Làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam những năm gần đây càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khẳng định sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư sau đại dịch Covid-19. Vậy Việt Nam có gì để thu hút nhà đầu tư đến vậy?
Mục lục
- Tổng quan về FDI của Nhật Bản vào Việt Nam
- Dự án “khủng” ngay đầu năm 2021 của Nhật Bản
- Tại sao nhà đầu tư Nhật Bản lại dừng chân tại Việt Nam?
- Vị trí địa lý thuận lợi
- Tình hình chính trị ổn định, nhất quán
- Việt Nam có những biện pháp kịp thời trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch Covid 19
- Trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng nhưng không quá nặng nề
- Chú trọng hoạt động đối ngoại, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư Nhật Bản
- Việt Nam phát triển các khu công nghiệp một cách nhanh chóng
- Thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do
- Tiềm năng phát triển hợp tác của Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản
- Tổng kết
Tổng quan về FDI của Nhật Bản vào Việt Nam
Về đầu tư
Nguồn vốn FDI khổng lồ đổ về Việt Nam
Theo báo Lao động, trong 6 tháng đầu năm 2021 (số liệu tính đến ngày 20.6), trong số 33.787 dự án với tổng vốn 397,89 tỉ USD của các nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam, Nhật Bản là đối tác đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ hai với 4.716 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 63 tỉ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam từ sớm như Toyota, Honda, Panasonic, Canon. Không chỉ trong công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật cũng thâm nhập vào các lĩnh vực khác như bán lẻ, thực phẩm… với các “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ như AEON, Uniqlo. Đó là chưa kể đến dòng vốn FII vào lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, như Mizuho sở hữu cổ phần của Vietcombank, Sumitomo Mitsui Banking sở hữu cổ phần của Eximbank.
Tỉnh thành nào dẫn đầu trong việc thu hút nguồn vốn FDI này ?
Vốn FDI Nhật Bản tập trung lớn tại Thanh Hóa (với 12.5 tỷ USD đăng ký còn hiệu lực), Hà Nội (10.9 tỷ USD), và Bình Dương (5.1 tỷ USD). Ngoài ra, một số địa phương mặc dù không nằm trong Top tỉnh thành thu hút FDI Nhật Bản nhưng lại có 1 số dự án cá biệt quy mô vốn bình quân lớn: Khánh Hòa, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái.
Về M&A
Đối với khối ngoại, thị trường M&A tiếp tục được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư đến từ 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Giai đoạn 2019–2020 ghi nhận nhiều thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực chính là bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng và dược phẩm – y tế.
Một số dự án M&A khủng từ Nhật
Một số thương vụ M&A đáng chú ý của các nhà đầu tư Nhật Bản có thể kể đến như Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% trong giai đoạn II Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây.
Dự án “khủng” ngay đầu năm 2021 của Nhật Bản
Ngày 8-2, UBND TP Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Việt Nam) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Dự án có công suất 1.050MW với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD. Mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ. Đây cũng là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Cần Thơ.
Tại sao nhà đầu tư Nhật Bản lại dừng chân tại Việt Nam?
Vị trí địa lý thuận lợi
Sở hữu đường bờ biển dài, gần với các tuyến vận tải chính của thế giới; nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á – vừa là trung tâm kết nối của khu vực; vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nên kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương là những điều kiện tự nhiên hoàn hảo phục vụ cho quá trình giao thương quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam còn có vị trí tiếp giáp nước láng giềng là Trung Quốc. Với bờ biển dài; giáp liền biển Đông; gần với những tuyến vận tải chính của thế giới chính là điều kiện hoàn hảo cho quá trình thương mại. Hai thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, thủ đô Hà Nội, nằm ở phía Bắc, có được cơ hội kinh doanh rất thuận lợi. Thành phố Hồ Chí Minh, có dân số lớn nhất, nằm ở phía Nam, được xem là “thánh địa” công nghiệp của Việt Nam.
Tình hình chính trị ổn định, nhất quán
Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tăng cường chống phá; quốc phòng, an ninh của nước ta tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Đề cập đến vị trí, vai trò của sự ổn định chính trị đối với sự phát triển của đất nước; khi trả lời báo chí nhân dịp dự Diễn đàn Phát triển châu Á lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã đánh giá cao sự ổn định chính trị và ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Ông cho rằng đó là điều kiện, là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều.
