Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam. Việc tăng cường và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết công ăn việc làm và cải thiện đời sống an sinh cho người dân Việt Nam. Vậy tình hình xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản của nước ta hiện nay đang phát triển như thế nào?
Mục lục
- Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và những tác động to lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia
- Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản của Việt Nam đã và đang phát triển như thế nào?
- Một số khó khăn của việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản
Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và những tác động to lớn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia
Kết quả xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài nhiều năm qua đã cho thấy thực tế rằng, ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn của nước ta. Đây là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia, đa dạng các lực lượng lao động đều có thể tham gia sản xuất, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra nước ngoài nói chung và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản nói riêng luôn được chính phủ nước ta hết sức quan tâm. Đây là lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy chính sách hữu hiệu giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn và giải quyết đáng kể vấn đề thu nhập cho các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa,…
Thống kê từ năm 2012 đến nay, các chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng để triển khai tổ chức, thực hiện các đề án hỗ trợ hơn 6000 doanh nghiệp, hợp tác xã liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cũng đã được mang đến giới thiệu ở nhiều hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài nước ở các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Đây chính là những cơ hội tuyệt vời để các sản phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường nước ngoài và mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh với các quốc gia trên khắp thế giới.
Thực tế thì việc phát triển các sản phẩm thủ công cũng là một cách để các doanh nghiệp địa phương có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại. Các vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, độ an toàn khi sử dụng, mức độ thân thiện với môi trường rất được người dùng quan tâm. Các sản phẩm thủ công hầu hết đều sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hoặc tận dụng và tái chế từ các nguyên liệu đã qua sử dụng, góp phần đáng kể vào việc xả thải ra môi trường. Từ đó tạo nên một thị trường thương mại văn minh và bình đẳng hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung được nhà nước chú trọng. Việc đảm bảo sự ổn định và bền vững cho việc xuất khẩu các sản phẩm thủ công sẽ tạo nên giá trị thương mại cao hơn cho các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam cũng như đảm bảo thị trường xuất khẩu tốt hơn cho các sản phẩm. Đây cũng là định hướng mà nhà nước ta liên tục thực hiện qua nhiều Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương nhằm hỗ trợ phát triển các ngành hàng xuất khẩu trong đó có ngành thủ công mỹ nghệ và các dự án hợp tác quốc tế.
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản của Việt Nam đã và đang phát triển như thế nào?
1. Quá trình “phủ sóng” của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam với thị trường nước ngoài
Tính tới thời điểm hiện tại các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã xuất khẩu đến 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Số liệu thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thì cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ sẽ mang lại lợi nhuận gấp 5 – 10 lần so với các ngành nghề mang tính khai thác khác. So với giá vốn phải bỏ ra cũng như so với nhiều ngành nghề khác, những tiềm năng mà việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mang lại là rất lớn.
Đó là chưa kể đến việc xuất khẩu hàng thủ công ra nước ngoài còn giúp giải quyết đáng kể các vấn đề liên quan đến việc làm cho người lao động. Ngành thủ công mỹ nghệ ở nước ta hiện nay đã giúp tạo ra việc làm cho từ 3000 – 5000 lao động, giúp cải thiện thu nhập cũng như tạo cơ hội việc làm cho nhóm người lao động ở những vùng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngành hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm ngành có tiềm năng xuất khẩu rất lớn và mang lại tỷ suất lợi nhuận cao cho nước nhà. Các lãnh đạo kinh tế cũng đánh giá đây chính là ngành hàng mũi nhọn cần tập trung phát triển trong các năm tới để gia tăng giá trị cho đất nước.
Trên toàn nước ta hiện nay có khoảng 2.556 làng nghề chuyên thực hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhờ vậy đã tạo nên việc làm cho khoảng hơn 5,2 triệu lao động ở vùng nông thôn. Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia có lực lượng dân số vàng do đó, việc phát triển các làng nghề thủ công giúp cải thiện đáng kể những cơ hội việc làm cho người lao động. Việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng giúp mang lại một nguồn ngoại tệ có một tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu.
2. Tiềm năng phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Nguồn nguyên liệu phong phú
Các mặt hàng thủ công ở nước ta hiện nay có lợi thế phát triển rất lớn vì không bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài (ước tính chỉ chiếm từ 3 – 3,5% giá trị xuất khẩu). Đó cũng là lý do mà ngành hàng này được đánh giá là có tính nội địa hóa rất cao và tạo nên cơ sở phát triển vững chắc cho Việt Nam nếu được phát triển một cách có chiều sâu hơn nữa.
