Có thể bạn đã biết. Tên đầy đủ của tiền giấy ở Nhật là “Tiền Ngân Hàng nhà nước Nhật Bản” (日本銀行券). Chỉ có Ngân hàng nhà nước mới có quyền phát hành tiền và việc in ấn do cục In ấn quốc gia quản lý. Tiền Nhật được thay đổi định kỳ 20 năm 1 lần với mục đích chống bị làm giả. Những tờ tiền giấy đang sử dụng hiện nay được bắt đầu in năm 2004. Và những tờ tiền mới sẽ được ban hành chính thức vào năm 2024. Trong đó, tờ tiền có mệnh giá cao nhất 10,000 Yên sẽ được in hình của Shibusawa Eiichi – người được mệnh danh là cha đẻ của chủ nghĩa tư bản tại Nhật và đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Nhật Bản.
Mục lục
- Shibusawa Eiichi là ai?
- Chuyến đi quan trọng mở ra trong Shibusawa Eiichi mô hình phát triển lý tưởng cho Nhật Bản!
- Quyết định chuyển hướng từ lĩnh vực chính trị sang công nghiệp và ngân hàng tư nhân của Shibusawa Eiichi
- Từ việc xây dựng “Đệ nhất ngân hàng quốc gia” đến tham gia đa dạng các lĩnh vực công nghiệp trọng yếu của Nhật Bản!
- Shibusawa Eiichi – Problem Solver của cuộc công nghiệp hóa hiện đại Nhật Bản
- Shibusawa không bao giờ tích lũy tài sản.
Shibusawa Eiichi là ai?
Shibusawa là con trai của một gia đình nông dân giàu có, có học, có văn hóa. Những năm đầu của tuổi trẻ, ông chao đảo giữa việc phục vụ chính phủ; và hỗ trợ phong trào lật đổ chính phủ Mạc phủ Tokugawa. Sau khi được nâng lên quy chế samurai do những đóng góp tốt; ông phục vụ chế độ Shogun cho đến khi chế độ này bị lật đổ năm 1868.
Chuyến đi quan trọng mở ra trong Shibusawa Eiichi mô hình phát triển lý tưởng cho Nhật Bản!
Một sự kiện có tầm quan trọng đối với tương lai ông là vào năm 1867. Ông được chọn tháp tùng người em của Shogun cầm quyền, Akitake, đi dự Triển lãm Quốc tế Paris. Triển lãm nằm dưới sự bảo trợ của Napoleon III, diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11; với 42 quốc gia đại diện, thu hút tổng cộng 15 triệu người xem. Trong số các vị khách đặc biệt có Nga hoàng II, Vua Wilhelm và Thủ tướng Otto von Bismarck của Phổ, và một số vị quan trọng khác. Chuyến đi này mở mắt Shibusawa. Ông ấn tượng trước các công ty cổ phần (joint-stock) bề thế của châu Âu, nhìn thấy trong đó một thông điệp quan trọng cho Nhật Bản: các cường quốc công nghiệp châu Âu là mô hình phát triển cho Nhật Bản.
Quyết định chuyển hướng từ lĩnh vực chính trị sang công nghiệp và ngân hàng tư nhân của Shibusawa Eiichi
Shibusawa nhận thấy có sự “siêu thừa thãi” công chức chính quyền; sự thiếu hụt các doanh nhân có năng lực; và đầu óc tiến bộ trong khi thanh niên dễ có khuynh hướng đi vào chính trị và quân sự mà đánh giá thấp kinh tế. Cái gì lớn lao và kích động thường được quy về chính quyền, giới chính trị. Điều này khiến cho những người trẻ có tham vọng của giai tầng tinh hoa kỳ vọng vào một chức vụ trong chính quyền; hơn là vào công việc kinh tế. Cho nên, việc thu hút tài năng trẻ dấn thân cho hoạt động kinh tế là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ông. Theo ông, kinh tế mới là cơ sở của chính trị. Kinh tế yếu, không thể có chính trị mạnh. Vì vậy, năm 1872 ông rời khỏi chức vụ trong Bộ Tài chính; vì muốn dấn thân toàn tâm toàn trí vào việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp và ngân hàng tư nhân.
Từ việc xây dựng “Đệ nhất ngân hàng quốc gia” đến tham gia đa dạng các lĩnh vực công nghiệp trọng yếu của Nhật Bản!
Shibusawa giúp xây dựng “Đệ nhất ngân hàng quốc gia” (Dai Ichi Ginkō) vào tháng 11, 1872.
Đây là ngân hàng cổ phần hiện đại đầu tiên. Với tư cách chủ tịch ngân hàng. Lấy ngân hàng đó làm bàn đạp, ông thành lập hàng trăm công ty cổ phần như Imperial Hotel; Nippon Usen; Nippon Steel; Ngân hàng Tokyo; công ty chứng khoán Tokyo; công ty kéo sợi Osaka; và Bia Sapporo. Và thực tế can dự vào tất cả doanh nghiệp liên quan đến sự phát triển công nghiệp của đất nước như hệ thống hỏa xa; các công ty tàu thủy; đánh cá; công ty in; nhà máy thép; các nhà máy ga và điện; các tổ hợp khai thác mỏ và dầu hỏa.
