Gunze được biết đến là thương hiệu nội y lâu đời tại Nhật Bản. Được thành lập vào năm 1896 bởi ngài Tsurukichi Hatano tại Kyoto. Với hơn 125 năm phát triển, thương hiệu Gunze đã có mặt tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy vẫn là thương hiệu khá mới mẻ đối với người tiêu dùng Việt, Gunze đang trở thành cái tên khá hot đối với phụ nữ Việt trong những năm gần đây. Hãy cùng Japanbiz tìm hiểu hành trình từ một nhà máy sản xuất tơ lụa trở thành tập đoàn sản xuất nội y hàng đầu Nhật Bản của Gunze nhé!
Mục lục
Hoài bão của giáo viên tiểu học đến ông chủ tập đoàn may mặc Gunze
Vào những năm 1880, Tsurukichi Hatano là giáo viên tiểu học tại quê nhà. Chứng kiến cuộc sống nghèo khó của các học sinh con nhà trồng dâu nuôi tằm khiến ông không khỏi trăn trở và quyết tâm cải thiện ngành công nghiệp tơ lụa của địa phương.
Năm 1886, Hatano đã trở thành người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Tơ lụa Ikaruga-gun. Đây là bước đệm để ông thực hiện hoài bão hồi sinh ngành công nghiệp tơ lụa quê nhà. Được truyền cảm hứng bởi một nhân viên chính phủ tên Masana Maeda, Hatano coi việc phát triển nghề nuôi trồng và sản xuất tơ lụa là chính sách quan trọng của tỉnh Ikaruga-gun. Do đó, ông đã đặt tên cho công ty là Gunze. “Gun” ở trong Ikaruga-gun, quê nhà ông sinh sống, và “ze” tức chính sách, đường lối của địa phương.
Với niềm tin rằng “Người tốt làm ra sợ tơ tốt, người đáng tin sẽ làm ra sản phẩm đáng tin cậy” và rằng niềm tin sẽ ảnh hưởng đến hành động. Dựa trên triết lí đó, Hatano đã thiết lập một chương trình đào tạo nhân viên, mời những người tài giỏi về giảng dạy và quản lý nhà máy. Ông không chỉ chú trọng việc đào tạo mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần của mỗi nhân viên trong nhà máy.
4 Điều tuyệt vời ở Gunze
Tsurukichi Hatano
Chủ tịch Hatano và vợ sống ngay trong khuôn viên của nhà máy. Họ luôn mặt trang phục đi làm, tự tay chăm sóc từng góc của nhà máy. Hatano thỉnh thoảng tự tay quét các lối đi, còn vợ của ông thì hàng ngày chăm sóc các cây cảnh trong vườn.
Các cổ đông Gunze
Hầu hết cổ đông của Gunze là các nông dân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người chỉ nắm giữ một hoặc hai cổ phiếu. Hằng tháng, Hatano sẽ đến thăm họ và thu một, hai yên trả góp hằng tháng cho khoản đầu tư 20 yên/cổ phiếu của họ.
Cơ sở vật chất Gunze
Bên trong khuôn viên nhà máy Gunze có một dãy phòng học nhỏ để dạy cho các công nhân nữ. Qua đó cho thấy sự bình đẳng về cơ hội phát triển của cả nam và nữ ở Gunze.
Khách hàng Gunze
Hatano luôn khuyến khích các nhà thương mua kén tằm với giá cao nhất có thể. Ông còn bảo rằng: “Những người nuôi tằm là cổ đông quan trọng của tôi, họ là cha mẹ của những công nhân quan trọng đối với nhà máy chúng tôi”.
Hành trình từ nhà máy sản xuất lụa đến tập đoàn may mặc hàng đầu Nhật Bản của Gunze
Nội y dệt kim Gunze
Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Gunze bắt đầu sản xuất nội y dệt kim vào năm 1946 tại nhà máy Miyazu ở Kyoto. Với triết lý “Sản phẩm tốt sẽ thu hút khách hàng chất lượng”, nhà máy Miyazu cố gắng duy trì về chất lượng sản phẩm và được các cửa hàng bách hoá lớn ở Tokyo đánh giá cao.
Tất chân – bước chân đầu tiên vào lĩnh vực hàng may mặc
Vào đầu những năm 1930, việc sản xuất rayon được mở rộng ở Hoa Kỳ, tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu sợi tơ tằm của Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, Gunze đã tung ra sản phẩm tất thời trang dành cho phụ nữ để thúc đẩy nhu cầu về lụa, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của công ty vào lĩnh vực kinh doanh hàng may mặc.
