Giải quyết việc thiếu hụt lao động ở Nhật vốn là vấn đề nan giải vẫn đang được các nhà chức trách tìm kiếm giải pháp. Ảnh hưởng của việc thiếu người làm để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng mà Nhật Bản đang phải đối mặt, trong đó biểu hiện rõ ràng nhất phải kể đến việc các dự án quan trọng của quốc gia đang chậm tiến độ. Chi tiêu vốn của Nhật Bản bị cản trở bởi tình trạng thiếu lao động khi các dự án chậm tiến độ. Tình hình thực tế ra sao và chính phủ Nhật đang cố gắng giải quyết vấn đề bằng các giải pháp như thế nào?
Khoảng cách giữa kế hoạch đầu tư và tình hình thực tế bị chậm ở mức kỷ lục – hơn một thập kỷ
Kế hoạch đầu tư vốn của nhiều công ty Nhật Bản đã bị gián đoạn, có những dự án gián đoạn lâu nhất từ là năm 2011 đến nay, do tình trạng thiếu lao động khiến các doanh nghiệp muốn đầu tư không có đủ nhân sự để thực hiện dự án của mình. Một cuộc khảo sát kinh doanh Tankan của Ngân hàng Nhật Bản vào tháng 12 cho thấy kế hoạch đầu tư vốn cho năm tài chính 2023 tăng 15% trên tất cả các ngành, bao gồm chi tiêu cho phần mềm, nhưng không bao gồm tiền mua đất.
Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy mức vốn được giải ngân thực tế trong 6 tháng tính đến tháng 9 chỉ tăng 3,9%. 11% chênh lệch giữa kế hoạch và con số thực tế trong vòng nửa đầu năm tài chính (so với 8,8% vào năm trước đó), là một mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2011 – sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản khiến chuỗi cung ứng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Thiếu lao động và chi phí nguyên vật liệu cao là những yếu tố chính khiến khoảng cách ngày càng lớn
Đây cũng được đánh giá là các nguyên nhân làm cản trở hoạt động đầu tư chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản.
Nhà sản xuất mỹ phẩm Nhật Bản Kose đã phải lùi kế hoạch khởi công một nhà máy ở Minami-Alps, miền trung Nhật Bản, từ năm 2025 sang năm 2026. Lý do là vì trong thành phố, đang xây một siêu thị Cosco – thương hiệu bán lẻ khổng lồ, nên sẽ khó đảm bảo được công nhân cho dự án của Kose. Và với việc giá vật liệu xây dựng đang tăng nhanh, Kose nhận thấy việc lùi kế hoạch mở nhà máy có khả năng sẽ tăng chi phí từ 10% đến 15% so với ước tính ban đầu.
Asahi Group Holdings cũng đã trì hoãn việc mở nhà máy bia từ ba năm đến năm 2029 do chi phí lao động và nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, có thể khiến giá của dự án tăng gấp đôi so với ước tính trước đó là 40 tỷ yên (270 triệu USD). Do đó, cơ sở sản xuất bia ở Hakata của Asahi, dù đã lên kế hoạch đóng cửa, sẽ vẫn phải tiếp tục mở cửa cho đến năm 2028 để duy trì năng lực sản xuất.
Trong một cuộc khảo sát do Bộ Tài chính và Văn phòng Nội các công bố vào tháng 3 năm 2023, 42% doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng chi phí thay đổi là yếu tố làm gián đoạn kế hoạch chi tiêu của họ (tăng 10% từ 32% trong cuộc khảo sát năm 2022). Hiroshi Miyazaki của Mizuho Research & Technologies cho biết: “Chi phí cao hơn kinh phí dự trù do chi phí lao động và giá nguyên liệu tăng cao, đồng thời sự chậm trễ chồng chất cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị đình trệ”.
Bản thân các dự án nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự đã bị đình trệ do thiếu nhân lực để thực hiện chúng. Một nguồn tin trong ngành tài chính cho biết: “Nhu cầu đầu tư kỹ thuật số rất lớn nhưng lại không có đủ nhân tài để đảm đương việc đó”. Theo một bài báo tháng 12 của các nhà nghiên cứu bao gồm Shuichiro Ikeda thuộc bộ phận thống kê của Ngân hàng Nhật Bản, chi tiêu cho phần mềm đã tăng nhanh hơn gấp đôi ở những công ty thiếu nhân lực so với những công ty có đủ nhân công.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ cần nhiều lao động như khách sạn và nhà hàng đang tìm cách tăng cường chi tiêu cho phần mềm. Nhưng “chúng ta đang ở trong tình thế mà những hạn chế về nguồn cung gây khó khăn cho việc giải quyết những hạn chế về nguồn cung”, Toru Suehiro của Daiwa Securities cho biết.
Dữ liệu của Văn phòng Nội các cho biết “thời gian trì hoãn” – hay thời gian cần thiết để xử lý – đối với các đơn đặt hàng máy móc là trong khoảng 14 tháng, thời gian chờ đợi dài nhất kể từ năm 2010. Mặc dù điều này không hoàn toàn phản ánh các điều kiện trong nước, vì nó cũng bao gồm các đơn đặt hàng từ nước ngoài, một đại diện Văn phòng Nội các cho biết nó cho thấy “nhu cầu rất mạnh nhưng các đơn đặt hàng không thể được đáp ứng đầy đủ, một phần do hậu quả của những hạn chế về nguồn cung trong quá khứ”.
Các khoản đầu tư đang bị hoán, liệu bao lâu nữa sẽ có thể thực hiện được? Một quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết: “Điều kiện quan trọng để đạt được điều đó là các công ty phải duy trì kỳ vọng về tăng trưởng trong tương lai”. Nếu không, có nguy cơ cao rằng, các dự án bị trì hoãn, cuối cùng sẽ bị bác bỏ.
Nhật Bản đang rất nỗ lực để có thể cải thiện các vấn đề liên quan đến việc chậm trễ tiến độ nhiều dự án, công trình. Tuy nhiên với nhiều khó khăn của hiện tại thì việc này chắc chắn cần nhiều thời gian và việc giải quyết không thể “một sớm một chiều”.
Ý kiến