Nhật Bản luôn là điểm đến thú vị của du khách trên toàn thế giới. Không những là đất nước có nhiều phong cảnh đẹp, văn hoá Nhật Bản cũng là một trong những lý do thu hút hàng triệu du khách đến với xứ sở hoa anh đào này mỗi năm. Hãy cùng tìm hiểu những nét đặc trưng trong văn hoá Nhật Bản nhé.
Mục lục
Nét đặc trưng văn hoá Nhật Bản: Sự hoà hợp giữa truyền thống và hiện đại
Dù trải qua hàng nghìn năm phát triển, nền văn hoá Nhật Bản vẫn giữ được những nét đặc trưng rất riêng. Là một quốc đảo biệt lập, không bị ảnh hưởng bởi thế chiến thứ nhất. Trải qua hàng ngàn năm phát triển dưới nhiều thời đại khác nhau, người Nhật đã tạo nên một nền văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Khi Nhật Bản tiến hành chính sách cải cách và giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới hơn, đâu cũng là lúc các nền văn hoá phương Tây được hội nhập, kết hợp cùng nền văn hoá truyền thống Nhật Bản vốn có, tạo nên một nền văn hoá Nhật Bản độc đáo ngày nay. Có thể nói, văn hoá Nhật Bản ngày nay, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, của Nhật Bản và một chút gì đó đến từ phương Tây, trở thành một nền văn hoá cực kì đặc sắc. Chính sự “hoà nhập nhưng không hoà tan”, văn hoá Nhật Bản khiến bạn bè trên khắp thế giới không khỏi tò mò và ngưỡng mộ.
Văn hoá ẩm thực
Nhắc đến Nhật Bản, ta không thể không nhắc đến nền văn hoá ẩm thực đặc sắc. Là một quốc đảo 4 mặt giáp biển, Nhật Bản là thiên đường của vô số các món ăn làm từ hải sản. Lãnh thổ trải dài khiến địa hình và khí hậu phân hoá đa dạng. Mỗi vùng miền ở Nhật đều có các món ăn đặc sản khác nhau.
Có rất nhiều món ăn Nhật Bản từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của nền ẩm thực quốc tế. Điển hình như sushi, shashimi, ramen, tempura. Không những các món ăn, rượu sake hay bia Nhật Bản cũng là một trong những đồ uống đặc trưng khi nhắc đến nền ẩm thực Nhật Bản.
Văn hoá trà đạo
Trà đạo (茶道, sadō hoặc chadō) là một trong những nét văn hoá truyền thống lâu đời nhất tại Nhật Bản. Trà đạo được coi là một biểu tượng cho tâm hồn người Nhật. Thưởng thức trà đạo được quan niệm như một cách để phát triển giá trị tinh thần của người Nhật.
Theo truyền thống, trà được chuẩn bị và thưởng thức tại một căn phòng truyền thống kiểu Nhật với sàn chiếu tatami, nhìn ra một khu vườn nhỏ. Không chỉ thưởng thức trà, mục đích của buổi trà đạo là để tận hưởng sự hiếu khách của gia chủ và không gian yên bình của khung cảnh và trong tâm hồn.
Ngày nay, nhiều người thực hiện trà đạo như một sở thích. Ngoài ra, khách du lịch cũng có thể trải nghiệm nghi lễ trà đạo tại các nhà vườn truyền thống của Nhật, các trung tâm văn hoá hoặc khách sạn. Kyoto và Uji là hai địa điểm nổi tiếng nhất về văn hoá trà đạo này.
Lễ hội Nhật Bản
Tuy là một quốc gia phát triển vô vùng hiện đại, người Nhật vẫn duy trì những lễ hội truyền thống của dân tộc. Mùa hè ở Nhật Bản được biết đến là mùa lễ hội, với các sự kiện lớn nhỏ trên khắp đất nước, thu hút đông đảo du khách địa phương và quốc tế.
