Bạn có biết Nhật Bản là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới? Dưới đây Japanbiz sẽ thông tin về tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam cũng như thách thức và cơ hội cho xuất khẩu tôm vào Nhật Bản.
Mục lục
Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam
Với 3.260 km đường bờ biển, và khu đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Từ lâu, nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của Việt Nam và tạo cơ hội việc làm cho hơn 3 triệu người.
Nhắc đến ngành thủy sản, ta không thể không nhắc đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng sản xuất thủy sản lớn nhất cả nước. Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long hiện chiếm 60% tổng giá trị của cả nước.
Lịch sử ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn. Từ năm 1957 đến 1980, Việt Nam chỉ có một số công ty chế biến thủy sản của nhà nước. Điển hình như Công ty cổ phần Đồ hộp Hạ Long, sau đó, một số công ty khác được thành lập ở miền Nam Việt Nam. Vào năm 1978, Công ty Thủy sản Việt Nam được thành lập, trở thành công ty nhà nước lớn nhất chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Giai đoạn thứ hai (1980-1990) có nhiều công ty chế biến thủy sản được thành lập hơn. Giai đoạn thứ 3 là từ năm 1990 đến hiện tại. Chính sách Đổi mới và tự do hóa thương mại quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản. Trong giai đoạn này, số lượng các công ty tư nhân chuyên xuất khẩu thủy sản tăng lên đáng kể, thay thế cho các công ty nhà nước trước đó.
Lịch sử của ngành nuôi trồng và xuất khẩu tôm
Nhờ chính sách đổi mới của nhà nước và tiến bộ công nghệ, ngành sản xuất và xuất khẩu tôm dần được phát triển vào những năm 1990. Sản phẩm tôm xuất khẩu bao gồm tôm đông lạnh, tôm đóng hộp và tôm đã qua sơ chế. Trong đó, tôm đông lạnh mang lại giá trị xuất khẩu cao nhất.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản năm 2021, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nuôi tôm. Năm 2020, diện tích nuôi thả tôm sú đạt trên 597.000 ha (chiếm 95% diện tích nuôi tôm nước lợ trên cả nước). Ngoài tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng bắt đầu được nuôi trồng rộng rãi từ năm 2000. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 74,4% diện tích nuôi trên cả nước.
Cũng trong năm 2021, xuất khẩu tôm có tốc độ tăng trưởng 5% một năm, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, mang về gần 3,9 tỷ USD (tăng 4% so với năm 2020), đứng thứ 3 trên thế giới, sau Ấn Độ và Ecuador. Đến năm 2025, xuất khẩu tôm hi vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng 9% hàng năm. Các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam năm 2021 đó là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh và Úc.
Nhập khẩu tôm của Nhật Bản
Đối với Việt Nam, Nhật Bản là một trong những thị trường có giá nhập khẩu trung bình cao và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam năm 2021. Sản lượng tôm xuất khẩu sang Nhật đã mang về 613 triệu USD vào năm 2020, và 578 triệu USD vào năm 2021. Cho đến nay, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là hai loại tôm của Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật nhiều nhất.
Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp tôm lớn. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản. Vào tháng 2/2021, sản lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đạt 3,7 tấn (tương đương 79,7 triệu USD) tiếp theo đó là Ấn Độ và Indonesia. Tính đến tháng 10 năm 2021, Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 3 cho thị trường Nhật Bản, đạt 437,2 triệu USD.
Về nhu cầu nhập khẩu tôm, Nhật Bản là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy vậy, sản lượng tôm nhập khẩu của Nhật Bản giảm đáng kể trong những năm vừa qua. Theo thống kê của ITC, nhập khẩu tôm của Nhật Bản giảm từ 278,169 nghìn tấn (năm 2012) xuống còn 210.000 tấn vào năm 2020. Giá trị Nhập khẩu tôm của Nhật từ các nguồn cung lớn đề giảm trong năm 2020, trong đó, giá trị tôm nhập khẩu từ Việt Nam giảm 3,5%.
Tuy nhiên, trong năm 2021, Nhật Bản tăng nhập khẩu tôm dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khiến nhập khẩu mực, bạch tuộc và cua giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu tôm đạt 183,1 nghìn tấn (tăng 5,4% về sản lượng so với 10 tháng năm 2020), trị giá 1,83 tỷ USD. Đặc biệt, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản từ Na Uy và Ấn Độ.
Sự suy giảm này có thể do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một nguyên nhân khác có thể đó là do dân số Nhật Bản đang ngày càng thu hẹp và sự xuất hiện của nhiều loại protein có thể thay thế tôm cũng như nhu cầu tiêu thụ protein của người dân thay đổi.
Ưu điểm và thách thức đối với xuất khẩu tôm Việt Nam
Tôm Việt Nam được biết đến nhờ chất lượng ổn định, sản phẩm từ tôm đa dạng, phù hợp với mọi phân khúc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của xuất khẩu tôm sang Nhật khá chậm, cộng thêm việc Nhật Bản đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản từ các nước khác đặt ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.
Trước hết, đó là việc nâng cao chất lượng sản phẩm nữa để cạnh tranh thị phần với tôm xuất khẩu sang Nhật của Indonesia và Ấn Độ.
Ngoài ra, tôm Việt Nam còn đang đối mặt với thách thức về giá nhập khẩu. Nhật đang đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ thị trường Ecuador bởi giá nhập khẩu trung bình tôm Ecuador ở mức 863 yên/kg năm 2021, mức giá thấp nhất trong 11 thị trường lớn cung cấp tôm cho Nhật Bản. Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực do thức ăn nuôi tôm còn khá tốn kém. Cùng với đó, cước vận tải biển còn cao nên đem lại lợi nhuận thấp. Do đó, sản lượng tôm Việt Nam tuy cao nhưng hiệu quả kinh tế lại giảm, cản trở độ cạnh tranh của tôm Việt Nam tại các thị trường lớn.
Cơ hội cho xuất khẩu tôm vào Nhật Bản
Tuy vậy, trong năm 2022, xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản nói riêng và các thị trường lớn nói chung có không ít cơ hội để tăng tốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự định sẽ đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, thiết lập liên kết giữa các địa phương nuôi tôm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống để hạ giá thành và nâng cao chất lượng cho tôm xuất khẩu.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do cũng đem lại một số lợi thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Đầu tiên, đó là hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ tháng 12/2008. Thứ hai, đó là Hiệp định tự do song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ tháng 10/2009.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của tôm Việt Nam ở thị trường Nhật Bản. Hiệp định này quy định đa số mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0% hoặc xóa bỏ thuế vào năm thứ 6, năm thứ 11, năm thứ 16 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Cùng với đó là những dự báo tích cực về tình hình ổn định kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 đã mở ra những hi vọng phát triển cho ngành xuất khẩu tôm trong tương lai gần.
Ý kiến