TOP NGÀNH NGHỀ THIẾU HỤT NHÂN LỰC Ở NHẬT BẢN – NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỐI SÁCH CỦA DOANH NGHIỆP VÀ CHÍNH PHỦ.
Nhật Bản – một cường quốc từng đứng thứ 2 sau Mỹ xét về tổng GDP, hiện nay đang phải đối mặt với thách thức lớn liên quan đến vấn đề thiếu hụt nguồn lao động. Những cụm từ như “ già hóa dân số”, “ tỷ lệ sinh giảm”, “ thiếu hụt lao động” xuất hiện khá dày đặc khi nói đến vấn đề về lao động ở Nhật. Trong bài viết này, ONE-VALUE muốn liệt kê top các ngành nghề đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại Nhật, cùng với đó là những nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Và cuối cùng, ONE-VALUE sẽ giới thiệu về những đối sách hiện tại của chính phủ và doanh nghiệp Nhật nhằm cải thiện tình trạng hiện tại.
Mục lục
Top các ngành “khát” nhân lực tại Nhật Bản
Dựa trên số liệu tổng hợp từ các bài viết nhận định từ nhiều công ty giới thiệu việc làm lớn tại Nhật như Job Worker, My Navi,… cũng như các tờ báo điện tử như Toyokeizai, ONE-VALUE xin phép liệt kê top 7 ngành nghề đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng tại Nhật.
TOP 1: Ngành Công nghệ thông tin (IT)
Nhật Bản là một trong những quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, phát triển trí tuệ nhân tạo. Chính vì thế, nhu cầu về nhân lực trong ngành này tại Nhật càng trở nên tăng cao. Theo báo cáo điều tra công bố tháng 4 năm 2019 của Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp (METI), nhu cầu nhân lực ngành CNTT tăng bình quân hàng năm 2,7%, năng suất lao động tăng 0,7% hàng năm. Theo dự đoán của Bộ, năm 2025 Nhật Bản cần khoảng 360,000 nhân lực ngành IT, và năm 2030 cần 450,000 người.
TOP 2: Ngành Nông – Lâm – Thủy sản
Theo một cuộc khảo sát của Viện Chính sách Lao động và Đào tạo Nhật Bản, một cơ quan hành chính độc lập thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, số lượng lao động trong ngành Nông- Lâm – Thủy sản từ mốc 166,100,000 người năm 1951, đã suy giảm trầm trọng còn 22,800,000 tại năm 2018 (giảm hơn 7 lần). Có nhiều lý do khiến số lượng người lao động trong ngành suy giảm như sự xuất hiện của máy móc và khoa học kỹ thuật giúp giảm nhu cầu về sức lao động. Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu nhân sự trong ngành này vẫn luôn ở mức cao.
Một số lý do khác khiến nhân lực ngành này bị suy giảm:
- Sự vất vả của ngành được nói tắt là 5K là: Khắc nghiệt, Không sạch sẽ , Không sáng sủa, Không kiếm được tiền, Không kết hôn được. Bên cạnh đó, với truyền thống kế thừa sản nghiệp/ ngành nghề truyền thống của gia đình tại Nhật, việc nhiều thế hệ trẻ không muốn tiếp tục làm những ngành nghề tay chân cũng tăng cao. Điều này khiến cho số lượng người kế thừa công việc truyền thống sụt giảm dần.
- Một bộ phận muốn thoát li khỏi công việc văn phòng, công sở xô bồ quay về làm nông- lâm nghiệp, tuy nhiên sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức, cũng như chi phí ban đầu cao khiến họ gặp nhiều trở ngại để bắt đầu.
