Nhật Bản là một siêu cường về kinh doanh lâu đời. Nước này hiện có hơn 33.000 doanh nghiệp ít nhất 100 năm tuổi. Số lượng này chiếm hơn 40% tổng số toàn cầu; theo Viện nghiện cứu Centennial Management. Ngoài ra, nước này có hơn 3.100 doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất 200 năm; khoảng 140 doanh nghiệp trên 500 tuổi; và ít nhất 19 doanh nghiệp được cho là đã tồn tại hơn 1.000 năm. (Một số công ty lâu đời nhất, trong đó có Ichiwa, không thể truy vết thành lập từ nghìn năm trước nhưng lịch sử của họ được chính phủ và các học giả công nhận).
Mục lục
- Các doanh nghiệp lâu đời “Shinise” – niềm tự hào của Nhật Bản
- Cửa hàng bán bánh mochi nướng Ichiwa hoạt động từ năm 1000
- Khách sạn cổ xưa nhất thế giới tại Yamanashi – Nhật Bản
- Bí quyết duy trì doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm của Nhật Bản là gì?
- Ưu tiên số một: Trường tồn
- Tôn trọng truyền thống
- Năng lực cốt lõi và dịch vụ khách hàng
- Nói không với rủi ro, tích lũy tiền mặt
- Truyền thống có ảnh hưởng tới đổi mới?
- Bức tranh trái ngược giữa Start-up và Shinise tại Nhật Bản
- Thách thức đổi mới
- Dù vậy, các Shinise cũng không tránh được những thách thức của thời cuộc.
- Với một số công ty, đó là điều chỉnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.
- Với một số khác, theo kịp thời đại là điều không dễ dàng.
- Một số công ty đã phải đóng cửa vì chủ nhân không thể tìm được người kế nghiệp.
- Lịch sử lâu đời cũng là một loại áp lực cho người kinh doanh
Các doanh nghiệp lâu đời “Shinise” – niềm tự hào của Nhật Bản
Những doanh nghiệp này, còn được gọi là “shinise” trong tiếng Nhật, là cội nguồn của niềm tự hào và cả sự mê hoặc. Yoshinori Hara, Phó giáo sư tại Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Kyoto, cho biết những doanh nghiệp lâu đời, ít nhất 100 năm tuổi, được gọi là ‘shinise’ trong tiếng Nhật. Có nghĩa là ‘cửa hàng cổ xưa’. Sản phẩm của họ được chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá. Bí quyết thành công của họ được đưa vào trong các giáo trình về quản trị kinh doanh và các cẩm nang du lịch địa phương dành nhiều trang để nói về họ.
Một số shinise nổi tiếng có thể kể đến như:
Nhà Trà 900 năm tuổi Tsuen Tea ở Kyoto, Nhật Bản
Nhà Trà Tsuen Tea’ nhìn ra một dòng sông lớn uốn lượn qua vùng ngoại ô ngủ yên của cố đô Kyoto. Trong phối cảnh thành phố nổi tiếng với những ngôi đền chùa đẹp cổ kính này, đó là một kiến trúc không mấy ấn tượng, chỉ là một nơi yên tĩnh để thưởng trà hoặc ăn kem.
Điều đặc biệt về Tsuen Tea
Nơi này đã được mở cửa từ năm 1160 và được tuyên bố là quán trà còn hoạt động cổ xưa nhất thế giới. Vẫn ở vị trí ban đầu bên cạnh Cầu Uji, nơi đây chuyên phục vụ nhiều loại trà xanh hảo hạng. Tòa nhà hiện tại vẫn không thay đổi kể từ năm 1673. Gia đình Tsuen đã phục vụ trà tại địa điểm này qua 24 thế hệ. Nơi đây đang được điều hành bởi anh Yusuke Tsuen, 38 tuổi. ‘Chúng tôi tập trung vào chè và không mở rộng kinh doanh quá nhiều. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn đang sống sót’, Yusuke cho biết.
Có thể không quá ngạc nhiên khi Nhà Trà 900 tuổi này vẫn tồn tại ở một thành phố nổi tiếng với văn hóa truyền thống Nhật Bản nhưng điều ngạc nhiên nằm ở chỗ Tsuen không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2008, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc từng công bố báo cáo về 5.586 công ty hơn 200 năm tuổi tại 41 quốc gia, thì có tới 56% là doanh nghiệp Nhật Bản.
