Không thể phủ nhận những năm gần đây, Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi những hợp tác kinh tế, hoạt động thương mại giữa hai nước đã vươn lên một tầm phát triển mới. Bất chấp những bất cập trong suốt 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Nhật Bản vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đều đặn qua từng năm.
Mục lục
Tình hình Thương mại Việt – Nhật trong những năm gần đây
Thương mại Việt – Nhật 2021
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng thương mại Việt Nam-Nhật Bản vẫn đạt tới 42,8 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 20,13 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm 2020. Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu hàng hoá từ Nhật Bản đạt gần 22,65 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2020 với các mặt hàng chủ yếu như máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng,… Nhìn chung, các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật trong năm 2021 đều có xu hướng tăng so với năm 2020.
Trong năm 2021, về xuất khẩu, Việt Nam cũng có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt kim ngạch xuất khẩu lớn đó là hàng dệt may đạt 3,23 tỷ USD chiếm 16%, máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,56 tỷ USD chiếm 12,7%. Nhóm phương tiện vận tải thì đạt 2,47 tỷ USD chiếm 12,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên một số mặt hàng có dấu hiệu giảm so với năm 2020 là điện thoại và linh kiện giảm 15,4%; túi xách, ví, vali, mũ và ô giảm 24,3%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 6,5%; thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 17%; quặng và khoáng sản giảm 24,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 77,6%.
Thương mại Việt – Nhật 2022
Sang đến năm 2022, chỉ trong 8 tháng đầu kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Nhật đã đến 31,8 tỷ USD tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu hàng hoá Nhật đạt 16 tỷ USD, tăng 9,6% với các mặt hàng nhập khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ các loại, hoá chất và các sản phẩm từ sắt thép khác. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật đạt 15,8 tỷ USD, tăng 18,7% gồm các nhóm mặt hàng xuất khẩu chính là dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ; hàng thủy, nông, lâm sản; nhựa và các sản phẩm từ nhựa;…
Thế mạnh phát triển của Việt Nam
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Bộ Công Thương, Nhật Bản cũng là quốc gia đối tác đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhiều nhất với nước ta. Vì vậy Việt Nam và Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực.
Chưa kể hiện nay nhóm sản phẩm mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu khá đa dạng mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng trở thành nguồn cung ứng chính như thực phẩm chế biến, nông sản, trái cây, các sản phẩm từ gạo, hàng thuỷ hải sản,…Việt Nam cũng đã và đang xuất khẩu một vài sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biễn sẵn sang Nhật Bản như sữa dừa, nước dừa, cà phê,… tuy nhiên mới chỉ ở mức độ phục vụ chủ yếu cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật mà chưa mở rộng phân phối tới các hệ thống siêu thị lớn và các sản phẩm cung cấp cũng chưa được phong phú, đa dạng để tiếp cận được người dân bản địa.
Dù vậy cũng không thể bỏ qua bước đột phá của việc xúc tiến thương mại hiệu quả khi vào tháng 6/2020, khi vải thiều của Việt Nam cuối cùng cũng vượt qua những tiêu chuẩn đánh giá khắt khe của Nhật Bản để được xuất khẩu và bày bán rộng rãi tại những hệ thống siêu thị AEON của Nhật, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của chất lượng nông sản Việt.
Thừa thắng xông lên, Việt Nam một lần nữa khẳng định vị thế chất lượng sản phẩm khi hạt gạo Việt ST25 được sử dụng trở thành bữa ăn cung cấp cho các cán bộ của Nội các Nhật Bản thông qua công ty Nikkokutrust – một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp bữa ăn cho các trường học, cơ quan công sở tại Nhật. Đây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trên đà phát triển và sẽ còn gắn kết bền chặt hơn trong tương lai.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại Việt Nam-Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội đầu tư phát triển mới cho doanh nghiệp hai nước
Đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Nhật Bản
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Chủ Tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho rằng Việt Nam có thế mạnh về nông, thuỷ sản, có những mặt hàng phù hợp với nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản. Tuy nhiên, muốn đưa nông sản Việt, hay bất kỳ một mặt hàng nào khác, tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản thì Việt Nam cần phải được nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để đáp ứng về những tiêu chuẩn chất lượng, cũng như vượt qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt của phía Nhật Bản. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, sức mạnh doanh nghiệp, xây dựng được thương hiệu mạnh và cần chủ động tìm kiếm thị trường và những khách hàng phù hợp.
Với mong muốn xúc tiến mạnh mẽ thương mại giữa hai nước, đưa nông sản và ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Nhật. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, kết nối đối tác và đạt được những cơ hội kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản, Cục Xúc Tiến Thương Mại của Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) đã tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm chế biến Việt Nam-Nhật Bản 2022” vào hai ngày 23-24/6/2022.
Tại đây sau khi được nghe ý kiến từ các chuyên gia trình bày về cơ hội hợp tác và đầu tư ngành thực phẩm chế biến hay thông tin về thị trường và nhu cầu của thị trường Nhật Bản về ngành thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp giữa hai nước sẽ trực tiếp trao đổi và tiến hành các phiên trao thương, tạo ra những cơ hội hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Nhật Bản.
Ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ về những kế hoạch nhằm hỗ trợ nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường Nhật Bản cho biết Thương vụ đang phối hợp với các đơn vị của Nhật Bản để xây dựng một kế hoạch kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Qua đó sẽ giới thiệu 110 đặc sản đến từ 63 tỉnh, thành của Việt Nam và 47 tỉnh của Nhật Bản với mục đích đưa sản phẩm vùng miền địa phương của hai nước tới gần hơn tới tay người tiêu dùng.
Thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam
Không chỉ chú ý tới các mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng vô cùng để tâm tới thị trường trong nước của chúng ta, khẳng định Việt Nam là điểm đến sáng giá và mong muốn đặt văn phòng phát triển tại thị trường Việt Nam. Theo kết quả khảo sát mới nhất do JETRO thực hiện nhắm tới các công ty Nhật Bản ở nước ngoài, có tới 55% công ty trả lời có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới, cao nhất trong số các quốc gia vùng ASEAN.
Chẳng hạn như công ty Onaga vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, ô tô tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Không chỉ ký hợp đồng thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ công ty cho phía Việt Nam mà chủ tịch công ty Onaga, ông Onaga còn khẳng định rằng thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng về ngành công nghiệp phụ trợ đang chờ được khai thác. Ông cũng đảm bảo rằng với sự hợp tác win-win đôi bên cùng có lợi, công ty sẽ truyền lại những kinh nghiệm, bí quyết, kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt.
Những thử thách và cơ hội cho ngành thương mại của Việt Nam trong tương lai
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam vẫn còn bị hạn chế về mặt thu mua nguyên liệu đầu vào, chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ các nước láng giềng và Trung Quốc. Đây sẽ là những hạn chế, khó khăn còn tồn đọng trong quá trình thu hút doanh nghiệp nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, việc quan trọng nhất là các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng tăng cường vận dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của nước bạn để đầu tư nguồn lực phục vụ, chuyển đổi sản xuất và nâng cao năng suất công việc.
Đặc biệt, Việt Nam cần tập trung phát triển những lĩnh vực có nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật ví dụ phát triển bền vững (SDGs); nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản; chuyển đổi số trong các ngành nông nghiệp nền tảng;…để củng cố vị trí, quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Nhật Bản, nhất là trong thời kỳ có nhiều biến động toàn cầu như hiện nay.
Ý kiến