Lực lượng lao động trẻ
Thêm vào đó, Việt Nam đang sở hữu thế mạnh về lực lượng lao động trẻ do đó khả năng học hỏi, tiếp thu và ứng dụng kiến thức mới, công nghệ mới vào sản phẩm cũng được phát triển hiệu quả hơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để có thể cải tiến các sản phẩm thủ công cũng như mang lại cho chúng những sản phẩm với vẻ ngoài tân tiến và hiện đại hơn nhiều. Một sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa mang nét truyền thống vừa có thể cải thiện những vấn đề về mặt ngoại hình, giúp sản phẩm thu hút hơn chắc chắn sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tăng trung bình 9,5%/năm, tức từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019). Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất của Việt Nam, với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra, các thị trường kinh tế lớn khác như EU (Pháp, Anh, Đức, Hà Lan,…), Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,… đều là các thị trường tiềm năng của ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Đó là lí do mà việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản luôn được chính phủ chú trọng.
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ chính của Việt Nam
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chính của Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào 5 nhóm mặt hàng chính gồm:
- Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù
- Hàng gốm sứ
- Các sản phẩm mây, tre, cói, thảm
- Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận
- Gỗ mỹ nghệ
Hầu hết các sản phẩm chủ yếu tập trung vào mặt hàng quà tặng và lưu niệm, thời trang nên được nhiều khách nước ngoài khá ưa chuộng. Không chỉ phục vụ cho thị trường xuất khẩu mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng dành được nhiều sự quan tâm của khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, với con số thống kế chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu, tương đương khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng để có sự phát triển một cách chiến lược.
Một số khó khăn của việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản
Thực tế thì việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản từ lâu đã rất được nhà nước chú trọng, tuy nhiên những khó khăn của thị trường và các mặt hàng này vẫn luôn hiện hữu. Nhật Bản luôn được đánh giá là một thị trường khó tính và đòi hỏi rất cao ở các mặt hàng nhập khẩu, chính vì thế, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa để có thể chinh phục được thị trường này.
1. Nhật Bản – một thị trường “khó tính”
3 tiêu chí xét chọn của người tiêu dùng Nhật Bản
Tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao vào Nhật Bản”, ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản cho rằng có 3 yếu tố chính mà người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm khi lựa chọn bất cứ sản phẩm nào:
- Nguyên liệu được dùng để sản xuất sản phẩm đó là gì
- Nhà sản xuất đã áp dụng những phương pháp và công nghệ nào để tạo ra sản phẩm
- Sản phẩm thể hiện tính truyền thống của quốc gia như thế nào – đây cũng là yếu tố quan trọng nhất trong việc người Nhật đánh giá một sản phẩm. Họ tin rằng, yếu tố bản địa sẽ thể hiện rõ nhất cái “hồn” của dân tộc và tính độc đáo của từng sản phẩm.
Vậy nên để có thể tạo nên chỗ đứng vững chắc trên thị trường Nhật Bản và dành được sự ủng hộ to lớn của người dân xứ sở Phù Tang, các doanh nghiệp hoạt động trong phân khúc hàng thủ công mỹ nghệ cần biết cách tạo ra những sản phẩm chất lượng và có khả năng ứng dụng cao trong đời sống hàng ngày của người dân. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hàng hóa đến từ Trung Quốc tạo nên nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt.
Văn hoá tiêu thụ hàng hoá theo mùa
Ngoài ra, còn một yếu tố khác mà doanh nghiệp Việt cần lưu tâm để chinh phục thị trường này chính là người Nhật thường tiêu thụ hàng hóa theo mùa vụ. Vậy nên chu kỳ tiêu thụ của sản phẩm cũng rất ngắn, do đó các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần nhanh nhạy trong việc tiếp cận thị trường và xây dựng những sản phẩm đáp ứng chính xác nhu cầu của người tiêu dùng tại Nhật Bản. Đó là cách để việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản đạt được hiệu quả cao nhất.
2. Yêu cầu khắt khe đối với các sản phẩm xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản
Chất liệu thân thiện với môi trường
Người Nhật ngày nay dành nhiều sự quan tâm và ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đây chính là lợi thế cho các việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản. Tuy nhiên, người tiêu dùng Nhật Bản có những yêu cầu và đòi hỏi cực kỳ khắt khe đối với chất lượng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm phải đáp ứng từ chất liệu thân thiện với môi trường, đẹp về mặt hình thức và trang nhã, tinh tế, có tính ứng dụng cao, sử dụng được trong thời gian dài chính là những yếu tố mà người Nhật quan tâm.
