Wagashi là món bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản thường được thưởng thức cùng với một tách trà xanh. Chúng được làm với nhiều hình dạng và độ đặc khác nhau cũng như với các thành phần và phương pháp chuẩn bị đa dạng. Một số loại bánh phổ biến trên toàn quốc và quanh năm trong khi những loại khác chỉ có sẵn theo vùng hoặc theo mùa. Vậy bánh wagashi có gì đặc biệt để thu hút người dùng qua thời gian lâu dài đến như thế?
Giới thiệu về món bánh Wagashi
Bột đậu azuki ngọt (anko) là thành phần chính trong hầu hết các món đồ ngọt của Nhật Bản. Đậu azuki luộc được làm ngọt bằng đường và nghiền để tạo ra anko mịn (koshian) hoặc anko chunky (tsubuan). Các nguyên liệu phổ biến khác để làm wagashi bao gồm bánh gạo (mochi), bột gạo, thạch Nhật Bản (kanten), bột vừng và hạt dẻ.
Wagashi có thể được thưởng thức tại một số quán cà phê, nhà hàng, đền thờ và ở các cửa tiệm chuyên phục vụ trà xanh. Bạn cũng có thể dễ dàng mua được wagashi tại các cửa hàng đồ ngọt đặc biệt như cửa hàng bách hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và quầy thực phẩm. Kyoto đặc biệt có nhiều cửa hàng đồ ngọt, trong khi phố mua sắm Nakamise ở Asakusa là một nơi tuyệt vời để nếm thử đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản từ Tokyo.
1. Wagashi là gì?
Wagashi là món đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản. Nhiều loại wagashi được làm bằng mochi (gạo nếp giã nhỏ), dango (bánh bao bột gạo) hoặc đậu azuki (đậu đỏ hoặc trắng ngọt). Thuật ngữ wagashi bắt nguồn từ thế kỷ XIX để phân biệt với các loại bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản, nhiều loại đã tồn tại từ thời tiền sử, với yogashi – những món ăn chịu ảnh hưởng của phương Tây.
2. 3 loại Wagashi chính thống nhất
Thay vì hình dạng hay thành phần, wagashi thường được phân loại theo “tươi” hay “khô”. Có ba loại wagashi dựa trên độ ẩm:
1. Namagashi: Namagashi hay còn được biết đến như một loại wagashi tươi. Loại bánh wagashi này có độ ẩm từ 30% trở lên và để bánh có hương vị hấp dẫn nhất, bạn nên ăn chúng ngay sau khi làm ra. Ví dụ về một số loại namagashi phổ biến có thể kể đến như ohagi, daifuku, sakura mochi, warabi mochi, joyo manju, dorayaki, yokan, và nhiều loại dango.
2. Han-namagashi: Han-namagashi có nghĩa là “tươi một nửa”, và những chiếc wagashi này nằm ở đâu đó giữa dẻo và khô. Một ví dụ là món monaka, bao gồm cả nguyên liệu khô và ướt trong đó có bánh gạo giống như bánh xốp và bột đậu.
3. Higashi: Higashi là wagashi “khô” chứa ít hơn 10% nước, chẳng hạn như rakugan.
TOP 17 loại wagashi nổi tiếng nhất tại Nhật Bản
Wagashi có nhiều hình dạng khác nhau và thường được trang trí phức tạp theo mùa. Nhiều loại wagashi chỉ có ở một vùng cụ thể hoặc cửa hàng wagashi đặc sản. Cùng JapanBiz điểm qua những loại bánh wagashi nổi tiếng và phổ biến nhất ở Nhật hiện nay:
1. Daifuku
Daifuku được làm từ bánh gạo mềm (mochi) bọc quanh một viên tròn nhỏ nhân đậu ngọt mịn hoặc các loại nhân khác (tuỳ thuộc vào nhu cầu và mong muốn của người bán/người mua). Chúng được phủ một lớp bụi mỏng tinh bột khoai tây để không bị dính vào nhau. Các biến thể daifuku phổ biến gồm có dâu tây (ichigo), đậu (mame) và kem. Daifuku nên được ăn nhanh chóng vì chúng rất dễ bị cứng nếu để ngoài môi trường thoáng khí lâu.
2. Warabi mochi
Warabi mochi là loại bánh kẹo giống như thạch được làm từ tinh bột của rễ cây dương xỉ và phủ một lớp kinako (bột đậu nành). Về cơ bản thì loại bánh wagashi này khá dễ ăn với bất kỳ thực khách nước ngoài nào mới đến Nhật Bản lần đầu tiên.
3. Namagashi
Namagashi hay còn được gọi là kẹo thô, là đồ ngọt truyền thống của Nhật Bản thường được kết hợp với wagashi. Chúng được làm bằng bột gạo và nhân đậu ngọt, và được tạo hình bằng tay một cách tinh xảo để phản ánh theo đặc trưng của mỗi mùa khác nhau. Namagashi được phục vụ chính tại các buổi trà đạo của người dân xứ sở Phù Tang.
4. Kibidango
Dango là những chiếc bánh bao nhỏ, dai, hấp và làm ra thành phẩm từ bột gạo. Chúng thường được phục vụ theo xiên ba hoặc bốn que. Bên ngoài của Kibidango được phủ một lớp nước sốt ngọt hoặc tương đậu lên trên nhìn khá bắt mắt. Bánh bao cũng được thêm vào các món tráng miệng khác như anmitsu và oshiruko. Giống như daifuku, dango khi được ăn tươi là ngon nhất.