Việt Nam có những biện pháp kịp thời trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch Covid 19
Hiện nay, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao. Sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư; nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Bằng những biện pháp rất cụ thể, thiết thực, quyết liệt kịp thời; Việt Nam đã nhanh chóng kìm hãm sự phát triển của Covid. Bên cạnh đó, nhà nước luôn đảm bảo sự bình ổn trong nền kinh tế, xã hội hạn chế tối đa suy giảm kinh tế. Do đó, Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển. Bởi bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn rót tiền vào một đất nước yên bình và an toàn.
Trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng nhưng không quá nặng nề
Theo Tạp chí tài chính, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2020 đạt ở mức 2,12%; dự kiến cả năm ước đạt mức tăng trưởng 2%-3%.
Hiện tại, tuy đại dịch Covid-19 vẫn là một chướng ngại lớn, lây lan mạnh nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Tuy vậy, để tránh rơi vào tình trạng tê liệt kinh tế, nhà nước đã đưa ra những chủ chương để được cải thiện tình hình, ổn định kinh tế vĩ mô, vi mô. Điều này tạo động lực lớn cho các nhà đầu tư Nhật Bản mạnh tay rót tiền vào dự án.
Chú trọng hoạt động đối ngoại, thu hút một lượng lớn nhà đầu tư Nhật Bản
Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được nhà nước chú trọng. Đặc biệt là với nhà đầu tư tới từ Nhật Bản; Chính phủ luôn có những chính sách kích thích đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Chủ chương hòa bình, ổn định cho phát triển. Do đó, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Thu hút sự hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng tìm nơi yên bình, bền vững, hợp tác lâu dài.
Việt Nam phát triển các khu công nghiệp một cách nhanh chóng
Một báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp được Công ty CBRE Việt Nam công bố gần đây nhận định, từ năm 2020 trở đi, khách thuê đất tại các khu công nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất bằng cách tìm thuê đất tại các khu vực mới nổi. Hiện các chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam; nên nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp cũng đang lớn dần.
Trong khi đó, Việt Nam được cho là quốc gia tiềm năng với các khu công nghiệp đang ngày càng được mở rộng. Nắm được xu hướng đầu tư của nhà đầu tư, các địa phương cũng chủ động đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn, cũng như chuẩn bị hạ tầng nhằm sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu.
Thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do
Một minh chứng khác cho thấy sự mở cửa nền kinh tế của Việt Nam là việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia và khu vực để thu hút thị trường, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, CPTPP, v.v và đang tiếp tục đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác. Việc tăng cường hội nhập với thế giới sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và khu vực này khi đầu tư vào Việt Nam.
Tiềm năng phát triển hợp tác của Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản
Hợp tác cấp chính phủ giữa Việt nam và Nhật Bản trong thời gian qua trên nhiều lĩnh vực vẫn là dòng chủ lưu trong mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Mối quan hệ cấp địa phương giữa các tỉnh, thành của Việt Nam với các tỉnh, thành của Nhật Bản; hoặc giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các địa phương Việt Nam đang ngày càng mật thiết và có chiều sâu hơn. Đến nay, đã có 37 cặp địa phương hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác.
Còn rất nhiều các chuyến thăm và làm việc trực tiếp của các đoàn doanh nghiệp; các tổ chức Hiệp hội thuộc các địa phương của Nhật Bản sang Việt Nam cũng như của Việt Nam sang Nhật Bản. Tựu trung những chuyến thăm này đều tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội kinh doanh; tìm kiếm đối tác và xuất khẩu sản phẩm, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn nữa. Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa.
Tổng kết
Mối quan hệ Nhật Bản – Việt Nam ngày càng khăng khít, tạo điều kiện hợp tác cho các doanh nghiệp hai nước. Dòng đầu tư vào thị trường Việt Nam đang tăng mạnh, đó cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu biết nắm bắt cơ hội, có thể sẽ tạo bước ngoặt trong quá trình kinh doanh của công ty.
Ý kiến