Ngày xưa, Omatsuri (lễ hội Nhật Bản) là sự kiện để dân lễ vật lên các vị thần, cảm tạ và cầu mong một mùa màng bội thu và bình an cho năm sau. Ngày nay, Omatsuri là dịp để tụ tập vui chơi, ăn uống, cùng ngắm các màn pháo hoa và nhảy theo những vũ điệu truyền thống Nhật Bản trên đường phố.
Ba Omatsuri nổi tiếng bạn không thể bỏ qua đó là lễ hội Gion (ở tỉnh Kyoto), lễ hội Tenjjin (ở tỉnh Osaka), và lễ hội Kanda Matsuri (ở Tokyo). Omatsuri Nhật Bản gắn liền với hình ảnh các cổ xe, kiệu, yukata, và các quầy bán thức ăn đường phố, chắc chắn là một phần quan trọng tạo nên sự thú vị và độc đáo trong văn hoá Nhật Bản.
Trang phục truyền thống
Kimono hẳn là trang phục truyền thống mà bạn sẽ nghĩ ngay đến khi nhắc đến xứ sở mặt trời mọc. Kimono được coi là quốc phục của Nhật Bản, được mặc kết hợp cùng nhiều loại phụ kiện khác nhau.
Trước chiến tranh thế giới thứ 2, kimono là trang phục hàng ngày của người Nhật. Tuy nhiên ngày nay, kimono thường chỉ được mặc trong những dịp quan trọng như lễ hội, đám cưới, hoặc ở các khu phố cổ như Kyoto.
Ngoài kimono chúng ta thường thấy, còn có rất nhiều loại kimono khác nhau. Ví dụ như furisode, loại kimono với tay áo dài và rộng hơn thông thường, được mặc bởi các cô gái chưa kết hôn. Furisode có màu sắc tươi sáng và hoạ tiết bắt mắt, thường được mặc chủ yếu trong ngày lễ thành niên tại Nhật.
Yukata cũng là một phiên bản đơn giản và ít trang trọng hơn kimono. Thường được mặc tại các ryokan (nhà nghỉ kiểu Nhật), hoặc trong các lễ hội mùa hè. Ngoài ra, người Nhật còn có nhiều trang phục truyền thống khác, tuỳ vào nghề nghiệp, giới tính, độ tuổi, và các sự kiện khác nhau sẽ có từng loại trang phục khác nhau.
Văn hoá doanh nghiệp Nhật Bản
Không những văn hoá ẩm thực hay lễ hội, văn hoá doanh nghiệp Nhật cũng mang những nét rất riêng. Cũng như các quốc gia châu Á khác, Nhật Bản có rất nhiều nguyên tắc trong giao tiếp và ứng xử.
Điển hình như việc cúi chào, tuỳ vào tầng lớp, địa vị, mối quan hệ trong xã hội mà có những kiểu chào khác nhau. Trong môi trường làm việc, người Nhật rất coi trọng nguyên tắc Horenso (báo cáo – liên lạc – thảo luận) để tối ưu hiệu quả trong giao tiếp trong doanh nghiệp.
Không những thế, văn hoá cuộc họp (nemawashi) cũng rất phổ biến. Trong các công ty Nhật Bản, trước những buổi họp, những người liên quan sẽ được tham khảo và lấy ý kiến trước. Những thông tin trên sẽ được báo cáo tại buổi họp, giúp tiết kiệm thời gian và khiến buổi họp được diễn ra suôn sẻ hơn.
Kết
Trên đây là những nét đặc trưng nhất về văn hoá Nhật Bản. Có thể thấy, xứ sở mặt trời mọc không chỉ nổi tiếng về những danh lam thắng cảnh, và còn bởi nền văn hoá độc đáo, đậm đà bản sắc nhưng cũng rất hiện đại.
Bạn ấn tượng và muốn tìm hiểu thêm điều gì về văn hoá Nhật Bản? Hãy để lại bình luận cho Japanbiz biết nhé!
Ý kiến