5. Mitarashi dango
Mitarashi dango là bánh bao làm từ bột gạo xiên với nước tương ngọt. Về hình thức thì món ăn này khá giống với Kibidango nên sẽ khó phân biệt nếu bạn mới thử chúng lần đầu.
6. Dorayaki
Dorayaki bao gồm nhân đậu ngọt được kẹp giữa hai miếng bánh giống như bánh kếp. Nó còn được biết đến là món ăn vặt yêu thích của Doraemon, nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của tác giả Fujiko Fujio. Các biến thể dorayaki thời nay có thể được làm bằng rất nhiều loại nhân khác nhau, tuỳ thuộc vào nhu cầu, sở thích của người mua. Một số nhân bánh dorayaki nổi tiếng có thể kể đến như kem đánh bông, kem sữa trứng và kem vị trà xanh.
7. Ohagi
Ohagi hay còn được gọi là botamochi, là bánh mochi được bọc trong anko (bột đậu đỏ). Đây cũng là một trong những loại bánh wagashi khá phổ biến ở xứ sở Phù Tang.
8. Taiyaki
Taiyaki là món ăn nhẹ có hình con cá, được làm bằng bột nhão tương tự như bột bánh kếp và nhân đậu ngọt truyền thống. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu của các khách hàng thì ngày nay còn có nhiều loại nhân khác như kem sữa trứng, sô cô la hoặc pho mát. Taiyaki ngon nhất là khi ăn nóng, khi vừa được nướng xong với lớp bột vẫn còn giòn, thưởng thức ngay sẽ càng tăng thêm hương vị cho món bánh này.
9. Manju
Manju là những chiếc bánh nhỏ được hấp hoặc nướng với phần nhân bánh bên trong chứa đầy đậu ngọt hoặc một số loại nhân ngọt khác. Theo truyền thống, loại bánh manju cơ bản sẽ có hình tròn với lớp ngoài nhẵn, nhưng các phiên bản nướng sẽ có nhiều hình dạng khác nhau hơn. Đây cũng là một trong những lý do giúp manju khá phổ biến và thu hút nhiều người vì vừa ngon miệng lại ngon mắt. Ví dụ nổi tiếng nhất về các phiên bản nướng của bánh manju phải kể đến momiji-manju của Hiroshima.
10. Anmitsu
Anmitsu là một món tráng miệng bao gồm bột đậu ngọt, bánh bao bột gạo, trái cây và thạch kanten hình khối, kết hợp với bên ngoài được phủ một lớp sirô đường nâu gọi là kuromitsu. Một số loại anmitsu hiện nay còn được cho thêm bên trong một muỗng kem, và được gọi là “kem anmitsu”.
11. Yokan
Yokan là một món ăn nhẹ có vị ngọt, có kết cấu giống như thạch làm từ đường và thạch kanten. Nó có nhiều hương vị khác nhau như đậu azuki, trà xanh hoặc đường đen. Các thanh yokan phục vụ một lần thường có kích thước bằng một gói kẹo cao su nhỏ, trong khi các thanh lớn hơn sẽ được cắt lát trước khi phục vụ. Yokan không cần làm lạnh và có hạn sử dụng tương đối dài.
12. Oshiruko/Zenzai
Oshiruko là một loại súp tráng miệng bao gồm súp đậu nóng, có vị ngọt với bánh gạo nướng (mochi) hoặc bánh bao bột gạo. Súp đậu đỏ có thể được xay mịn hoặc nấu khá đặc, vậy nên hãy cân nhắc trước khi ăn xem món ăn này có phù hợp với khẩu vị của bạn hay không. Một món ăn tương tự là zenzai đi kèm với nước súp đặc hơn.
13. Nerikiri
Nerikiri, hay còn gọi là jo-namagashi, được làm từ bột đậu nhào với bột gạo và nặn thành những hình thù khá thú vị. Nerikiri thường được phục vụ như một phần của nghi lễ trà truyền thống Nhật Bản.
14. Monaka
Monaka bao gồm nhân đậu đỏ kẹp giữa bánh gạo, thường có hình dạng giống mặt trăng.
15. Rakugan
Rakugan là một loại higashi được làm từ bột gạo, đường cùng một lượng nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp đặc sệt hoàn hảo cho những khuôn phức tạp.
16. Yatsuhashi
Được làm từ bột gạo có hương quế, loại bánh wagashi này có thể được sấy khô, hấp kết hợp với phần nhân đậu đỏ bên trong.
17. Monaka
Monaka bao gồm một lớp vỏ wafer chứa đầy nhân đậu ngọt bên trong. Vỏ wafer có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, từ vỏ tròn đơn giản cho đến những vỏ bánh được thiết kế phức tạp hơn. Một biến thể hiện đại phổ biến của monaka là nhân kem. Vỏ wafer thường dễ bị thiu khi tiếp xúc với không khí, do đó hãy ăn bánh càng sớm càng tốt để giữ được trọn vẹn hương vị monaka.
Nhắc đến Nhật Bản người ta không chỉ nhớ đến đất nước với những phong cảnh tuyệt đẹp mà còn là một nền ẩm thực cực kỳ đa dạng. Các món ăn của Nhật đa dạng từ món mặn đến đồ ngọt, bạn sẽ không thể đếm hết có bao nhiêu biến thể của những món ăn tại quốc gia này. Hy vọng các thông tin chia sẻ về bánh wagashi trong bài viết này sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về các món bánh truyền thống Nhật Bản.
Ý kiến