Năm 1952, Gunze đã thành công trong việc sản xuất vớ thời trang bằng sợi nylon đầu tiên của Nhật Bản sau khi sự hợp tác phát triển ba năm với Toray Industries. Đặc biệt, Gunze đã sáng tạo ra sản phẩm tất chân không xê dịch bằng sợi nylon tricot với mẫu mã đẹp mắt cùng chất lượng tốt, đã gây sốt trong cộng đồng người tiêu dùng. Năm 1961, tất chân dài đã trở thành một cú hit.
Quần tất & Những thành công đầu tiên trong thị trường đồ nội y
Năm 1968, bắt kịp xu hướng yêu chuộng quần tất, Gunze cũng đã tạo ra nhiều sản phẩm quần tất được người tiêu dùng săn đó như SHEER-PENNE.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, Gunze tập trung phát triển sản phẩm mang lại giá trị mới cho người tiêu dùng. Bắt đầu bằng sản phẩm áo thun polo vào năm 1962. Gunze cũng thử sức ở thị trường quần áo ngủ cũng như thị trường áo khoác ngoài dành cho phụ nữ.
Năm 1965, Gunze bắt đầu sản xuất đồ lót dành cho phụ nữ, với các thương hiệu LOU và MONICA. Vào năm 1974, Gunze cũng đã tham gia vào lĩnh vực quần áo nội y cho trẻ em. Hoạt động kinh doanh hàng may mặc của Gunze ngày càng đa dạng.
Từ sản xuất len thô cho đến chỉ may công nghiệp tổng hợp
Để bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng về sợi tổng hợp thay thế sợi tự nhiên, Gunze đã tung ra ngành kinh doanh mới về chỉ và phụ kiện . Sau đó, Gunze bước vào lĩnh vực chỉ may bằng cách phát triển chỉ nylon len. Năm 1972, sản phẩm sợi polyester spun đã được đánh giá cao trên thị trường, dẫn đến doanh số bán chỉ cũng tăng lên đáng kể.
Ngược lại, ngành kinh doanh sợi tơ tằm bị thiếu kén tằm và nhu cầu tiếp tục giảm. Vào năm 1987, Gunze cuối cùng đã chấm dứt công việc kinh doanh đã kéo dài 91 năm kể từ khi công ty bắt đầu sản xuất lụa.
Tập đoàn hàng đầu trong sản xuất chỉ may Nhật Bản
Với sự gia tăng mạnh mẽ của hàng may mặc nhập khẩu khiến nhu cầu về chỉ khâu ở Nhật Bản có xu hướng giảm, Gunze đã thành lập Gunzetal Ltd. tại Hồng Kông vào năm 1972, và PT. Gunze Indonesia vào năm 1994. Đây là một phần trong chiến lược của Gunze nhằm chuyển cơ sở sản xuất / bán chỉ may ra bên ngoài Nhật Bản. Kể từ đó, doanh số bán chỉ khâu của Gunze đã không ngừng mở rộng, chủ yếu ở Trung Quốc cũng như Đông Nam Á bao gồm cả Indonesia.
Tại Nhật Bản, chỉ may của Gunze được đánh giá cao về chất lượng, duy trì vị thế của công ty là nhà sản xuất chỉ may hàng đầu tại Nhật Bản.
Sáng kiến mới cho thế hệ tương lai của Gunze
Hiện nay, để hưởng ứng chiến dịch Cool Biz, Warm Biz của bộ Môi trường Nhật Bản, nhằm giảm lượng tiêu thụ điện vào mùa hè và mùa đông, Gunze tập trung phát triển dòng sản phẩm thời trang theo mùa.
Để đảm bảo người mặc thoải mái khi làm việc ở nhiệt độ phòng cao hơn 28ºC vào mùa hè và thấp hơn 20ºC vào mùa đông, Gunze đã giới thiệu trang phục bên trong ứng dụng các công nghệ độc quyền của Gunze, chẳng hạn như COOLMAKE, có tính năng hút / thoát hơi ẩm cao để tạo cảm giác mát mẻ và HOTMAGIC, chất liệu tạo nhiệt được thiết kế để biến mồ hôi và hơi ẩm của cơ thể thành nhiệt.
Tóm lại, nhờ hoài bão phát triển ngành sản xuất tơ lụa quê hương, Hatano từ một giáo viên tiểu học trở thành ông chủ tập đoàn may mặc lâu đời của Nhật Bản. Nhờ triết lí kinh doanh xem trọng chất lượng sản phẩm cũng như tinh thần không ngại thử sức ở nhiều lĩnh vực mới, Gunze, từ nhà máy sản xuất tơ lụa nay đã trở thành tập đoàn may mặc, không chỉ riêng nội y mà còn có rất nhiều sản phẩm thời trang khác.
Ý kiến