Kể từ sau đại dịch Covid-19, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề thiếu hụt trầm trọng điều dưỡng ở Nhật Bản được nhắc tới. Rất nhiều các điều dưỡng Nhật Bản là người ngoại quốc phải quay về nước khiến việc thiếu điều dưỡng trong các bệnh viện và trong các viện dưỡng lão trở nên đáng quan ngại hơn. Chính điều này đặt ra vấn đề về việc có phải Nhật Bản đang lãng phí một nguồn nhân lực lớn khi không tạo điều kiện đủ tốt cho các nhân viên điều dưỡng người nước ngoài tại Nhật?
Mục lục
Khó khăn chồng chất khi thiếu hụt điều dưỡng ở Nhật Bản
Cơn sóng Covid-19 càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nhân viên điều dưỡng của Nhật Bản. Các số liệu ước tính đến năm 2040, Nhật Bản sẽ thiếu 960.000 nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng. Có một hệ thống chấp nhận người nước ngoài làm y tá và nhân viên chăm sóc, nhưng có khoảng cách giữa tình hình thực tế và hệ thống y tế.
Anh A, người Philippines đang làm nhân viên điều dưỡng ở Nhật Bản đã xin nghỉ việc tại một bệnh viện Nhật Bản, nơi anh đã làm việc 5 năm và trở về nước vào năm 2019. Anh chia sẻ, mỗi ngày công việc của mình bận rộn đến mức kiệt sức. Anh A đến Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), một chương trình tiếp nhận nhân viên chăm sóc nước ngoài bắt đầu từ năm 2008 và thu hút các ứng viên từ Indonesia, Philippines và Việt Nam cho các vị trí nhân viên điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân. Các ứng viên phải đặt mục tiêu đỗ kỳ thi quốc gia trong khi làm việc tại cơ sở y tế. Nếu vượt qua kỳ thi, ứng viên sẽ được chuyển sang “Visa làm việc”, có thể định cư lâu dài ở Nhật Bản và mang theo gia đình đi cùng.
So với các tư cách cư trú khác như thực tập sinh và kỹ năng đặc định phải đòi hỏi sự can thiệp của các cơ quan tuyển dụng tư nhân, EPA có lợi thế là tổ chức công chịu trách nhiệm về quá trình tiếp nhận và ứng viên không phải trả bất kỳ khoản phí cơ quan nào hoặc trả trước tiền thuê nhà. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng ứng viên điều dưỡng không đủ khả năng để tiếp nhận và đã đạt đến mức thấp nhất.
Trong khoảng thời gian lưu trú tối đa 4 năm, vừa làm việc tại các cơ sở y tế vừa phải vượt qua kỳ thi quốc gia (kỳ thi đòi hỏi kiến thức và trình độ tiếng tương đương như công dân Nhật Bản) là một rào cản lớn. Tỷ lệ đậu kỳ thi này là khoảng 14% (mức trung bình cho 10 năm qua). Tại sao số lượng thí sinh EPA tiếp tục giảm và số người vượt qua kỳ thi quốc gia cũng không tăng nhiều?
Môi trường làm việc không tạo điều kiện
Việc tiếp nhận các nhân viên điều dưỡng theo EPA là để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và mục đích là “không nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động“. Các cơ sở tiếp nhận ứng viên có nghĩa vụ hỗ trợ họ thi đậu kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, tại nơi làm việc thực tế, tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng, có những trường hợp sinh viên không có đủ thời gian để học tập.
Cũng theo anh A ở đầu bài viết, khi đến Nhật Bản vào năm 2014 và bắt đầu làm việc tại một bệnh viện ở vùng Kansai, để chuẩn bị cho kỳ thi, anh chỉ được dành một giờ mỗi ngày để học. Anh A nói và chỉ ra rằng giữa các cơ sở y tế có các hệ thống hỗ trợ khác nhau, cụ thể rằng: “Ở những bệnh viện có nhiều người trúng tuyển, thời gian được dành ra cho việc học là nửa ngày”. Anh A mặc dù không thể vượt qua kỳ thi quốc gia trong thời gian lưu trú nhưng đã đạt được bằng cấp trợ lý y tá, dễ thi đậu hơn so với chứng chỉ y tá trong kỳ thi quốc gia và đã tiếp tục làm việc tại cùng một bệnh viện.
