Khi bộ tiêu chuẩn ESG dần trở nên phổ biến ở châu Âu, châu Mỹ, các nhà đầu tư lớn ở châu Á cũng bắt đầu kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư. Bộ tiêu chuẩn ESG ở Nhật cũng đang trở thành xu hướng mới của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có trách nhiệm.
ESG là gì
ESG (Environmental, Social and Governance Criteria) là tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị. ESG là một bộ các tiêu chuẩn mà các nhà đầu tư dùng để đánh giá tiềm năng của các doanh nghiệp dựa trên ba yếu tố: môi trường, xã hội, và quản trị.
Yếu tố môi trường đánh giá ảnh hưởng của công ty đến tự nhiên, ví dụ như cách công ty sử dụng tài nguyên, các biện pháp bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn xã hội đánh giá cách công ty đãi ngộ với nhân viên cũng như đóng góp cho cộng đồng. Cuối cùng đó là yếu tố quản trị, đánh giá về lãnh đạo, cấp điều hành của công ty, tình hình kiểm toán, quản lý nội bộ và quyền của cổ đông.
Tiêu chuẩn ESG tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, từ thời kỳ Tokugawa 400 năm về trước, khái niệm shuchu kiyaku (舟中規約 ) đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến lợi ích của cộng đồng bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp. Shuchu kiyaku (舟中規約 ) đã trở thành bí quyết giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có thể phát triển bền vững và lâu dài. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Centennial (Tokyo), Nhật Bản chiếm hơn 40% số lượng công ty hơn 100 năm tuổi trên toàn thế giới.
Hiện nay, khi tiêu chuẩn ESG dần trở nên phổ biến ở châu Âu, châu Mỹ, các nhà đầu tư lớn ở châu Á, trong đó có Nhật Bản cũng bắt đầu tham chiếu bộ tiêu chuẩn ESG. Truyền thống áp dụng shuchu kiyaku (舟中規約 ) lâu đời giúp các doanh nghiệp Nhật tiếp thu nguyên tắc đầu tư ESG một cách dễ dàng hơn và trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.
Quan điểm đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang dần chú trọng hơn đến các vấn đề về môi trường và xã hội. Trong năm 2017, Quỹ đầu tư hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF) quyết định ủng hộ bộ tiêu chuẩn ESG, là bước ngoặt trong việc đầu tư bền vững tại châu Á. Năm 2020, Quỹ đầu tư GPIF, hợp tác cùng Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) và Đại học Tokyo, công bố kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào giải pháp mới, tạo ra một xã hội siêu thông minh (Society 5.0), lấy con người làm trung tâm và phải đảm bảo sự phát triển bền vững theo mục tiêu SDG do Liên Hiệp Quốc đặt ra. Không những thế, Cơ quan Dịch vụ Tài chính đã sửa đổi Bộ luật quản lý vào năm 2019 để cân nhắc tầm ảnh hưởng của ESG trong việc giảm thiểu rủi ro và cơ hội tăng trưởng, hướng dẫn các nhà đầu tư các tính toán độ bền vững trong chiến lược đầu tư của họ.
Bên cạnh sự tăng lên về số lượng các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của ESG, tài sản bền vững được quản lý bởi Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần từ năm 2016 đến 2018, lên tổng số 2,2 nghìn tỷ USD, giúp Nhật Bản trở thành nhà đầu tư bền vững lớn thứ ba trên thế giới.
Qua đó có thể thấy rằng, kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư đang là xu hướng của các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, và các nhà đầu tư có trách nhiệm nói chung.
Vì sao tiêu chuẩn ESG quan trọng với các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật bản?
Đầu tư có trách nhiệm sẽ khiến các nhà đầu tư phải đánh đổi, bởi có những công ty “xấu”, nhưng lợi nhuận cao. Mặc dù bị hạn chế về lợi nhuận tiềm năng, số lượng các nhà đầu tư tham chiếu bộ tiêu chuẩn ESG ngày càng tăng bởi một số lí do sau.
Các nhà đầu tư áp dụng nguyên tắc đầu tư ESG để gây sức ép giúp thay đổi hành vi của doanh nghiệp về các vấn đề về lao động hoặc biến đổi khí hậu. Một số quỹ đầu tư lớn sẵn sàng thoái vốn tại các công ty không tuân thủ quan điểm bền vững của họ. Ví dụ như Tập đoàn tài chính lớn thứ hai Nhật Bản Mitsubishi UFJ vào tháng 5 năm 2019 đã tuyên bố không đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Ngoài lợi ích về đạo đức, các tiêu chí ESG cũng có những lợi ích thực tiễn. Bộ tiêu chuẩn ESG giúp các nhà đầu tư sàng lọc được các công ty có các rủi ro tiềm ẩn. Điển hình như vụ bê bối khí thải của Volkswagen đã làm giá cổ phiếu suy giảm nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng tỷ đô la. Vào tháng 2 năm 2021, hãng bia Kirin Nhật Bản đã chấm dứt liên doanh với MEHL, tập đoàn sở hữu bởi quân đội Myanmar để tránh những rủi ro liên quan đến nhân quyền và môi trường.
Đối với các công ty, việc tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn ESG giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo được giá trị lâu dài cho doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường và cống hiến cho xã hội sẽ ghi điểm trong mắt nhà đầu tư. Nhờ đó, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn đầu tư khổng lồ hơn.
Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng doanh số của công ty, và tăng những rủi ro về vốn.
Ý kiến