Soichiro Honda là 1 thiên tài không bằng cấp mà chúng ta ai cũng từng nghe đến. Từ 1 cậu bé với tuổi thơ bất hạnh, ông đã không ngừng nỗ lực và cố gắng. Thành quả là sau này ông đã trở thành Chủ tịch của 1 tập đoàn lớn, nổi tiếng – tập đoàn Honda.
“Từ bao lâu tôi đã yêu nụ cười của bạn, từ bao lâu tôi đã yêu quê hương Việt Nam”. Đây có lẽ là câu hát đã đi sâu vào tiềm thức của con người Việt Nam cùng với hình ảnh của chiếc xe máy Honda. Danh tiếng của tập đoàn Honda đã vượt ra phạm vi lãnh thổ Nhật Bản và vươn ra ngoài thế giới.
Từ người bạn thân thiết của người dân những đất nước nhỏ bé như Việt Nam rồi đến chinh phục thị trường rộng lớn và đầy thử thách như Châu Âu. Thành công của Honda bắt nguồn từ đôi bàn tay và khối óc của người lãnh đạo, cuộc đời ông đã viết nên những trang huyền thoại về nghị lực, niềm say mê khoa học và cống hiến hết sức mình – Soichiro Honda.
Mục lục
- Soichiro Honda – “Chú chồn nhọ mũi”
- Hành trình học nghề của Honda Soichiro
- Khởi đầu mới của Soichiro với Honda
- Xe máy- bước ngoặt lớn của Honda
- Ô tô Honda – tiếp nối đam mê còn dang dở
- Bí quyết thành công của Honda
- Honda thành công chinh phục người Việt
- Kết lại
Soichiro Honda – “Chú chồn nhọ mũi”
Soichiro Honda sinh ngày 17/11/1906. Ông là con trai trưởng trong một gia đình nghèo tại ngôi làng Komyo (nay là thành phố Tenryu), tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.
Cậu bé với niềm đam mê động cơ và biệt danh “Chú chồn nhọ mũi”
Soichiro Honda là con cả trong số 9 người con của 1 gia đình. Bố ông tên Gihei – một người thợ cơ khí và mẹ là thợ dệt – Mika. Gia đình ông thuộc tầng lớp hạ lưu nên Gihei Honda phải xoay xở mọi công việc để kiếm sống, để có cơm ăn.
Soichiro đã lớn lên cùng với mùi dầu máy, tình yêu lao động và tinh thần trách nhiệm từ cha mình. Ông thường bị thu hút và rất thích tìm hiểu về cối xay gió khi mới vừa tròn 2 tuổi. Lớn thêm chút nữa, ông tự “chế tạo” chiếc máy bay đồ chơi bằng tre với “động cơ” làm từ dây cao su. Soichiro thường xuyên giúp đỡ cha mình trong xưởng đến mức mặt cậu lúc nào cũng lấm lem. Đó cũng là lý do xuất phát của biệt danh “chú chồn nhọ mũi” do bạn bè đặt cho ông.
Soichiro không có hứng thú với việc học hành. Thay vào đó, ông chỉ để tâm đến những môn thiên về kỹ thuật. Chính vì thể bảng điểm cuối kỳ của ông lúc nào cũng thấp tệ. Để không bị trách mắng, Soichiro đã sử dụng một con dấu giả làm bằng miếng cao su lấy từ pedal xe đạp, rối tự đóng vào sổ liên lạc.
Niềm đam mê cơ khí và động cơ của Soichiro lớn dần theo năm tháng
Năm 1917, nhà phi công Art Smith đã bay tới Wachiyama – sân bay quân sự của Nhật. Với lòng quyết tâm phải được tận mắt chiên ngưỡng máy bay, Soichiro đã gom sạch tiền lẻ và mượn xe của cha để một mình đi tận 20km tới sân bay. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi đó không đủ để vào cửa. Không ngần ngại, Soichiro trèo lên một cái cây thật cao để quan sát chuyển động thực của chiếc máy bay từ xa. Không ai ngờ rằng, cùng với chiếc máy bay đó, đam mê sáng tạo và phát minh trong ông cũng đang cất cánh.