Chất lượng vượt trội
Chẳng hạn đối với các mặt hàng gốm sứ như ấm, chén, bát đĩa, ngoài việc phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất liệu bền, chịu nhiệt tốt thì còn phải mỏng, nhẹ để dễ sử dụng hơn cho người già và trẻ em. Đây là một điểm yếu mà các sản phẩm gốm sứ của Việt Nam vẫn chưa khắc phục được kể cả là những thương gốm sứ có tiếng trong ngành. Gốm Việt Nam đa phần vẫn còn khá nặng và thô với thành phẩm. Khắc phục được điểm yếu này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường một cách mạnh mẽ sản lượng của việc xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản.
Bên cạnh đó, yếu tố chất liệu của hàng hóa cũng là thế mạnh để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản. Các sản phẩm thủ công của nước ta chủ yếu được sản xuất các nguyên liệu thuần tự nhiên, chưa qua can thiệp công nghiệp như lá, mây, tre,… Tuy nhiên nên là những thành phần kết hợp sẽ giúp tăng độ bền cho sản phẩm và dễ dàng hơn cho người Nhật trong việc sử dụng sản phẩm.
Công năng rõ ràng
Theo chia sẻ của Ông Hiroshi Sakamoto, một chuyên gia về hàng trang trí nội thất, Chủ tịch Công ty cổ phần The Sense of Life, hầu hết các khách hàng Nhật Bản vốn thực dụng nên họ rất quan tâm tới hiệu quả sử dụng cũng như độ bền và tính ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Họ đòi hỏi đó phải là những sản phẩm độc đáo, tiện lợi, dễ sử dụng nhưng cũng cần có độ bền cao, sử dụng được trong thời gian dài và ở bất cứ đâu đều phù hợp. Người Nhật cũng chọn lối sống tối giản nên việc sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cồng kềnh và công năng không rõ ràng, chắc chắn sẽ không được ưa chuộng.
3. Thiết kế sản phẩm chính là yếu tố then chốt giúp chinh phục thị trường Nhật Bản
Đây là kết luận của ông Takayoshi Nagashima – Chủ tịch Công ty AIK về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Các sản phẩm phải đáp ứng được các yếu tố về sự độc đáo, mới lạ, tinh tế, thu hút người dùng ngay từ ánh mắt đầu tiên. Hầu hết các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn sản xuất sản phẩm với thiết kế như khi xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.
Những sản phẩm các bộ bàn ghế bằng gỗ gụ, gỗ táu to, nặng, có độ bền cao cực kỳ được ưa chuộng ở các nước châu Âu nhưng không thể bán được tại Nhật Bản. Đó là minh chứng cho sự khác biệt trong ý thức tiêu thụ hàng hóa của người châu Âu và người Nhật Bản. Các chuyên gia về thiết kế nhận định, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nghèo nàn về kiểu dáng. Chất lượng sản phẩm rất tốt, thể hiện xuất sắc các yếu tố truyền thống nhưng lại chưa thể tạo ấn tượng với người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Do đó, muốn xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản thành công và đạt được những cột mốc ấn tượng trong doanh số, các làng nghề và các đơn vị chuyên về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần phải biết cách thiết kế sản phẩm và bảo vệ sản phẩm tốt nhất. Lợi nhuận có thể quan trọng nhưng chính các yếu tố này sẽ khiến cho doanh nghiệp tồn tại lâu dài hơn ở thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sang Nhật Bản là một kênh xuất khẩu mang lại nhiều lợi nhuận và phát triển kinh tế Việt Nam. Và để có thể duy trì sự thành công của việc xuất khẩu này trong thời gian dài, các doanh nghiệp cần hiểu đúng và hiểu đủ những yêu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản, để từ đó xây dựng chính xác phương án chinh phục thị trường. Một thị trường bền vững và ổn định chính là thị trường tiềm năng nhất cho việc phát triển kinh tế quốc gia. Lợi nhuận có thể chưa thật sự ấn tượng ở thời điểm này nhưng về lâu dài đó chính là cán cân quan trọng trong nền kinh tế quốc gia chúng ta.
Tham khảo thêm:
Ý kiến