TOP 3: Ngành Vận chuyển
Thị trường EC là 16,5 nghìn tỷ yên tính đến năm 2018 và lĩnh vực Vận chuyển hàng hóa chiếm 8,6 nghìn tỷ yên. Dưới ảnh hưởng của điều này, số lượng dịch vụ chuyển phát bưu kiện được xử lý đã tăng với tốc độ 200 triệu đơn vị mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Dự kiến thị trường này sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai, và việc đảm bảo nguồn nhân lực ngày càng trở nên khó khăn. Sự thiếu hụt lao động trong thị trường logistics có nhiều tác động xã hội, chẳng hạn như “vấn đề giao hàng lại” và “vấn đề không giao hàng”. Ngoài ra, từ quan điểm của một người lao động, họ có thể nhìn thấy rõ ràng vấn đề “thời gian làm việc dài”. Điều này đã trở thành một vấn đề rất lớn khiến cho những người lao động e dè khi quyết định gia nhập ngành hay không. Như vậy, có thể thấy rõ ràng nhu cầu cấp thiết để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong thị trường logistics đang ngày càng mở rộng.
Việt Nam hiện nay cũng đang bước vào thời kỳ bùng nổ dịch vụ mua hàng online, trên các trang Thương mại điện tử,..kéo theo sự phát triển lớn của dịch vụ ngành vận chuyển- giao hàng. Tương lai, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với bài toán về tình trạng nhân lực ngành này như Nhật hiện nay.
TOP 4: Ngành Bảo dưỡng – Bảo trì – Kiểm tra
Ngành này có thể được chia thành ba loại hình chính như dưới đây
- Bảo trì: Tòa nhà (90%)
- An ninh: Kiểm soát giao thông, v.v.
- Kiểm tra: Kiểm tra sản phẩm, kiểm tra ô tô, v.v.
Theo báo cáo “Nghiên cứu xu hướng ngành” điều tra các xu hướng của các ngành, hiện này ngành Bảo dưỡng – Bảo trì – Kiểm tra đều đang trên đà phát triển.
Ngành công nghiệp bảo trì tòa nhà có quy mô thị trường là 903,8 tỷ yên, và ngành công nghiệp an ninh có quy mô thị trường là 1,368,4 tỷ yên, đây là một thị trường rất lớn và được kỳ vọng sẽ phát triển trong tương lai.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu lao động trong những ngành này là do những quan điểm về ngành như “lao động chân tay nặng nhọc”, “đối xử kém” và “hình ảnh không tốt”… khiến nhiều người trẻ ái ngại.
TOP 5: Ngành Xây dựng
Nếu nói về mức độ vất vả và nguy hiểm thì ngành Xây dựng được coi là một trong những ngành thuộc top. Số lượng công nhân xây dựng đạt đỉnh là 68,500,000 người vào năm 1997 và đã giảm xuống còn 49,200,000 vào năm 2016, giảm khoảng 28% so với mức đỉnh.
Tính theo độ tuổi trung bình, 30% số lượng người lao động là từ 55 tuổi trở lên và mặc dù công việc chủ yếu là lao động chân tay nặng nhọc nhưng nhiều người lao động lớn tuổi vẫn đang làm việc.
Giới trẻ Nhật hiện nay có ấn tượng không mấy tốt về ngành Xây dựng. Tại Nhật, nhắc tới công việc ngành này là sẽ liên tưởng đến 3K (vất vả – Kitsui, bẩn thỉu – Kitanai, nguy hiểm- Kiken), lương thấp và thời gian làm việc dài.
Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu là do hình ảnh ngành xây dựng không tốt đẹp, và còn nhiều vấn đề liên quan tới an toàn lao động.
TOP 6: Ngành Hộ lý – Điều dưỡng
Sự già hóa dân số tại Nhật làm tăng nhu cầu lớn về nhân lực ngành Hộ lý – Điều dưỡng.
Theo báo cáo điều tra năm 2020 của Trung tâm Ổn định lao động ngành Hộ lý – Điều dưỡng, mức độ thiếu hụt nguồn nhân lực tại các cơ sở chăm sóc dài hạn đang tăng lên qua từng năm, nhưng mức độ thiếu hụt (“rất thiếu” + “thiếu” + “thiếu nhẹ”) ở tất cả các cơ sở là 60,8% vào năm 2020 (65,3 % vào năm 2019). Theo loại hình hộ lý – điều dưỡng, tỷ lệ thiếu người chăm sóc tại nhà cao nhất với 80,1% năm 2020 (81,2% năm 2019), nhân viên làm việc tại các cơ sở dưỡng lão là 66,2% năm 2020 (69,7% năm 2019).