Hành trình học nghề của Honda Soichiro
Bắt đầu học nghề tại xưởng sửa chữa ô tô
Từ nhỏ Honda Soichiro đã vô cùng khéo léo và hứng thú với máy móc. Thời bấy giờ, ông có niềm yêu thích đặc biệt với ô tô. 15 tuổi, ông một mình lên thủ đô Tokyo theo học tại xưởng sửa chữa ô tô “Art Shokai”. Sau 6 năm trau dồi kiến thức, kỹ năng về sửa chữa ô tô cùng với nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, Honda Soichiro được góp vốn thành lập một cửa hàng cho riêng mình tại Hamamatsu.
Cửa hàng sửa chữa ô tô đầu tiên của Honda Soichiro
Cửa hàng của ông ở Hamamatsu kinh doanh không thuận lợi ở những thời điểm đầu. Khách hàng đến sửa chữa không nhiều như mong đợi. Tuy nhiên, bằng thực lực, Soichiro dần khẳng định được tay nghề của mình. Tiếng tăm của ông lan ra khắp vùng. Người dân có thể được sửa chữa bất kì hỏng hóc nào liên quan đến ô tô của họ nhờ bàn tay của Soichiro.
Với cột mốc 25 tuổi, Soichiro ngày nào đã sở hữu 50 nhân viên làm việc cho cửa hàng riêng mình. Hồi đó ông còn được cấp bằng sáng chế sản phẩm sắt nan hoa và cũng kiếm được khá nhiều tiền từ đó.
Thử nghiệm sản phẩm mới bắt đầu từ việc nhìn nhận được nhu cầu thị trường
Năm 1936 là năm đánh dấu mốc bước tiến của ngành sửa chữa. Ông nhận thấy nhu cầu về vòng găng Piston Ring sẽ tăng cao nên quyết định tập trung nghiên cứu để sản xuất mặt hàng này. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, ông đã cho ra được sản phẩm thử nghiệm đầu tiên.
Năm 1939, Soichiro nhượng lại cửa hàng sửa chữa ô tô tại Hamamatsu cho cấp dưới của mình để chuyên tâm vào việc sản xuất Piston Ring. Soichiro đã thành lập công ty mới tên là Tokai Seiki và dẫn theo hơn một nửa số nhân viên cũ của cửa hàng sửa chữa ô tô.
Công ty Tokai Seiki của Honda Soichiro bước đầu phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đầy thử thách
Sự phát triển ban đầu của Tokai Seiki
Ngay sau khi thành lập, công ty Tokai Seiki đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Tuy nhiên họ gặp vấn đề về kĩ thuật sản xuất và đã phải vất vả khắc phục nó mất 2 năm. Sau 2 năm đó, công ty mới phát triển mạnh mẽ, số lượng nhân viên tăng và lên hơn 2000 người.
Công việc kinh doanh thuận lợi, Nhật Bản bước vào cuộc Chiến tranh thế giới Thái Bình Dương
Năm 1942, Tokai Seiki bị quản lý chặt chẽ bởi Bộ quốc phòng, buộc phải bán 40% cổ phần cho Toyota. Tổng giám đốc của công ty bị thay đổi thành người của Toyota. Soichiro bị giáng chức xuống Phó Tổng giám đốc.
Trong chiến tranh, không chỉ Piston, Tokai Seiki còn sản xuất cả những bộ phận cho tàu chiến và máy bay chiến đấu phục vụ cho quân đội. Ngoài ra thời kì này, nhà máy sản xuất của công ty còn bị tàn phá bởi chiến tranh và trận động đất nổi tiếng Mikawa.
Năm 1945, Nhật Bản thua trận, thành phố Hamamatsu bị phá hủy, Nhà máy Tokai Seiki Jyukogyo cháy rụi, Soichiro lại bắt đầu xuất phát từ con số 0.
Khởi đầu mới của Soichiro với Honda
Hành trình mới với Honda
Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Soichiro bán toàn bộ cổ phần của công ty Tokai Seiki cho Toyota. Sau đó, ông quyết định nghỉ ngơi trong vòng 1 năm. Đến năm 1946, Soichiro quay trở lại và thành lập công ty HONDA.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chỉ còn tro tàn và đổ nát, bước vào thời kỳ tái thiết. Nhu cầu đi lại của người dân lúc đó không phải là những chiếc ô tô đắt đỏ, tốn xăng mà là loại xe có động cơ nhưng gọn nhẹ, tiện lợi và tương đối rẻ tiền.
