiến cho diễn viên trở nên nổi bật và ấn tượng hơn.
Sau đó, người trang điểm sẽ dựa trên các đặc điểm tính cách của nhân vật mà đưa ra cách phối màu trang điểm sao cho mô tả chính xác nhất nhân vật ấy. Chẳng hạn như màu đỏ sẽ là hình ảnh đại diện cho những phẩm chất như đam mê và giận dữ, màu xanh lam tượng trưng cho cái ác hoặc nỗi buồn.
Các diễn viên xuất hiện với tạo hình là sinh vật siêu nhiên như ma và quỷ sẽ được trang điểm ấn tượng nhất. Ngoài việc có thợ trang điểm chuyên nghiệp riêng thì các diễn viên Kabuki cũng phải tự học và biết cách trang điểm để có thể làm chủ được tình hình trong những lúc cần thiết.
Kabuki là một loại hình nhạc kịch phổ biến và rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Trải qua sự biến động của thời gian cùng với dòng chảy của lịch sử, rất nhiều loại hình nghệ thuật đã bị đào thải nhưng kabuki vẫn tiếp tục tồn tại với đời sống và con người của xứ sở Phù Tang.
Ý kiến