Ngoài ra, những lý do khiến việc thiếu hụt nhân lực trong ngành Hộ lý đã được khảo sát như sau: 86,6% trả lời rằng “khó tuyển dụng” là lý do thiếu và 53,7% cho rằng “điều kiện làm việc không tốt so với các ngành khác” là nguyên nhân. Cuối cùng, lựa chọn “Cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực với các doanh nghiệp cùng ngành” cũng ở mức cao 53,1%.
Như vậy, có thể thấy nhu cầu về ngành Hộ lý – Điều dưỡng ở Nhật càng ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân của sự thiếu hụt
Có rất nhiều nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng thiếu hụt nhân lực tại Nhật Bản hiện nay. Các phương tiện truyền thông chủ yếu đề cập vấn đề già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm là nguyên nhân lớn nhất gây ảnh hưởng. Dưới đây, ONE-VALUE xin đưa ra một số nguyên nhân chính.
Già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm
Tại Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ sinh giảm và xã hội già hóa, tình trạng thiếu lao động ngày càng trở nên nghiêm trọng do dân số lao động ngày càng giảm. Dân số Nhật Bản từ 15 tuổi trở lên đạt đỉnh vào năm 2010 và đang giảm dần kể từ đó, nhưng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi đạt đỉnh khoảng 8,700,000 người vào năm 1997. Kể từ đó, nó đã giảm nhanh chóng, và năm 2015 đã tụt xuống mốc khoảng 7,700,000 người, tức là ít hơn khoảng 1,000,000 người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh giảm, chẳng hạn như tỷ lệ chưa kết hôn và không kết hôn tăng. Ngoài ra, sự áp lực tài chính- kinh tế, sự thay đổi trong xu hướng tư tưởng của giới trẻ cũng tạo nên xu hướng không muốn sinh con hoặc sinh ít con. Mặc dù chính phủ Nhật đang có nhiều chính sách để cải thiện vấn đề trên, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng hiệu quả còn hạn chế và dự kiến tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm.
Sự mất cân bằng giữa các ngành nghề
Mặc dù thực tế là tình trạng thiếu lao động đang là vấn đề nhức nhối của nhiều ngành, nhưng vẫn có rất nhiều người không thể hoặc không kiếm được việc làm. Điều này là do sự không phù hợp giữa năng lực mà nhà tuyển dụng mong muốn và công việc mà người tìm việc mong muốn.
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có khả năng dành tiền và thời gian cho phát triển nguồn nhân lực đã đến tìm kiếm lực lượng lao động ngay lập tức, vì vậy những người không có kỹ năng buộc phải tìm kiếm những công việc có thể làm việc mà không có kỹ năng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, số lượng người tốt nghiệp đại học tìm việc muốn có việc làm trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng, nhưng hầu hết những người tìm việc tốt nghiệp đại học vẫn hướng đến các công ty lớn. Trong khi các công ty lớn nổi tiếng tràn ngập sinh viên ứng tuyển thì có rất ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhận các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều nay cũng gây mất cân đối trong việc phân bố nguồn lực lao động.
Sự suy giảm động lực làm việc của người Nhật
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng động lực làm việc của người Nhật đang đứng cuối trong top các nước phát triển. Trong thời kỳ phát triển kinh tế thần tốc, nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể đạt được kết quả như mong đợi, và nhân viên văn phòng thời đó được gọi là “nhân viên Moretsu”- tức là nhân viên Nhiệt huyết và có khả năng làm việc với động lực cao.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản ngày nay, nơi mà tốc độ tăng trưởng cao đã kết thúc và thời kỳ tăng trưởng thấp bắt đầu, dù bạn có cố gắng hết sức đi chăng nữa thì không phải lúc nào bạn cũng có thể thu được kết quả tương xứng với nỗ lực của mình. Và vì vậy nhiều người sẽ mất động lực làm việc.