Cửa hàng bán bánh mochi nướng Ichiwa hoạt động từ năm 1000
Gia đình bà Naomi Hasegawa sở hữu một cửa hàng nhỏ bằng gỗ tuyết tùng bán bánh mochi nướng nằm cạnh một ngôi đền cổ ở cố đô Kyoto (Nhật Bản). Cửa hàng này được mở vào năm 1000, bắt đầu với việc kinh doanh nước giải khát phục vụ du khách từ khắp Nhật Bản đến cầu nguyện cho đại dịch chóng qua tại ngôi đền. Giờ đây, hơn một thiên niên kỷ trôi qua, một đại dịch mới mang tên Covid-19 bùng phát, giáng đòn mạnh vào nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch của Kyoto. Tuy vậy, điều này không khiến cửa hàng này quá lo lắng về tình hình tài chính của công ty.
Tồn tại lâu đời bắt nguồn từ việc đặt truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng…
Ichiwa đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, thảm họa tự nhiên và sự thăng trầm của các triều đại. Trải qua cả nghìn năm, món bánh mochi nướng của họ vẫn không thay đổi. Công ty này đã từ chối rất nhiều cơ hội mở rộng. Gần nhất là đề nghị từ Uber Eats để giao hàng online. Mochi đến nay vẫn là sản phẩm duy nhất trong thực đơn của họ. Nếu bạn muốn thêm đồ uống, có thể chọn trà xanh.
Trong phần lớn lịch sử tồn tại của Ichiwa, phụ nữ trong gia đình Hasegawa làm bánh với công thức gần như không đổi. Dĩ nhiên, họ vẫn hiện đại hóa một số thứ. Ví dụ, giới chức y tế địa phương đã cấm dùng nước giếng. Hay Ichiwa đã mua máy nghiền gạo để tiết kiệm vài giờ lao động mỗi sáng. Bên cạnh đó, sau nhiều thế kỷ để khách tự giác trả tiền, họ đã niêm yết giá cố định cho mỗi đĩa. Việc này thay đổi sau Thế chiến II, khi công ty bắt đầu quan tâm hơn đến tài chính.
Hoạt động hướng đến những mục đích cao hơn lợi nhuận
Để tồn tại qua cả thiên niên kỷ Bà Naomi Hasegawa cho biết một doanh nghiệp không thể chỉ theo đuổi lợi nhuận. Họ cần có mục đích cao hơn. Trong trường hợp của Ichiwa là tín ngưỡng. Họ phục vụ những người hành hương đến thờ. Những giá trị cốt lõi này được gọi là “kakun”, giúp các công ty ra quyết định kinh doanh suốt nhiều thế hệ. Họ quan tâm đến nhân viên, hỗ trợ cộng đồng và hướng đến sản phẩm khơi lên sự tự hào. Với Ichiwa, điều này đồng nghĩa chỉ làm một thứ và làm thật tốt. Đây là cách tiếp cận của rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.
Khách sạn cổ xưa nhất thế giới tại Yamanashi – Nhật Bản
Năm 2011, Khách sạn suối nước nóng Nishiyama Onsen Keiunkan (Nhật Bản) được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness là khách sạn lâu đời nhất hành tinh (Theo trang Uniq Hotels).
Khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan tọa lạc tại tỉnh Yamanashi (Nhật Bản). Công trình này được xây dựng từ năm 705, có niên đại hơn 1.300 tuổi. Điểm đặc biệt của khách sạn là mang lối kiến trúc truyền thống, lấy gỗ và đá làm vật liệu chính. Nishiyama Onsen Keiunkan nằm trên một con suối nước nóng, trong khu vực núi tách biệt với cuộc sống náo nhiệt, hiện đại. Vì thế, đây là một không gian yên tĩnh lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn.
Ngoài ra, còn có cửa hàng bánh kẹo Ichimonjiya Wasuke bán đồ ăn ngọt ở Kyoto từ năm 1000; người khổng lồ ngành xây dựng Takenaka có trụ sở ở Osaka được thành lập từ năm 1610. Trong khi một số thương hiệu toàn cầu của Nhật Bản như Suntory và Nintendo có lịch sử thành lập từ những năm 1800.
Bí quyết duy trì doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm của Nhật Bản là gì?
Vượt trên sự ngưỡng mộ đối với bề dầy thành tích lâu đời các doanh nghiệp Nhật Bản, câu hỏi đặt ra là: Điều gì ở nước Nhật đã giúp duy trì những doanh nghiệp có tuổi đời lâu như vậy? Và trong một kỷ nguyên toàn cầu được định nghĩa bởi những start-up (công ty khởi nghiệp) đang vượt qua các biên giới với tốc độ ánh sáng thì những kinh nghiệm của họ cho chúng ta bài học gì? Dưới đây là một số điểm chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu.
