Không chỉ người Nhật Bản mới đang tìm kiếm lý do chúng ta thức dậy mỗi ngày; tất cả chúng ta đều đi tìm mục đích, lẽ sống, lý do chúng ta tồn tại trên thế giới này. Ai cũng có lúc rơi vào trạng thái không rõ phương hướng; stress với cảm giác vô dụng, không biết làm gì. Chúng ta sống mòn để mặc thời gian trôi đi vô nghĩa. Chúng ta tìm và hi vọng tìm cái gọi là “hạnh phúc”. Điều này không dễ, nhưng có một cách có thể sẽ có ích. Đó chính là đi tìm Ikigai.
Mục lục
Ikigai- hành trình tự nhận thức bản thân
Ikigai là gì?
Ikigai (生き甲斐) là một cụm từ trong tiếng Nhật được ghép bởi 2 từ là: 生き (Iki: sống, tồn tại) và 甲斐(gai: ý nghĩa). Ikigai được hiểu là ý nghĩa để tồn tại hoặc lẽ sống. Ikigai chính là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và tận hưởng cuộc sống. Cụm từ Ikigai chỉ giá trị sống của mỗi đời người, cũng như tinh thần làm việc; không phải vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội. Dưới đây là hình minh họa giải thích ý nghĩa của khái niệm này.
🌻 What you love: làm những điều bạn yêu thích và đam mê.
🌻 What you are good at: làm những điều bạn thấy mình làm tốt.
🌻 What the world needs: làm những điều thế giới cần.
🌻 What you can be paid for: làm những điều bạn có thể được trả tiền.
Nguồn gốc của Ikigai
Mặc dù khái niệm Ikigai đã tồn tại từ lâu trong văn hóa Nhật Bản. Nhưng nó lần đầu tiên được mọi người biết đến thông qua cuốn sách “Bàn về lẽ sống” (生き甲斐について) xuất bản năm 1966. Trong cuốn sách, nhà tâm lý học Mieko Kamiya giải thích rằng: Ikigai rất giống với hạnh phúc; nhưng có một sự khác biệt tinh vi về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời nhưng Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai; dù đang trải qua những việc không vui của hiện tại.
Ikigai- ý nghĩa cuộc sống của người Nhật
Thực sự rất khó để có thể đạt được điểm cân bằng, sống đủ với 4 vòng tròn phía trên. Nhưng người Nhật đã chứng minh được rằng dù khó nhưng rất đáng để bạn tìm ra Ikigai của mình. Lý do một công ty trường thọ có thể là do mỗi cá nhân có Ikigai sẽ tạo ra một công ty có Ikigai. Việc nhà sáng lập và đội ngũ nhân viên theo đuổi Ikigai nhất định sẽ giúp họ tìm ra lý do tồn tại của doanh nghiệp. Từ đó có thể vượt qua những khó khăn trong kinh doanh, duy trì sự phát triển lâu dài.
Nhật Bản là đất nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới (84,7 tuổi – năm 2020). Hơn nữa, Nhật Bản cũng là nước sở hữu nhiều doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất thế giới. Có rất nhiều cái tên Nhật “ trường thọ” khác được toàn cầu biết đến; như công ty game Nintendo, được thành lập năm 1889, tới nay đã 132 tuổi.
Khủng hoảng bản sắc trong đại dịch
Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để làm chậm sự lây lan của vi rút corona. Trong khoảng thời gian khốn khó này, có thể vấn đề nóng nhất cả xã hội đang đối mặt không chỉ là Covid-19; mà còn là một cuộc khủng hoảng khác mang tên “Khủng hoảng bản sắc”.
“Khủng hoảng bản sắc” là gì?
Theo Từ điển Merriam-Webster, thuật ngữ “khủng hoảng bản sắc” là “xung đột tâm lý cá nhân; đặc biệt dễ xảy ra ở độ tuổi vị thành niên. Nó mang đến cảm giác bối rối về vai trò của bản thân trong xã hội; cũng như đánh mất dần nhận thức về bản sắc riêng của cá nhân”. Một số dấu hiệu điển hình khác của khủng hoảng bản sắc bao gồm sự cáu kỉnh, cảm giác u ám và tuyệt vọng. Trên thực tế, việc chúng ta tự vấn về bản sắc của mình là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu nó bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ hoặc sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, thì có thể ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng bản sắc.
Corona không chỉ đe dọa sức khỏe thể chất cộng đồng; mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của chúng ta một cách nghiêm trọng. Nó khiến chúng ta tự hỏi liệu con đường chúng ta theo đuổi bấy lâu nay có đúng đắn? Và cuộc sống của chúng ta đang đi về đâu? Giá trị, tinh thần và niềm tin của chúng ta bây giờ dường như trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết. Và đột nhiên, chúng ta mất hứng thú với những thứ đã từng mang lại niềm vui cho mình.