Theo bảng câu hỏi dành cho sinh viên mới ra trường, nhiều người có động lực rất cao khi mới gia nhập công ty, nhưng ở Nhật Bản, có nhiều trường hợp đột ngột mất đi động lực sau vài tháng đến một năm.
Động lực làm việc giảm sút dẫn đến ý muốn chuyển việc tăng cao, từ đó dẫn đến thiếu hụt lao động.
Sự phân biệt giới tính trong lực lượng lao động
Mặc dù ngày càng có nhiều cơ hội để phụ nữ đóng vai trò tích cực hơn nhưng sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ ở Nhật Bản vẫn còn sâu sắc.Trong “Chỉ số khoảng cách giới năm 2021” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo vào tháng 3 năm 2021, Nhật Bản xếp thứ 120 trong số 156 quốc gia. Chỉ số này so sánh sự khác biệt về giới từ nhiều khía cạnh khác nhau như giáo dục, chính trị và tiền lương, … và cho thấy sự bình đẳng theo khung điểm 100%. Nhật Bản ở mức 65,6%, thấp nhất trong số bảy quốc gia lớn thuộc khối G7.
Có thể thấy mặc dù chính phủ Nhật đã và đang cố gắng tạo điều kiện cho nữ giới tham gia vào hoạt động xã hội, tuy nhiên sự thay đổi vẫn chưa rộng rãi. Việc hạn chế nữ giới tham gia lực lượng lao động về lâu dài sẽ khiến Nhật Bản bị mất đi rất nhiều nguồn lực quan trọng.
Đối sách của doanh nghiệp và chính phủ Nhật Bản
Nhận thấy nguy cơ thiếu hụt nhân lực lớn trong hiện tại và tương lai, chính phủ và doanh nghiệp Nhật đã đưa ra nhiều đối sách, biện pháp cải thiện như sau.
Xây dựng chính sách khuyến khích sinh nở
Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ người dân kết hôn và sinh con. Một số chính sách tiêu biểu như: Hỗ trợ chi phí sinh con, chính sách nghỉ thai sản cho cả vợ và chồng, chính sách hỗ trợ miễn phí / giảm học phí các bậc giáo dục phổ cập cho trẻ em,…
Chính sách mở cửa tiếp nhận lao động người nước ngoài
Để cải thiện tình trạng già hoá dân số dẫn đến thiếu nhân lực, 29/07/ 2008, chính phủ Nhật đã công bố kế hoạch “300.000 sinh viên quốc tế” nhằm thu hút nhiều du học sinh tới Nhật. Bên cạnh đó, việc thay đổi và tiếp nhận lao động nước ngoài được thể hiện rõ về những loại hình visa mới xuất hiện như: “Nhân lực chất lượng cao”, “ Kỹ năng đặc định”,…
Thúc đẩy hoạt động M&A trong và ngoài nước
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, các doanh nghiệp Nhật đang tích cực mở rộng đầu tư, hoạt động M&A sang nước ngoài nhằm giải quyết nhiều vấn đề về chi phí nhân lực trong sản xuất, mở rộng thị trường, ….
Kết bài
Có thể thấy, việc thiếu hụt lực lượng lao động là vấn đề lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Trong tương lai, xu hướng tiếp nhận lao động nước ngoài cũng như đầu tư sang nước ngoài sẽ ngày càng trở nên phát triển tại Nhật. Với những quốc gia sở hữu lực lượng lao động trẻ, các chính sách mở cửa cho hoạt động đầu tư từ nước ngoài, cùng với chế độ chính trị ổn định như Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng thu hút doanh nghiệp Nhật Bản. ONE-VALUE với tư cách là đơn vị tư vấn chiến lược kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản – Việt Nam, mong muốn góp phần trở thành cây cầu kết nối giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh dịch vụ tư vấn kinh doanh, Hiện, ONE-VALUE đang triển khai các dịch vụ tư vấn khác như giới thiệu nhân lực, tư vấn giải pháp tuyển dụng và quản lý nhân lực cho doanh nghiệp và chính phủ Nhật Bản. Các đơn vị/ công ty có nhu cầu hợp tác – kết nối mảng nhân lực, vui lòng liên hệ tới chúng tôi.
Ý kiến