Nếu đã từng đến Nhật Bản, chắc hẳn các bạn đã một lần nhìn thấy những mô hình đồ ăn trưng bày trong ô cửa kính trước các quán ăn, nhà hàng. Chúng được gọi là ‘sampuru’ (sample), một loại hình nghệ thuật thủ công lâu đời của Nhật Bản.
Các mô hình đồ ăn bắt mắt, ngoài việc kích thích thị giác khách hàng, nó còn giúp khách hàng dễ hình dung những món ăn họ sẽ chọn lựa. Từ giữa thế kỷ 20, ngành công nghiệp thực phẩm bằng nhựa này đã phát triển hưng thịnh khắp Nhật Bản, và trở thành ngành công nghiệp có trị giá hơn 90 triệu USD. Hãy cùng Japanbiz tìm hiểu về lịch sử cũng như cách để làm ra những món đồ ăn trông không khác gì đồ thật này nhé.
Mục lục
Nguồn gốc mô hình đồ ăn (sampuru) Nhật Bản
Từ những năm 1920, đã có một số nghệ nhân tạo ra các mô hình đồ ăn giả. Tuy nhiên, cha đẻ cho quy trình làm mô hình đồ ăn hiện đại chính là Takizo Iwasaki, sống ở tỉnh Gifu.
Lấy cảm hứng từ hình dạng của sáp nến nóng chảy, Iwasaki đã tạo ra mô hình món ‘omiraisu’ (món trứng ráng) từ sáp, thật đến nổi vợ anh không hề biết đấy là giả.
Iwasaki sau đó đã mở một xưởng ở quê nhà Gujo Hachiman, cách Tokyo 3 giờ lái xe về phía tây. Đến năm 1932, khi mô hình đồ ăn xuất hiện tại các cửa hàng bách hoá ở Osaka lần đầu tiên, cơn sốt mô hình đồ ăn đã bắt đầu.
Ngoài sự độc đáo, bắt mắt, không ai hoàn toàn lý giải được tại sao các mô hình đồ ăn được sử dụng phổ biến tại các quán ăn, nhà hàng ở Nhật Bản. Một giả thuyết cho rằng nhu cầu về các mô hình thực phẩm đã phát triển trong và ngay sau Thế chiến thứ hai, khi thực đơn nhà hàng đa dạng với các món ăn phương Tây. Việc có thể nhìn thấy chính xác các món trong thực đơn giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, giúp nhân viên phục vụ, du khách quốc tế và thực khách Nhật Bản khám phá các món ăn mới và tự tin gọi món.
Ngôi làng làm đồ ăn giả nổi tiếng ở Nhật Bản
Đó là làng Hachiman nằm ở thành phố Gujo, tỉnh Gifu, Nhật Bản – nơi được đánh giá là có thể sáng tạo ra những loại đồ ăn giả trông còn thật hơn cả đồ thật. Đây còn được xem là ngôi làng đóng góp rất nhiều vào việc gìn giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa như các khu phố nghề cùng các kiến trúc nhà cửa truyền thống của xứ sở Phù Tang. Cũng vì thế mà nhịp sống của người dân ở nơi đây khá chậm rãi và yên tĩnh, rất thích hợp với những ai yêu thích cuộc sống với một không khí bình yên.
Người dân ở làng Hachiman sống chủ yếu dựa vào việc phát triển các làng nghề cũng như đẩy mạnh du lịch. Cách Tokyo gần 3 tiếng di chuyển, làng Hachiman được ví như một nét đẹp cổ tích giữa nhịp sống đầy hiện đại của khu vực thủ đô. Ngôi làng như một bức tranh nhỏ nhắn, tạo cảm giác về cuộc sống tại Nhật Bản vào những năm của thế kỷ XX.
Có một điểm rất đặc biệt của làng Hachiman mà khách du lịch cảm thấy thích thú là hầu hết các ngôi nhà cổ ở Hachiman đều có chuông gió hoặc xô nước trước nhà, theo cách phòng trừ hỏa hoạn truyền thống. Làng Hachiman có nhiều mương nước tự nhiên, nước trong vắt, phía xa là rừng núi trùng điệp, đẹp mê hồn. Trong đó, làng Hachiman vẫn nổi tiếng nhất với việc có thể tạo nên những mô hình đồ ăn giả giống hệt với các món ăn thật. Đây được đánh giá là ngôi làng với những món giả đầu tiên ra đời và phát triển cho đến ngày hôm nay.
Với sự phổ biến rộng rãi của các mô hình đồ ăn giả, làng nghề Hachiman đã phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của thành phố Gujo từ năm 1932. Kỹ thuật của các nghệ nhân ngày càng được cải tiến, có thể làm ra những món có hình dáng ngày càng cầu kỳ như cua lông, tôm hùm với “giao diện” giống tới giật mình. Gần như không có bất cứ món ăn nào có thể làm khó được các nghệ nhân của làng Hachiman.