Tại sao nó lại xảy ra?
Khủng hoảng bản sắc có thể xảy ra với bất kỳ ai; ở bất kỳ độ tuổi nào; vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời của một người. Cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, cuộc khủng hoảng này có thể phát sinh do những sự việc gây căng thẳng lớn trong cuộc sống như ly hôn, kết hôn, học đại học xa nhà hoặc mất người thân. Sự bùng phát đột ngột của đại dịch không chỉ khiến chúng ta hoang mang tột độ; mà còn cô lập ta khỏi những người thân yêu của mình. Khi chúng ta buộc phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của vi rút, cảm giác cô đơn cũng là một nhân tố tác động đáng kể khiến chúng ta rơi vào khủng hoảng bản sắc.
Trong trường hợp của đại dịch Corona, chẳng phải là nói quá khi khẳng định rằng cuộc sống của chúng ta đã thay đổi chóng mặt chỉ trong vài tuần ngắn ngủi. Đại dịch đã ảnh hưởng đến cách chúng ta làm việc, học tập và tương tác lẫn nhau. Sự bấp bênh và không thể đoán trước của cuộc sống trong thời kỳ đại dịch, đòi hỏi chúng ta phải tìm lại con đường của mình trong một tình thế mà chúng ta chưa từng đối mặt trước đây. Ngay cả những người có tinh thần vững vàng nhất cũng có thể dễ dàng cảm thấy choáng ngợp và hoảng sợ vào một thời điểm nào đó bởi sự thay đổi liên tục, mạnh mẽ và luồng thông tin mâu thuẫn xung quanh vi rút và đại dịch.
Ikigai – một phương pháp đối diện với “Khủng hoảng bản sắc”
Tuy không có phương pháp điều trị cụ thể nào để đối phó với “Khủng hoảng bản sắc” này. Nhưng Ikigai có thể là một phương pháp để đối diện với nó. Tìm ra và làm những điều dưới đây để xem thực sự nó có tác dụng với bạn hay không nhé!
Work that you love: Làm những điều bạn yêu thích và đam mê
Thay vì luôn nhìn vào màn hình điện thoại hay máy tính một cách vô thức; thì tại sao chúng ta không bắt tay vào làm việc gì đó mình yêu thích? Với quỹ thời gian ở nhà chống dịch khá là dài, bạn có thể thoải mái làm những điều mình thích; nhưng chưa có dịp thực hiện. Biết đâu, từ đam mê đấy, bạn lại khám phá ra điểm mới mẻ của chính mình.
Work that you are good at: Làm những điều bạn thấy mình làm tốt
Đừng ngần ngại thử kinh doanh online chỉ vì bạn đang học chuyên ngành khác đâu nhé. Nếu bạn cảm thấy mình buôn bán tốt, làm marketing thông minh; thì ngại gì mà không thử thách bản thân đúng không? Trong cái rủi, có cái may vì chúng ta có thể tận dụng thời gian này để thử thách bản thân bằng cách làm những điều mà chúng ta cảm thấy chúng ta làm tốt và tự tin ở công việc đó.
Work that the world needs: Làm những điều thế giới cần
Khi bạn đang sống trong thế giới này, bạn sẽ phải theo quỹ đạo của nó. Nếu không, việc bạn đang ở đây chỉ là “tồn tại”. Và có thể chẳng ai quan tâm tới sự tồn tại đó. Hãy đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Những thứ mình làm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường chưa? Nếu chưa, các bạn cũng có thể tìm hiểu, lựa chọn và phấn đấu.
Với sự phổ biến của việc học trực tuyến như hiện nay; chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin hoặc tham gia các khóa học online để học bất cứ điều gì.
Work that you can be paid: Làm những điều bạn có thể được trả tiền
Ai cũng cần có tiền mới sống được. Nhưng sẽ không ai tự dưng cho bạn tiền để tiêu cả. Vậy làm sao để có tiền? Đó chính là bạn cho đi những giá trị người khác cần. Những thứ mà người ta sẵn sàng trả tiền để bạn làm. Sau khi tìm lại được chính mình, nhìn thấy khả năng của mình; tất nhiên bạn sẽ tự tin hơn vào những gì mình đang có. Từ đó, trao đi để nhận lại.
Kết lại
Hành trình khám phá Ikigai là một chặng đường dài và không ai dám chắc khi nào chúng ta có thể tìm được. Chúng ta có thể bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản nhất; nhưng cũng khó trả lời và đáng suy ngẫm nhất. Giữa những hoang mang của ngưỡng cửa trưởng thành, có lẽ đây sẽ là một chiếc kim chỉ nam phù hợp. Chúng ta hãy cứ bình tĩnh bóc tách từng lớp, kiên nhẫn lắng nghe bản thân, chắc chắn, chúng ta sẽ tìm được con đường tới Ikigai của mình.
Tham khảo thêm:
Ý kiến