Theo EPA, nếu anh ấy không vượt qua kỳ thi trong thời gian lưu trú, về nguyên tắc anh ấy sẽ phải trở về nước. Tuy nhiên, anh A đã may mắn có một cơ sở y tế đồng ý sẽ tiếp tục tuyển dụng anh ấy thêm bốn năm nữa bằng cách chuyển đổi anh ấy sang visa làm việc sau khi anh ấy đậu chứng chỉ làm trợ lý y tá. Ngay cả từ góc độ của bệnh viện, sẽ là một điều đáng tiếc nếu trả những ứng viên mà họ đã dày công đào tạo về lại quê hương. Nhưng sau một năm, anh A chọn quay trở về nước, mặc cho những nỗ lực của bệnh viện để giữ anh ở lại làm việc.
Điều này thật sự không có gì quá hiếm ở Nhật Bản. Chizuru Asado Salvador – người giúp thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia, cho biết rằng: “Ngay cả đối với người Nhật, việc học những thuật ngữ y khoa khó trong thời gian ngắn và vượt qua kỳ thi quốc gia khi đang làm việc vốn đã là chuyện rất khó khăn. Một số cơ sở chỉ cung cấp tài liệu học tập và thời gian để tự học. Trong những điều kiện như thế này thì tỷ lệ đỗ rất thấp, nó gần giống với việc tự học.”
Điều kiện ứng tuyển cần được nới lỏng đối với điều dưỡng là người nước ngoài
Một số người chỉ ra rằng hệ thống được thành lập cách đây 15 năm không còn phù hợp với tình hình thực tế. Điều kiện nộp đơn để trở thành ứng viên EPA bao gồm: trình độ học vấn chuyên môn ở quê hương, kinh nghiệm làm việc trong bệnh viện và các yêu cầu khác vốn không bắt buộc đối với ứng viên người Nhật. Ví dụ, trong trường hợp của người Philippines, để đến Nhật Bản với tư cách là một điều dưỡng thì họ phải có giấy phép điều dưỡng ở nước mình và có ba năm kinh nghiệm làm việc tại một bệnh viện ở quê hương trước khi sang làm việc tại Nhật.
Ngoài ra còn có những yêu cầu cao để trở thành ứng viên cho vị trí nhân viên điều dưỡng ở Nhật Bản. Mặc dù không có yêu cầu về trình độ học vấn đối với công dân Nhật Bản để tham gia kỳ thi chuyên môn này nhưng người nước ngoài phải hoàn thành chương trình học điều dưỡng ở nước họ hoặc có bằng đại học.
Michio Yoneno, giáo sư Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học tỉnh Shizuoka và là chuyên gia về vấn đề y tá nước ngoài cho biết: “Sau thảm họa Corona, Hoa Kỳ và các nước khác đang nhanh chóng nới lỏng các yêu cầu ứng tuyển đối với nhân viên điều dưỡng, chăm sóc y tế đối với người nước ngoài. Nếu yêu cầu nộp đơn và thời gian cư trú của Nhật Bản không được sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế thì các nước khác sẽ tiếp nhận và sẽ không còn người nộp đơn nữa.”
Phải mất 10 năm để vượt qua kỳ thi quốc gia và làm việc trong lĩnh vực y tế
Cô B, người Philippines, đến Nhật Bản vào năm 2011 với tư cách là ứng viên y tá EPA. Cô làm trợ lý y tá vì không vượt qua được kỳ thi quốc gia trong thời gian ở Nhật Bản. Sau đó, cô quay trở lại Nhật Bản vào năm 2018, cô gặp Salvador và tiếp tục ôn thi với sự hỗ trợ của anh ấy. Cuối cùng, cô đã vượt qua kỳ thi quốc gia vào năm 2021. Phải mất đến 10 năm làm việc và ôn luyện chăm chỉ, cô mới có thể đạt được kết quả này.
Trong khi một số người như cô B, vẫn chưa từ bỏ và đang tìm cách trở thành y tá ở Nhật Bản, thì những người khác có thể đã sang các nước khác với lời mời làm việc hấp dẫn hơn. Đã đến lúc xem xét lại hệ thống để đảm bảo giữ chân những ứng viên có giá trị và đủ năng lực làm việc trong ngành điều dưỡng Nhật Bản.
Ý kiến