Ưu tiên số một: Trường tồn
Theo New York Times, giống như nhiều doanh nghiệp tại Nhật; cửa hàng nhỏ Ichiwa của gia đình bà Hasegawa có tầm nhìn dài hạn (dài hơn nhiều so với hầu hết số còn lại). Đặt yếu tố truyền thống và sự ổn định lên trên lợi nhuận và tăng trưởng, cửa hàng Ichiwa đã đi qua các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và mọi thăng trầm của nền kinh tế. Chỉ có một điều không thay đổi là món bánh gạo của cửa hàng.
Những doanh nghiệp như Ichiwa có thể kém năng động hơn so với doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Tuy nhiên, sức chống chịu của họ lại là bài học cho doanh nghiệp ở những nước như Mỹ – nơi đại dịch Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn công ty phá sản.
“Nếu nhìn vào các giáo trình về kinh tế, doanh nghiệp luôn phải tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, mở rộng quy mô, tăng thị phần, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp như Ichiwa lại hoạt động theo các nguyên tắc hoàn toàn khác”, Kenji Matsuoka, một giáo sư danh dự tại Đại học Ryukoku, Kyoto, cho biết. “Ưu tiên số một của họ là duy trì hoạt động. Mỗi thế hệ điều hành doanh nghiệp giống như thành viên trong một cuộc chạy đua tiếp vậy. Điều quan trọng là chuyển giao ‘cây gậy’ cho người chạy tiếp theo”.
Tôn trọng truyền thống
Yoshinori Hara, Phó giáo sư tại Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Kyoto đã làm việc tại Thung lũng Silicon trong một thập kỷ nhận xét rằng: Việc các công ty Nhật Bản nhấn mạnh vào tính bền vững, thay vì chỉ nhanh chóng tối đa hóa lợi nhuận là lý do chính tại sao có nhiều doanh nghiệp duy trì được sức mạnh qua thời gian. “Tại Nhật Bản, điều quan trọng hơn là cách chúng tôi để lại công ty cho hậu duệ của chúng tôi, cho các con, các cháu của chúng tôi”, ông Hara giải thích.
Các thành phố, thị trấn ở Nhật Bản đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Vì thế không quá bất ngờ khi có nhiều công ty lâu đời còn tồn tại.
“Nhìn rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng do nền văn hóa tôn trọng truyền thống và tổ tiên kết hợp với thực tế Nhật Bản là một đảo quốc, tương đối ít tương tác với các quốc gia khác, khiến người dân có xu hướng duy trì lâu dài những sản phẩm dịch vụ truyền thống ở địa phương”.
Theo Giáo sư Innan Sasaki tại Đại học Warwick (Anh) thì còn có những lý do khác
Năng lực cốt lõi và dịch vụ khách hàng
Cũng ở Kyoto có một công ty shinise khác tuổi đời gần bằng Tsuen Tea nhưng lớn hơn nhiều. Đó là công ty trò chơi điện tử Nintendo – cái tên nổi tiếng toàn cầu nhờ cuộc cách mạng hóa nền giải trí tại gia đình với hệ thống chơi game điện tử ra đời từ năm 1985.
Ví dụ về Nintendo – Một trong những công ty trường tồn hơn 130 năm của nước Nhật
Nhưng hầu hết mọi người không biết rằng Nintendo đã ra đời từ rất lâu trước khi đạt được thành công thương mại toàn cầu…
Mặc dù nổi tiếng là một công ty công nghệ, Nintendo được thành lập vào năm 1889, với tư cách là một nhà sản xuất thẻ bài cho trò chơi Hanafuda của Nhật Bản. Trò chơi du nhập vào Nhật Bản qua người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16 này liên quan đến việc thu thập các tấm thẻ với nhiều loại hoa được in trên đó, mỗi hoa có số điểm khác nhau.
Năng lực cốt lõi nào tạo nên giá trị trường tồn của Nintendo?!
Giáo sư Lara Hara thuộc Đại học Kyoto cho biết Nintendo là ví dụ tuyệt vời về một công ty gắn với “năng lực cốt lõi”. Đó là khái niệm cơ bản đằng sau những gì một công ty tạo ra. Nó giúp công ty tồn tại ngay cả khi công nghệ hoặc thế giới xung quanh thay đổi. Trong trường hợp của Nintendo, mọi người hâm mộ 【Cách họ tạo ra những trò chơi vui nhộn】– Giáo sư Hara nói.
