Theo các số liệu thống kê mới nhất từ phía Bộ Tài chính Nhật Bản, trong bối cảnh các lệnh cấm nhập khẩu thuỷ hải sản từ Nhật Bản của Trung Quốc ngày một gắt gao, xuất khẩu sò điệp Hokkaido của Nhật Bản sang các nước Đông Nam Á tăng 150%. Thuỷ hải sản xuất khẩu Nhật Bản dần mở rộng thị trường sang các quốc gia Đông Nam Á và nhận được những kết quả đầy triển vọng.
Khi Trung Quốc duy trì lệnh cấm nhập khẩu, Nhật Bản phải tìm kiếm thị trường mới
Ngành đánh cá của Nhật Bản hiện đang cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc và đồng thời nhanh chóng thiết lập các trung tâm chế biến và kênh bán hàng mới tại Đông Nam Á, Mỹ và các địa điểm khác, với sự hỗ trợ từ chính phủ. Đây là giải pháp được đưa ra sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với các sản phẩm hải sản của Nhật Bản vào tháng 8 năm 2023 sau khi Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) thải nước phóng xạ đã qua xử lý tích tụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển. Mặc dù Nhật Bản đã liên tục khẳng định về tính an toàn của nước thải, nhưng Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ hành động này.
Lệnh cấm này đã có tác động mạnh mẽ đối với ngành nuôi trồng và chế biến sò điệp. Thuỷ sản có vỏ chiếm tỷ lệ 1/4 tổng lượng xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản vào năm 2022, trong đó có đến 45% giá trị xuất khẩu đến từ thị trường Trung Quốc. Vùng đảo Hokkaido là nơi chiếm 83% sản lượng thu hoạch nội địa, và các hộ nuôi trồng đã phát triển các kênh bán hàng mới để đối phó với sự suy giảm đáng kể trong sản lượng xuất khẩu.
Bộ Tài chính đã báo cáo rằng vào năm 2023, sản lượng sò điệp xuất khẩu từ Hokkaido đến các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã tăng lên 150%, trong khi sản lượng sò điệp xuất khẩu đến Mỹ đã tăng gấp đôi. Một nhà điều hành kho bãi từng nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn cho biết: “Ngay cả bây giờ, lượng sò điệp tồn kho đang giảm đáng kể từ khi mở rộng thị trường xuất khẩu sang Đông Nam Á.”
Foodison, một công ty thương mại điện tử chuyên về hải sản, cùng với các đối tác đã bắt đầu quá trình chế biến sò điệp Hokkaido tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2024. Kế hoạch của họ là mở bán sò điệp nguyên vỏ và các sản phẩm liên quan vào tháng 4, khởi đầu từ khoảng 120 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực Tokyo, do chuỗi siêu thị Beisia của Nhật Bản điều hành. Sự khan hiếm lao động tại Nhật, khiến các doanh nghiệp Nhật Bản phải xuất khẩu sò điệp nguyên vỏ lượng lớn sang Trung Quốc để chế biến. Hiện các doanh nghiệp Nhật Bản hầu như chưa gia công chế biến sò điệp tại quốc gia nào ngoài Trung Quốc.
Tổ chức Ngoại thương của Nhật Bản (JETRO) đã thăm Việt Nam cùng với 12 nhà sản xuất, đại diện từ các công ty gia công và thương mại Nhật Bản vào tháng trước. Họ đã kiểm tra cơ sở sản xuất và tổ chức các cuộc đàm phán kinh doanh. Vào tháng 3, họ sẽ gửi một đoàn đại diện sang Mexico và tiếp tục các cuộc gặp với các khách hàng tại Mỹ.
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ ngành đánh bắt & chế biến hải sản sau vụ xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Chính phủ đã chi ra tổng cộng 80 tỷ yên (tương đương 530 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành khai thác và đánh bắt cá. Trong số này, có 38 dự án đã được hỗ trợ với tổng số 7,9 tỷ yên từ quỹ 30 tỷ yên để mua và lưu trữ tạm thời các sản phẩm thủy sản. Ngoài ra, 5,5 tỷ yên từ ngân sách 50 tỷ yên để phát triển ngư trường đã được cấp cho 182 dự án. TEPCO cũng đã bắt đầu tiến hành bồi thường toàn diện vào tháng 11 cho các nhà khai thác thủy sản bị ảnh hưởng bởi việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân. Tổng cộng 4,2 tỷ yên đã được trả cho khoảng 40 công ty và tổ chức trong giai đoạn đầu tiên, và dự kiến số tiền này sẽ tăng lên 37 tỷ yên trong năm tài chính 2023 do sự gia tăng các yêu cầu bồi thường từ các doanh nghiệp ở miền đông Nhật Bản chuyên về xử lý sò điệp và hải sâm.
Trong 6 tháng kể từ khi TEPCO bắt đầu xả nước đã qua xử lý ra đại dương, đã có tổng cộng 23.351 tấn nước thải được xả ra biển sau ba lần xả. Công ty điện lực và các công ty khác không phát hiện ra điều gì bất thường trong nước biển. Tuy nhiên, đã có các vấn đề xảy ra tại khu vực nhà máy hạt nhân, bao gồm rò rỉ nước chứa chất phóng xạ trong quá trình xử lý. Chính phủ đã yêu cầu TEPCO ngăn chặn các vấn đề như vậy tái diễn.
Cũng chính vì những vấn đề phát sinh trong quá trình này đã khiến các khách hàng Trung Quốc đang Vấn đề này cũng đã dẫn đến sự quay lưng của khách hàng Trung Quốc đối với các nhà hàng Nhật Bản tại Bắc Kinh. Một nhà điều hành nhà hàng cho biết: “Số lượng đặt chỗ của khách hàng có thu nhập cao đã giảm đáng kể kể từ tháng 8 năm 2023. Gần đây, nó đã phục hồi một cách đáng kể, nhưng vẫn còn xa lắc mức trước khi xả nước đã qua xử lý”.
Nhật Bản và Trung Quốc đang nỗ lực dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu kể từ đầu năm nay, nhưng đạt được rất ít tiến triển, làm dấy lên lo ngại rằng tác động có thể kéo dài. Các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết Trung Quốc “tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn trong nước và không sẵn sàng lùi bước” nhằm đảm bảo các vấn đề về sự an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng thực phẩm.
Ý kiến