Là một nước xuất khẩu viên nén đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ), 90% sản lượng viên nén gỗ do Việt Nam sản xuất phục vụ cho thị trường quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bài viết này chúng tôi sẽ tập trung phân tích xu hướng, những thách thức & cơ hội, bất cập và hướng giải quyết để xuất khẩu viên nén gỗ sang xứ sở mặt trời mọc.
Mục lục
Nhu cầu viên nén sinh khối ở Nhật Bản
Dự báo nhu cầu toàn cầu về viên nén gỗ sẽ tăng cao từ 14 triệu tấn năm 2017 lên 36 triệu tấn trong một 10 năm tới. Trong đó, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc là các thị trường chủ yếu của viên nén sinh khối.
Tại Nhật Bản, sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân do thảm hoạ kép động đất và sóng thần gây ra vào năm 2011, đất nước này bắt đầu tập trung phát triển vào điện sinh học và vào nguồn nhiên liệu bền vững hơn. Cùng lúc đó, khi các nhà máy than bắt đầu dần bị loại bỏ, các nhà máy điện sinh khối chuyên dụng mới sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững hơn như viên gỗ, dăm và vỏ hạt cọ (PKS) ngày càng phổ biến. Trong khi PKS là vật liệu sử dụng phổ biến nhất ở các nhà máy điện sinh khối quy mô vừa, viên nén gỗ thường được dùng cho các nhà máy điện sinh khối quy mô lớn do có nguồn cung cấp dồi dào hơn.
Với sự gia tăng về số lượng các nhà máy điện sinh khối, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có nhu cầu nhập khẩu viên nén gỗ nhất thế giới. Theo số liệu từ USDA Foreign Agricultural Service’s Global Agricultural Information Network, sản lượng viên nén gỗ nhập khẩu của Nhật Bản tăng mạnh qua các năm, và đặc biệt tăng vọt kể từ năm 2018.
Năm 2021, Nhật Bản đã nhập khẩu 3.000 tấn khối viên nén gỗ, tăng 42,85% so với năm 2020. Canada và Việt Nam là hai nước cung cấp viên nén gỗ lớn nhất cho Nhật Bản, với thị phần chiếm từ 65% đến 70%. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn nhập khẩu viên nén từ các nước như Australia, Nga, Indonesia, New Zealand.
Năm 2016, sản lượng viên nén sinh khối nhập khẩu từ Canada vào Nhật lớn nhất, tiếp nối sau là Việt Nam. Tuy nhiên năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt Canada, trở thành quốc gia cung cấp viên nén sinh khối lớn nhất ở Nhật. Trong khi viên nén nhập khẩu từ Canada chiếm 36.5 % vào năm 2019, 55% sản lượng viên nén nhập khẩu vào Nhật Bản đến từ Việt Nam. Con số này tăng lên 58% tổng sản lượng nhập khẩu viên nén sinh khối của Nhật Bản vào năm 2020.
Vì sao Việt Nam trở thành nước cung cấp viên nén sinh khối lớn nhất của Nhật
1. Nguồn nguyên liệu dồi dào
Với bề dày lịch sử là một nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều phụ phẩm của ngành nông nghiệp có thể dùng để sản xuất viên nén sinh khối như vỏ trấu, rơm rạ, bã cà phê, thân các cây trồng phơi khô. Ngoài ngành sản xuất viên nén gỗ có thể tận dụng các sản phẩm phụ của ngành sản xuất đồ gỗ nội thất như mùn cưa, dăm bào, cành đầu mẩu. Tiềm năng lớn về nông nghiệp đã tạo ra một nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, tạo điều kiện để Việt Nam phát triển ngành sản xuất viên nén sinh khối.
Các nhà sản xuất viên nén gỗ quy mô nhỏ sẽ sử dụng các loại gỗ có tại địa phương nhờ mạng lưới thương nhân thu mua từ các người dân bản địa. Các nhà máy quy mô lớn sẽ có đồn điền riêng, trồng các loại cây lấy gỗ theo chứng nhận FSC, điển hình là gỗ keo và bạch đàng.
2. Giá cả cạnh tranh
Nhờ tận dụng phế phẩm của các ngành công nghiệp khác, các nhà máy sản xuất viên nén không cần đầu tư trang thiết bị quá nhiều để nghiền nhỏ thân gỗ. Điều này giúp làm giảm chi phí sản xuất, khiến giá viên nén gỗ của Việt Nam có giá thấp hơn so với giá trung bình chung trên thị trường.
Ngoài ra, việc ngày càng nhiều nhà đầu tư bước vào thị trường sản xuất viên nén tại Việt Nam khiến giá xuất khẩu viên nén ở Việt Nam ổn định hơn. Theo dữ liệu từ Bộ Lâm nghiệp Việt Nam năm 2019, và Viforest năm 2021, Việt Nam có hơn 80 nhà máy sản xuất viên nén gỗ, với công suất gần 4,5 triệu tấn. Các nhà máy chủ yếu tập trung ở các khu vực có nguồn nguyên liệu dồi dào, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ và vùng Đông Bắc
3. Vị trí địa lí thuận lợi
Có cảng biển thuận lợi cho việc xuất khẩu. Ngoài ra, so với Canada, khoảng cách địa lí của Việt Nam gần với Nhật Bản – thị trường nhập khẩu viên nén sinh khối hơn. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển.
Bất cập còn tồn tại
Cũng như bất kì ngành công nghiệp non trẻ khác, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén cũng có một số bất cập còn tồn tại.
1. Nguồn nguyên liệu
Thứ nhất, mặc dù tiềm năng nguyên liệu dồi dào, nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, về mặt chất lượng cũng như pháp lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá viên nén xuất khẩu.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất viên nén sẽ làm tăng nhu cầu về nguyên liệu sản xuất. Do đó, trong tương lai, nhiều tín hiệu cho thấy sẽ có sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu đầu vào, không chỉ với các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ, mà còn với các nhà sản xuất của các ngành sử dụng cùng nguồn nguyên liệu như sản xuất dăm gỗ, ván ép.
2. Doanh nghiệp sản xuất
Nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén, đặc biệt những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có đủ nguồn thông tin về thị trường xuất khẩu như xu hướng thị trường, thủ tục pháp lý, quy định về phát triển bền vững. Thiếu thông tin khiến các doanh nghiệp khó có thể xây dựng được kế hoạch kinh doanh bền vững lâu dài.
Ngoài ra, sự gia tăng về số lượng các nhà sản xuất viên nén làm tăng độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Điều này gây áp lực khiến một số cơ sở cạnh tranh không lành mạnh bằng cách sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng.
Những vấn đề này cũng làm tăng nguy cơ bị từ chối từ phía thị trường xuất khẩu, cũng như làm ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của viên nén gỗ của Việt Nam.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp
Với nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản trong tương lai, nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, quy trình sản xuất đơn giản, cùng lợi thế về giá và vị trí địa lí, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Để phát triển bền vững, những bất cập nêu trên cần được giải quyết. Các doanh nghiệp sản xuất cùng ngành và trái ngành sử dụng cùng nguồn nguyên liệu có thể liên kết với nhau để giải quyết vấn đề về nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về thị trường xuất khẩu, những quy định và thủ tục liên quan.
Hiện nay, ONE-VALUE có cung cấp các dịch vụ hỗ trợ điều tra thị trường, tìm kiếm đối tác và hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ japanbiz@onevalue.jp
Nguồn: Tổng hợp từ Forest Trends
Tham khảo:
Ý kiến