Một ví dụ khác về các công ty may Kimono
Ông Hara cũng lấy ví dụ về các công ty may kimono đang cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh còn rất ít phụ nữ Nhật Bản mặc trang phục truyền thống. Hosoo, một nhà sản xuất kimono có trụ sở tại Kyoto từ năm 1688; đã mở rộng sang sản xuất sợi carbon cho các công ty vật liệu. Năng lực cốt lõi vẫn như nhau, đó là dệt 3D.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác trường tồn lâu dài nhờ những dịch vụ khách hàng tốt
Ở Kyoto, nhiều doanh nghiệp lâu đời đã cống hiến những dịch vụ khách hàng tốt, một yếu tố giúp họ phát triển mạnh. Điều này đặc biệt đúng với hoạt động kinh doanh nhà trọ. Các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản đối xử với khách hàng như gia đình. Họ luôn cố gắng dự đoán những gì khách hàng cần vì điều đó thúc đẩy kinh doanh bền vững.
Gia đình Akemi Nishimura đã điều hành nhà trọ Kyoto Hiiragiya trong 6 thế hệ. Hiiragiya mới kỷ niệm 200 năm thành lập vào năm 2018 và họ đã từng chào đón những vị khách đặc biệt như Charlie Chaplin và Louis Vuitton. “Kết nối từ trái tim đến trái tim – đó là điều hay nhất của nhà trọ”, bà Akemi nói. Tại Kyoto Hiiragiya, một cuốn cẩm nang có từ 80 năm trước đã trình bày chi tiết về cách vận hành nhà trọ. Trong đó, đề cập đến những việc cần làm với một chiếc khăn tay của khách: Cách giặt, gấp đúng cách và trả lại…
Nói không với rủi ro, tích lũy tiền mặt
Những doanh nghiệp Nhật Bản lâu đời nhất thường nói không với rủi ro và thường tích lũy nhiều tiền mặt. Đây là đặc điểm chung của nhiều doanh nghiệp Nhật. Đây cũng là một trong những lý do khiến nước này có tỷ lệ phá sản thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Mỹ. Theo nhà phân tích Tomohiro Ota của Goldman Sachs kể cả khi kinh doanh có lãi, họ cũng không tăng chi phí vốn.
Các doanh nghiệp lớn thường tích trữ đủ lượng tiền mặt để có thể tiếp tục trả lương và tuân thủ các nghĩa vụ tài chính trong cơn suy thoái kinh tế hay khủng hoảng. Kể cả những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng có mức nợ cực thấp và luôn trữ tiền đủ để trang trải 1-2 tháng chi phí hoạt động, ông Ota cho biết.
Khi cần hỗ trợ, họ có thể vay vốn dễ dàng với lãi suất thấp. Nhật Bản duy trì mức lãi suất thấp trong suốt nhiều thập kỷ qua. Chính phủ nước này cũng tung ra các gói kích thích kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.
Các “shinise” nhỏ thường sở hữu trụ sở hoạt động và dùng nhân viên là các thành viên trong gia đình. Từ đó giảm chi phí hoạt động và tích trữ được nhiều tiền mặt.
Một khảo sát mới đây được thực hiện với các doanh nghiệp ít nhất 100 tuổi tại Nhật của Toshio Goto. Giáo sư Đại học Kinh tế Nhật Bản, giám đốc Viện nghiên cứu Centennial Management cho biết: Hơn 25% cho biết họ có đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 năm hoặc lâu nữa.
Truyền thống có ảnh hưởng tới đổi mới?
Bức tranh trái ngược giữa Start-up và Shinise tại Nhật Bản
Tuy nhiên, sự ‘trường tồn’ của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có một nhược điểm. Đặc biệt là khi đặt vào bức tranh khởi nghiệp của đất nước vốn bị chỉ trích là chậm chạp so với những nơi khác.
Thế giới start-up không được công nhận danh tiếng như một shinise.
“Tôi đã có lúc khó khăn khi giải thích và chia sẻ với bố mẹ, bạn bè về những gì tôi làm và nơi làm việc của mình” Mari Matsuzaki, 27 tuổi nói. Cô làm việc tại Queue, một công ty giáo dục khởi nghiệp ở Tokyo. “Sau khi tốt nghiệp, có lẽ tôi là người duy nhất quyết định khởi nghiệp”, Mari nói. Trong khi ở những quốc gia khác, những người khởi nghiệp được ca ngợi. Thế giới start-up ở Nhật Bản lại không được đánh giá cao như các công ty shinise.