Với sự thành công của công ty kéo sợi Osaka, một dạng công ty cổ phần; ông được xem là nhà lãnh đạo tiên phong trong ngành kéo sợi. Sau đó, ông đầu tư nhiều vào ngành đường sắt và vận tải biển; và quảng bá cho hình thức công ty cổ phần như phương tiện tốt nhất để phát triển kinh tế Nhật Bản – đối kháng với hai công ty khổng lồ là Mitsui và Mitsubishi.
Về sau, ông cũng là người thành lập các tổ chức xã hội-văn hóa.
Một số cái tên tiêu biểu như Phòng thương mại và công nghiệp; Imperial Theater; Đại học Phụ nữ Nhật Bản; Hội chữ thập đỏ Nhật Bản; hỗ trợ cho giáo dục, đặc biệt trong giáo dục bậc cao về kinh doanh như các trường Đại học Hitotsubashi, Tokyo Keizai, giáo dục đại học cho phụ nữ và trường tư. Ông can dự vào khoảng 600 đề án liên quan đến giáo dục; phúc lợi xã hội; và những thứ khác.
Shibusawa Eiichi – Problem Solver của cuộc công nghiệp hóa hiện đại Nhật Bản
Shibusawa có mối liên hệ với hơn 500 công ty đa dạng loại hình
Trong đó, phần lớn là những công ty công nghiệp – với tư cách là chủ tịch, giám đốc, tư vấn hay cổ đông. Ông vừa là nhà hoạt động ngân hàng (banker) chuyên nghiệp, cũng như là nhà công nghiệp. Sở dĩ như thế là vì tuy ông biết ít về công nghệ; nhưng ông là người giải quyết được những vấn đề then chốt làm tắc nghẽn doanh nghiệp. Rồi ông giao lại cho quản lý. Khi một nhà máy có vấn đề nan giải, ông có thể xông vào để tìm giải pháp. Shibusawa được coi là “problem solver” – người giải quyết vấn đề, nhà chiến lược và đổi mới sáng tạo của cuộc công nghiệp hóa hiện đại.
Mở ra các hình thái kinh doanh mới chưa từng có ở Nhật Bản trước đó
Một số phần trăm cực kỳ cao các doanh nghiệp do Shibusawa thành lập là các hình thái hoàn toàn mới; chưa bao giờ có mặt ở Nhật Bản trước đó, như công ty cổ phần. Trong đó, ông đưa vào sử dụng tri thức và công nghệ mới của phương Tây. Một số doanh nghiệp tiêu biểu có thể kể đến như công ty kéo sợi Osaka; công ty sản xuất gạch Nhật Bản; công ty Phân bón nhân tạo Tokyo,; Bảo hiểm hàng hải Tokyo; Xưởng đóng tàu Ishikawajima Tokyo; công ty giấy Oji; Cty khí Tokyo; và công ty bia Sapporo.
Góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế hiện đại
Nhiều trong số số các công ty được ông thành lập góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế hiện đại. Ví dụ như hệ thống đường sắt, cảng, khai mỏ, bao gồm công ty đường sắt Nhật Bản; công ty đường sắt Hokkaido; công ty đường sắt Hokuriku; công ty xây dựng cảng Wakamatsu; công ty xây dựng cảng Moji; công ty khai thác mỏ than Iwaki; và công ty khai thác than Nagato không khói.
Shibusawa không bao giờ tích lũy tài sản.
Ông thành lập hàng trăm công ty mà giờ đây rất nhiều trong đó vẫn còn tên tuổi. Nhưng ông không có vương quốc riêng để thống trị. Sở dĩ như thế là vì ông nghĩ khác, có nhân cách và mục tiêu tối hậu khác. Ông không phải là doanh nhân chỉ biết tập trung kiếm tiền; tối đa hóa lợi nhuận và tích lũy. Ông thành công với tư cách nhà công nghiệp và nhà ngân hàng. Nhưng ông không phải chỉ xoay quanh tích lũy tài sản.
Mối quan tâm trong trái tim ông xa hơn, là giáo dục và xây dựng cộng đồng kinh doanh vững mạnh. Ông hành động như nhà khai sáng công nghiệp; một chính khách; một nhà triết học; và cuối cùng nhưng trên hết, là nhà giáo dục và truyền bá tri thức; như một “giáo sĩ” trong lĩnh vực kinh doanh và đạo đức. Shibusawa chăm sóc sự phát triển của cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nhân. Và cuối cùng sống mãi trong ký ức của lịch sử Nhật Bản như người cha của nền kinh tế hiện đại.
Trở lại việc phát hành tiền giấy mang ảnh Shibusawa. Phải chăng nhà nước Nhật Bản muốn làm sống lại một tấm gương “anh hùng kinh tế”, cùng với thời đại anh hùng mà ông đã sống? Để đất nước sản sinh ra những tài năng mới trong kinh doanh lẫn chính trị giúp Nhật Bản vượt lên một lần nữa và vươn xa hơn nữa.
Nguồn tham khảo: tiasang.com.vn
Tham khảo thêm:
Ý kiến