Nhiều công ty Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2023, số liệu được thu thập trong báo cáo thu nhập của năm nay. Việc bình thường hóa hoạt động kinh tế sau cuộc khủng hoảng do Covid-19 và sự mất giá của đồng yên đã thúc đẩy thu nhập, đặc biệt là tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực ô tô và giải trí. Một số công ty đã điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận ròng cho cả năm kết thúc vào tháng 3 tới. Hãy cùng Japanbiz tìm hiểu tình hình kinh doanh tại Nhật nửa đầu FY 2023 trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Kinh doanh tại Nhật nửa đầu FY 2023 giảm bớt tình trạng thiếu chip
Một cuộc khảo sát của SMBC Nikko Securities về các báo cáo kết quả kinh doanh từ tháng 4 đến tháng 9 được công bố bởi 706 công ty thuộc chỉ số Topix của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho thấy “chỉ số 392”, tức là hơn một nửa số lượng công ty trong danh sách này đã ghi nhận lợi nhuận ròng cao hơn so với một năm trước.
Lợi nhuận ròng tổng hợp của 706 công ty đã tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, với mức tăng trưởng là 18,0% đối với các nhà sản xuất và 11,0% đối với các công ty phi sản xuất. Trong tổng số đó, 206 công ty đã nâng dự báo lợi nhuận cả năm, vượt xa con số 86 công ty như dự báo trước đó.
1. Toyota có nhiều khởi sắc về doanh thu
Lợi nhuận ròng hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 9 của Toyota đã tăng hơn gấp đôi lên mức kỷ lục 2,58 nghìn tỷ Yên, nhờ những tiến bộ trong nỗ lực bình thường hóa sản xuất xe sau khi tình trạng thiếu chất bán dẫn giảm bớt. Phó chủ tịch điều hành Toyota – Yoichi Miyazaki cho biết: “Chúng tôi đã tăng cường dòng sản phẩm ô tô của mình, bao gồm cả những mẫu xe có tỷ suất lợi nhuận cao như xe hybrid”. Hiện tại, sản lượng xe của nhà sản xuất ô tô hàng đầu Nhật Bản đang vượt xa kế hoạch một chút.
Masatoshi Kikuchi, chiến lược gia về vốn cổ phần tại Mizuho Securities, cho biết: “Toyota đã đạt được doanh số bán xe vững chắc”. Ông nói thêm, đồng yên yếu hơn cũng góp phần vào sự tăng trưởng lợi nhuận của Toyota. Toyota đã nâng dự báo lợi nhuận hoạt động cả năm của tập đoàn lên 4,5 nghìn tỷ Yên từ mức 3 nghìn tỷ Yên và đang trên đường trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên kiếm được lợi nhuận hoạt động hàng năm vượt quá 4 nghìn tỷ Yên.
2. SUBARU phát triển với nhiều tín hiệu khả quan
Lợi nhuận ròng hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 9 của công ty SUBARU đạt 150,9 tỷ yên, gần gấp đôi lợi nhuận năm trước. Về số lượng, doanh số bán xe trên toàn thế giới của hãng tăng 17,8%, một phần phản ánh nhu cầu tăng nhanh ở thị trường Bắc Mỹ.
Chiến lược định giá thành công
Lợi nhuận ròng của tập đoàn Oriental Land đang điều hành Tokyo Disney Resort đã tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 54,5 tỷ yên trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9, được thúc đẩy nhờ sự phổ biến của các sự kiện đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập Tokyo Disneyland và lượng du khách nước ngoài phục hồi ổn định.
Theo Phó chủ tịch điều hành Yuichi Katayama, mặc dù công ty đặt ra giới hạn về số lượng du khách nhưng “doanh số bán hàng trên mỗi khách hàng đã đạt mức cao kỷ lục”. Một quan chức của công ty chứng khoán Nhật Bản cho biết “Chiến lược định giá của tập đoàn Oriental Land đã thành công”, đồng thời lưu ý rằng số lượng du khách đến Tokyo Disneyland và Tokyo DisneySea không hề giảm trong thời gian qua.
Tuy nhiên, với mức lương thực tế tiếp tục giảm do lạm phát, có rất ít cơ hội để hi vọng tích cực trong việc chi tiêu cá nhân. Nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng Yamada Holdings đã ghi nhận doanh số bán điều hòa tăng mạnh nhờ nắng nóng gay gắt của mùa hè. Tuy nhiên, công ty vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng hợp nhất cả năm ở mức 31,9 tỷ Yên, chỉ tăng 0,2% so với năm trước do doanh số bán tivi và máy tính cá nhân tăng khá chậm. Trong nửa đầu tháng 4 đến tháng 9, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 24,9% so với một năm trước xuống còn 13,2 tỷ Yên.
Nhật Bản gặp khó khăn còn do ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc
Các nhà sản xuất thép và hóa chất gặp khó khăn trước sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Lợi nhuận ròng của tập đoàn Nippon Steel và JFE Holdings bị giảm lần lượt 19,4% và 10,7% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9/2023. Sumitomo Chemical đã lỗ ròng hợp nhất 76,3 tỷ Yên trong 6 tháng đầu năm, so với lợi nhuận ròng năm trước là 81 tỷ Yên, do nhu cầu về hóa dầu và các sản phẩm khác giảm.
Chủ tịch Keiichi Iwata cho biết: “Chúng tôi đang ở trong tình thế nguy cấp nhất kể từ khi thành lập”. Các nhà phân tích cho biết, có những lo ngại rằng hoạt động của các công ty Nhật Bản, đặc biệt là những công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc có thể xấu đi trong tương lai, tùy thuộc vào xu hướng kinh tế trong tương lai.
Vẫn còn nhiều biến động với nền kinh tế Nhật Bản nói chung và doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng. Dưới nhiều tác động của chính phủ cũng như xu hướng của người tiêu dùng, những tín hiệu khả quan của nền kinh tế đã xuất hiện và tình hình kinh doanh tại Nhật nửa đầu FY 2023 đã tích cực hơn.
Ý kiến