Chiếc xe đạp gắn động cơ đầu tiên của Honda
Hành động nắm bắt cơ hội vàng
Tháng 9/1946, Cơ hội đã đến với Soichiro. Lúc ấy ông khoảng 40 tuổi. Khi quân đội loại hàng loạt phế thải động cơ cũ tưởng như để làm sắt vụn. Soichiro, với cái nhìn của một nhà sáng chế, đã chớp lấy cơ hội vàng mua lại 500 động cơ trước lời bàn tán cho rằng ông “điên rồ” ném tiền qua cửa sổ.
Chiếc xe đạp động cơ khởi nguồn thương hiệu Honda
Chỉ sau thời gian ngắn, những chiếc xe đạp trang bị động cơ nhỏ gọn đã ra đời trong một nhà kho bằng gỗ rộng 24m vuông. Đây xưởng sản xuất của “doanh nghiệp một thành viên” mà ông đảm nhiệm tất cả các vai trò.
Năm 1947, công ty đã hoàn thành động cơ đầu tiên với tên gọi “Động cơ Model A”. Và thương hiệu HONDA được bắt đầu từ đây.
Sau một thời gian mọi người phát hiện ra loại xe đạp kỳ lạ này đã len lỏi khắp các ngõ ngách ở Nhật Bản. Honda Technical Research Institute của ông đã thành công và không ngừng phát triển.
Xe máy- bước ngoặt lớn của Honda
Tháng 9/1948, Công ty Honda Motor chính thức được thành lập với số vốn 1 triệu yên.
Honda Dream – “The power of Dreams”
Tháng 10/1949, chiếc xe máy đầu tiên có trọng lượng nhẹ trên thế giới – Honda Dream được chế tạo thành công. Soichiro đặt cho nó khẩu hiệu “The power of Dreams”. Bởi ông cảm thấy sản phẩm này sẽ đưa những giấc mơ của ông sẽ trở thành hiện thực.
Đúng như vậy, doanh số bán hàng tăng nhanh đến mức sản lượng của nhà máy với 1.500 xe/tháng. Đây là mức sản lượng kỷ lục của thời đó. Tuy nhiên vẫn chưa đủ đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Soichiro Honda thiết kế thành công loại xe Honda “Dream D”.
Đây kiểu xe hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ. Khung xe được thiết kế có đủ độ cong cần thiết, đủ độ cứng để tải được loại động cơ 98 phân khối. Honda “Dream D” vượt trội hơn các loại xe khác ở rất nhiều yếu tố kỹ thuật. Sau đó, ông tiếp tục cải tiến và ra mắt Dream E máy khoẻ, chạy êm, không chảy dầu.
Sự phát triển của Honda
Năm 1950, công ty đã mở thêm nhà máy và văn phòng kinh doanh ở Tokyo. Năm 1953 thì chuyển trụ sở chính từ Hamamatsu lên Tokyo, tiếp tục xây dựng thêm nhà máy mới ở Saitama, Yamato, Shizuoka và Hamamatsu.
Đến năm 1955, Honda đã trở thành công ty sản xuất xe máy lớn nhất của Nhật Bản. Năm 1957, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.
Năm 1958, Honda ra mắt sản phẩm xe máy nổi tiếng “Super Cub”.
Công ty Honda đã có được kết quả ngoài mong đợi với loại xe Cub. Honda cho phép khách hàng lựa chọn mua máy xe để lắp vào xe đạp hoặc mua trọn một chiếc xe gắn máy.
Chỉ trong vòng chưa được 1 năm, công ty bán được 6.500 chiếc xe Cup mỗi tháng, chiếm hơn 70% thị phần xe gắn máy tại Nhật Bản.
Honda tiến thân thị trường nước ngoài
Năm 1959, Honda bắt đầu bán hàng tại thị trường Mỹ với khẩu hiệu “Bạn gặp những người dễ thương nhất trên một chiếc Honda”. Honda nhắm vào thị trường gia đình, và đã có được thành công rực rỡ.
Năm 1960, thành lập trung tâm nghiên cứu HONDA, nhà máy Susuka. Và đến năm 1962, mở nhà máy đầu tiên ở nước ngoài tại Bỉ. Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, Honda Motor trở thành một tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất xe máy.