Đóng cửa một công ty hoặc bán lại nó cũng được coi là một điều thất bại và xấu hổ ở Nhật Bản
Cảm giác này đã tồn tại từ hàng thế kỷ. “Xã hội và nền kinh tế Nhật Bản không linh hoạt như Mỹ vì vậy Nhật Bản không tạo ra các công ty lớn mới dễ dàng như vậy. Xu hướng là bảo tồn những gì họ có”; Michael Cusumano – Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận xét. Ông là người đã khởi xướng các sáng kiến khởi nghiệp và đổi mới tại Đại học Khoa học Tokyo đã sống và làm việc tại Nhật Bản trong 8 năm.
Tuy vậy, các công ty shinise không phải được miễn trừ khỏi khó khăn.
Kongo Gumi, một công ty xây dựng được thành lập từ năm 578, đã tồn tại một cách kinh ngạc qua 1.400 năm trước khi bị phá sản vào năm 2006.
Trong tương lai, Matsuzaki tin rằng sẽ có những lợi ích trong việc kết hợp thế mạnh của hai mô hình kinh doanh tại Nhật Bản. Chìa khóa là thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các công ty shinise và start-up. Sức mạnh của các shinise là nguồn lực, danh tiếng trong ngành và một mạng lưới mạnh mẽ. Bằng cách pha trộn công nghệ mới và ra quyết định nhanh chóng với shinise, Matsuzaki tin rằng các công ty khởi nghiệp có thể trở thành vũ khí lợi hại cho tương lai của Nhật Bản.
Thách thức đổi mới
Dù vậy, các Shinise cũng không tránh được những thách thức của thời cuộc.
Nhiều doanh nghiệp lâu đời tại Nhật ra đời trong khoảng 200 năm bắt đầu vào thế kỷ 17. Khi ấy, Nhật Bản đóng cửa với thế giới bên ngoài và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định trong nước. Tuy nhiên, trải qua thế kỷ 20, những doanh nghiệp còn sót lại buộc phải tìm cách cân bằng giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và thích nghi với điều kiện kinh doanh thay đổi chóng mặt.
Với một số công ty, đó là điều chỉnh hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Điển hình là NBK, công ty bắt đầu làm ấm sắt vào năm 1560. Giờ đây đang sản xuất các bộ phận máy móc công nghệ cao. Hay Hosoo, hãng kimono 332 năm tuổi ở Kyoto, đã mở rộng sang kinh doanh nội thất gia đình và thậm chí cả hàng điện tử.
Với một số khác, theo kịp thời đại là điều không dễ dàng.
Đặc biệt với những công ty như Tanaka Iga Butsugu. Công ty này bắt đầu bán các vật dụng liên quan tới Phật giáo tại Kyoto từ năm 885. Theo Masaichi Tanaka, chủ tịch thế hệ thứ 70 của Tanaka Iga Butsugu: Đại dịch gây ra nhiều khó khăn nhưng thách thức lớn nhất của công ty là xã hội già hóa và thị hiếu thay đổi tại Nhật.
Một số công ty đã phải đóng cửa vì chủ nhân không thể tìm được người kế nghiệp.
Với ông Tanaka, việc tìm người thay thế các nghệ nhân của công ty ngày càng khó khăn. Việc kinh doanh cũng sa sút khi ngày càng ít người đến những ngôi chùa mà công ty cung cấp vật dụng. Nhà mới xây hầu như không dành chỗ để đặt những vật dụng này – thứ vốn chiếm vị trí đặc biệt trong một gian phòng truyền thống của Nhật.
“Trong truyền thống tôn giáo, không có nhiều chỗ dành cho sự sáng tạo đổi mới”, ông Tanaka cho biết.
Lịch sử lâu đời cũng là một loại áp lực cho người kinh doanh
Khác với Tanaka Iga Butsugu, cửa hàng Ichiwa không phải lo lắng về những điều này. Doanh nghiệp nhỏ nhật bản này được điều hành bởi một gia tộc lớn. Nhân viên chỉ cần một kỹ năng đặc biệt duy nhất là khả năng chịu nóng khi nướng mochi. Dù vậy, bà Hasegawa, 60 tuổi, thừa nhận rằng đôi lúc bà cảm thấy áp lực với chính lịch sử của cửa hàng.
“Dù công việc kinh doanh không mang lại nhiều thu nhập, nhưng mọi người trong gia đình từ khi còn nhỏ đã được dạy rằng chỉ cần còn sống, thì phải tiếp tục kinh doanh”, bà Hasegawa chia sẻ. “Chúng tôi tiếp tục bởi vì không muốn trở thành người bỏ cuộc”.
Ý kiến