Ngoài ra, chính quyền nơi đây cũng đẩy mạnh việc phát triển du lịch và cho du khách trực tiếp tham gia và chứng kiến các nghệ nhân trổ tài chế tạo các món ăn giả. Nhiều du khách đều bày tỏ sự bất ngờ của mình với cách nghệ nhân tạo ra sản phẩm. Nghệ thuật làm đồ ăn giả của người Nhật Bản tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp trong ngành thực phẩm cũng như nhiều tiện lợi cho thực khách để chọn được cho mình những món ăn hấp dẫn nhất.
Sự công phu trong các công đoạn tạo nên mô hình đồ ăn tại Nhật
Ngày nay, nhựa được sử dụng thay cho sáp, trong việc chế tạo các mô hình đồ ăn. Các nghệ nhân sẽ tạo khuôn đúc bằng silicon, sau đó đổ nhựa PVC lỏng vào khuôn và để nguội cho đến khi cứng lại. Tiếp đó, các nhận nhân sẽ đánh bóng khối, vẽ màu và phủ một lớp sơn bóng bảo quản về mặt. Mỗi mô hình đồ ăn là một tác phẩm nghệ thuật. Mọi chi tiết, thậm chí từng hạt gạo, đều được làm tỉ mỉ.
Để làm một mô hình bát cơm, các hạt cơm được làm riêng lẻ, sau đó kết dính lại với nhau bằng keo, để trông giống thật nhất. Tương tự, từng sợi mì được làm từ nhựa dẻo kéo dài, tạo độ cong để trông như thật. Từng lát thịt, tỏi, trứng luộc cũng được tạo ra một cách rất công phu.
Có thể nói, bước vẽ trang trí là khâu quan trọng nhất, trong đó, pha màu sao cho giống thật nhất có thể luôn là một công đoạn mang tính quyết định. Ngoaì ra, dù cùng một món ăn như mì ramen hay sushi hay sashimi, mỗi cửa hàng đều có cách chế biến, hình thức trình bày khác nhau. Do đó, mô hình đồ ăn của các quán ăn cũng khác nhau, và phải thể hiện được nét đặc biệt của từng quán.
Mức độ chi tiết của mô hình đi đôi với mức giá. Hay nói cách khác, giá càng cao, mô hình càng giống thật. Một chiếc mô hình thường có giá gấp 10 đến 20 lần so với giá thật của món ăn đó. Trung bình, một tô mì ramen giả có giá khoảng 100 USD, một khay sushi phức tạp có thể lên đến 500 USD. Điều này có nghĩa là, một nhà hàng có thể phải chi hàng ngàn đô cho một ô cửa trưng bày các đồ ăn mẫu của quán.
Do nhu cầu ngày càng tăng cao, một số công ty đã vận dụng mô ình sản xuất hàng loạt, nâng cao hiệu suất và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, các mô hình thủ công dù rất đắt, vẫn được ưua chuộng vì độ tinh xảo và sống động của nó.
Sampuru được ứng dụng rộng rãi trong đời sống tại Nhật Bản
Mặc dù mục đích chính của các mô hình đồ ăn là để sử dụng trong nhà hàng, các mô hình đồ ăn ngày nay cũng có tính ứng dụng cao. Ví dụ như được sử dụng trong các buổi chụp ảnh quảng cáo. Mô hình đồ ăn sẽ trông bắt mắt hơn, giữ được độ tươi ngon và hình dạng như ban đầu lâu hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm như kem. Ngoài ra, các mô hình thực phẩm có thể được dùng để giảng dạy, phục vụ các mục đích giáo dục.
Không những thế, đây cũng là một trong những nét văn hoá độc đáo, thu hút khách du lịch đến với Nhật Bản. Các mô hình đồ ăn phiên bản nhỏ hơn, được bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm. Ở Tokyo, khu phố Asakusa hay Kappabashi là hai con phố buôn bán các mô hình đồ ăn dành cho du khách.
Maizura, một trong những nhà sản xuất mô hình đồ ăn đầu tiên của Nhật Bản. Công ty đã tạo ra khuôn thực phẩm từ năm 1948, khi công ty chuyển đến Tokyo từ Osaka. Ngày nay, 70% hoạt động kinh doanh của thương hiệu đến từ nhà hàng. Tuy nhiên, du khách có thể ghé đến để mua các mô hình đồ ăn làm quà lưu niệm.
Tại đây, các món ăn như ramen, soba, spaghetti và pizza đắt hơn, khoảng 70 USD. Những món nhỏ hơn như nam châm hình sushi, ốp điện thoại, đánh dấu trang sách được bày bán với mức giá dưới 20 USD mỗi món.
Những miếng sushi hấp dẫn thường phải thưởng thức ngay sau khi chế biến để cảm nhận được hương vị tươi ngon. Nhưng với những mô hình đồ ăn lưu niệm, du khách có thể lưu giữ, mang nét đẹp văn hoá Nhật Bản về nhà. Điều này tạo nên nét độc đáo, và là lý do tại sao các mô hình đồ ăn được du khách yêu thích.
Ý kiến