Năm 1963, Công ty Honda bán được 7.800 chiếc, năm 1984 bán hơn 10 triệu chiếc Honda 50 phân khối tại Mỹ, con số mơ ước của bất kỳ hãng sản xuất xe máy nào thời bấy giờ.
Ô tô Honda – tiếp nối đam mê còn dang dở
Sau khi đã chiếm lĩnh thị trường xe máy, Honda bắt đầu sản xuất ô tô.
Vẫn còn đam mê về tốc độ như thuở 17. Soichiro Honda quyết định dấn thân trên đường đua để làm bàn đạp cho kinh doanh thương mại. Honda tung ra kiểu xe thể thao S360. Năm 1959, đội Honda giành giải nhất trong cuộc đua Isle of Man (Anh) khi lần đầu dự giải.
Thành công trên đường đua nhanh chóng giúp công ty tăng doanh số. Honda dẫn đầu ở Nhật với doanh số bán ra 285.000 chiếc. 2 năm sau, mỗi tháng Honda bán được 100.000 chiếc.
Honda góp mặt trong cuộc đua xe công thức 1 vào đầu thập niên 1960
Đến năm 1965, đội Honda đoạt giải nhất trong cuộc đua Giải thưởng Lớn Mexico, năm tiếp theo lại giành giải thưởng lớn trong cuộc đua F2. Sau các giải thưởng này, ô tô Honda bắt đầu chinh phục thị trường xe ô tô thế giới. Năm 1980, Honda đã trở thành niềm tự hào mới của người dân nước Nhật. Cuối thế kỷ 20, Honda trở thành nhà sản xuất ô tô xe và máy đứng đầu thế giới.
Bí quyết thành công của Honda
Thành công chỉ chiếm 1%, 99% là thất bại
Honda đã từng nói rằng “Đối với tôi, thành công có thể chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”. Tinh thần làm việc, chăm chỉ học hỏi cùng với lòng say mê với khoa học kỹ thuật là chìa khoá đưa Honda đến thành công.
Trong kinh doanh, Honda có được thành tựu khi biết dùng người
Takeo Fujisawa là 1 người cộng sự tuyệt vời mà Soichiro Honda đã may mắn có được. Đây là người chắp vá một cách hoàn hảo những thiếu sót của Soichiro Honda về các vấn đề tài chính và tiếp thị.
Đối với nhân viên, ông luôn đối xử như người trong gia đình. Ông khuyến khích và động viên những người không có đầy đủ bằng cấp nhưng có khả năng thật sự. Soichiro Honda làm việc không ca thán mệt mỏi. Và ông cũng đã truyền được tinh thần đó cho mỗi người làm tại Tập đoàn Honda.
Sản phẩm của Honda ưu tiên chất lượng lên đầu
Trong 1000 sản phẩm, xác suất sẽ có sản phẩm lỗi. Nếu phát hiện ra lỗi, phải ngay lập tức sửa chữa. Nhờ đó mà uy tín của Honda đã được khách hàng khắp thế giới công nhận.
Honda thành công chinh phục người Việt
Honda đã thành công trong việc chinh phục người Việt, đến nỗi ở các tỉnh phía Nam, từ Honda được dùng để gọi chung cho các loại xe gắn máy hai bánh. Người Việt Nam yêu Honda đến độ coi đó là biểu tượng của đẳng cấp và sành điệu.
Cách đây vài chục năm, một chiếc xe Honda đời 81 có giá trị tương đương 1 căn nhà 2 tầng mặt phố. Cho đến ngày nay, xe Honda vẫn luôn được người tiêu dùng lựa chọn giữa hàng loạt các nhãn hiệu xe máy khác. Nắm giữ vị thế như vậy trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng, Honda đã làm được nhiều hơn là 1 thương hiệu xe.
Kết lại
Thành công của Soichiro Honda là kết quả của sự miệt mài và một cái đầu lạnh. Có tầm nhìn ra cơ hội trong hoàn cảnh mờ mịt, biết vượt qua định kiến kinh doanh và công nghệ thông thường. Ông làm cái khác người và thành công hơn người. Soichiro Honda ra đi vào năm 1992, nhưng người đời còn ca ngợi ông, mỗi khi nghĩ tới một điển hình của “thiên tài không bằng cấp”.
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp từ Internet
Tham khảo thêm:
Ý kiến