Mục lục
Thị trường cà phê Nhật Bản
Uống cà phê trong những năm gần đây đã trở thành văn hoá không thể thiếu của nhiều người Nhật. Tuy nhiên, hầu hết lượng cà phê tiêu thụ tại Nhật Bản đều được nhập khẩu từ các nước khác.
Mỗi năm, Nhật Bản nhập khẩu trung bình từ 400.000 đến 500.000 tấn mỗi năm. Trong đó, hơn 50% tổng sản lượng cà phê nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ Brazil và Việt Nam. Trước năm 2018, Brazil là nước cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Nhật, tiếp đến là Việt Nam.
Cà phê nhập khẩu từ Brazil vào Nhật Bản chủ yếu là hạt arabica, có mùi vị thơm ngon, giá trị cao cấp, được ưa chuộng tại các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks.
Hạt cà phê Việt Nam
Trong khi Brazil nổi tiếng là đất nước trồng và xuất khẩu hạt arabica, Việt Nam đã được biết đến là một trong những nhà sản xuất hạt robusta lớn nhất thế giới. So với arabica, robusta được cho là có chất lượng thấp hơn, mùi vị đắng hơn. Tuy nhiên, việc nuôi trồng cà phê robusta đơn giản hơn, và cho sản lượng cao hơn. Do đó, nếu như hạt arabica được ưa chuộng tại các chuỗi cửa hàng cà phê như Starbucks, hạt robusta là nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hoà tan.
Do điều kiện tự nhiên phù hợp, cà phê là một trong những nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của cà phê Việt đạt 3 tỉ USD/năm, ngang với các mặt hàng giá trị cao như gỗ, thuỷ sản, hay hạt điều. Cho đến nay, hạt cà phê Việt đã có mặt trên hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thành công của cà phê Việt tại Nhật Bản
Trong những năm gần đây, lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil và Colombia có xu hướng giảm, trong khi Nhật Bản tăng cường nhập khẩu cà phê Việt Nam. Theo báo cáo của cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lượng cà phê nhập khẩu từ Việt Nam và Ethiopia vào Nhật Bản đã tăng mạnh trong quý đầu năm 2022.
Cụ thế, Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 35 ngàn tấn cà phê Việt Nam, tương đương 71 triệu USD, tăng 32% về sản lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Nhật Bản.
Trong quý I năm 2022, khi sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 24,3% lên 30,3%, sản lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil đã giảm xuống còn 27,9%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được 45 ngàn tấn cà phê sang thị trường Nhật Bản, thu về hơn 110 triệu USD, tăng 45% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá cà phê xuất khẩu sang Nhật trong 4 tháng đầu năm tăng 28% so với năm 2021, đạt 2.440 USD/tấn.
Riêng tháng 4/2022, đã có hơn 10,5 ngàn tấn cà phê được xuất khẩu sang Nhật Bản, tương đương 26 triệu USD, tăng 62% so với tháng 4/2021. Giá cà phê trong tháng 4/2022 cũng đã tăng 16%, đạt 2.458 USD/tấn.
Nguyên nhân
Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người Nhật
Văn hoá uống cà phê của người Nhật ngày càng phổ biến không những tác động tích cực đến doanh thu của các tiệm cà phê, mà còn giúp tăng doanh thu mặt hàng cà phê hoà tan tại nhà. Đại dịch COVID-19 bùng nổ buộc các tiệm cà phê phải đóng cửa, người dân bắt đầu hình thành thói quen mua cà phê hoà tan để thưởng thức tại nhà.
Điều này khiến nhu cầu nhập khẩu hạt cà phê arabica từ Brazil, thành phần chủ yếu trong cà phê bán tại các cửa tiệm giảm. Trong khi đó, nhập khẩu hạt robusta, hạt cà phê được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm cà phê hoà tan, ngày tăng nhanh.
Có thể nói, COVID-19 đã giáng một đòn mạnh xuống các quốc gia sản xuất hạt arabica, tuy nhiên lại mở ra nhiều cơ hội đối với các nước chuyên trồng hạt robusta như Việt Nam. Đây cũng chính là lý do Việt Nam nhanh chóng đánh bại Brazil, trở thành nhà cung cấp hạt cà phê lớn nhất cho thị trường Nhật Bản.
Hệ quả của ảnh hưởng kinh tế hậu COVID-19
Không những thế, những ảnh hưởng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến nhiều nhà tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Để tiết kiệm chi tiêu, nhiều khách hàng đã đổi sang sử dụng các loại cà phê trộn giữa arabica và robusta, do giá thành rẻ hơn. Điều này cũng khiến nhu cầu hạt cà phê robusta tănng nhanh trong những năm gần đây.
Khoảng cách địa lý lý tưởng
Mặt khác, khoảng cách địa lí giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất-nhập khẩu hạt cà phê. Quảng đường vận chuyển cà phê từ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ bằng một nữa so với việc nhập khẩu cà phê từ Brazil. Hơn nữa, Việt Nam là nước có chất lượng và nguồn cung cà phê tương đối ổn định hơn, so với các nước Đông Nam Á khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê chính cho Nhật Bản.
Tương lai của hạt cà phê Việt
Với đặc tính của giống cà phê robusta, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh, sản lượng cao, cùng với nhu cầu ngày càng tăng của hạt robusta, trong vòng 4 thập niên qua, thị phần hạt robusta đã tăng từ 20% lên đến 40%. Sự gia tăng về sản lượng có thể khiến giá cà phê giảm trong tương lai xa, do tình trạng dư thừa nguồn cung.
Tuy nhiên, theo dự báo trong tương lai gần, với sự phổ biến và nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng tăng ở Nhật, giá cà phê tại Nhật Bản vẫn sẽ tăng trong những năm tới.
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Việt Nam nên tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ví dụ như Hiệp định thương mại Việt – Nhật (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), để đẩy nhanh xuất khẩu sang những thị trường khó tính.
Ý kiến