Khi muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư sang Nhật Bản cần những thủ tục, điều kiện pháp lí như thế nào?
Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách thức, thủ tục đầu tư cũng như tiềm năng của thị trường Nhật bản.
Mục lục
Tiềm năng của thị trường Nhật Bản
Nhật Bản được biết đến là một cường quốc kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Với hệ thống phương tiện công cộng, công nghệ, và anh ninh xã hội bậc nhất trên thế giới, Nhật Bản là một quốc gia đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư quốc tế. Từ năm 2019 cho đến nay, đã có nhiều sự phát triển tích cực trong chính sách giao thương giữa hai nước, tạo cơ hội tốt cho cộng đồng Việt Nam khởi nghiệp tại Nhật và ngược lại.
Hiện nay, cộng đồng đồng doanh nghiệp Việt tại Nhật xếp thứ ba, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc, và có tuổi đời khá trẻ. Các lĩnh vực người Việt ở Nhật thường hay khởi nghiệp đó là ẩm thực, nhà hàng, kinh doanh, du lịch, nông nghiệp, và công nghệ thông tin.
So với các nước khác, thành lập và vận hành cơ sở kinh doanh tại Nhật Bản đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, do đó nên có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Hãy cùng tìm hiểu các bước để doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư sang Nhật Bản
Trình tự, thủ tục đầu tư sang Nhật Bản
①Xác định ngành nghề kinh doanh => ② Quyết định hình thức đầu tư tại Nhật => Xin cấp IRC=> ④ Đăng ký tại Nhật Bản => ⑤ Mở tại khoản vốn đầu tư ra nước ngoài =>⑥ Đăng ký giao dịch ngoại hối => ⑦ Chuyển vốn đầu tư sang Nhật => ⑧ Thông báo đầu tư ra nước ngoài => ⑨ Báo cáo định kì
Bài viết này sẽ tập trung vào bước ① và ②. Cung cấp một số lưu ý khi chọn ngành nghề để đầu tư, so sánh tính chất cũng như những ưu điểm khuyết điểm của các hình đầu tư phổ biến tại Nhật Bản.
Xác định ngành nghề kinh doanh
Cần xác định xem ngành nghề bạn sắp đầu tư có thuộc những nhóm ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài hoặc cho phép đầu tư nhưng kèm điều kiện được nêu dưới đây.
Các ngành cấm đầu tư ra nước ngoài:
- Kinh doanh các chất ma túy
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên
- Kinh doanh mại dâm
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
- Kinh doanh pháo nổ
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Ngoài ra, một số ngành nghề có sản phẩm hoặc công nghệ bị cấm xuất khẩu cũng không được đầu tư ra nước ngoài.
Các ngành đầu tư ra nước ngoài có điều kiện
- Ngân hàng
- Bảo hiểm
- Chứng khoáng
- Báo chí, phát thanh, truyền hình
- Kinh doanh bất động sản
Các hình thức đầu tư tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, có 3 hình thức đầu tư chính, đó là:
Văn phòng đại diện
Văn phòng đại diện được thành lập chủ yếu nhằm mục đích tìm hiểu thị trường, thu thập thông tin để chuẩn bị cho các hoạt động mở rộng kinh doanh của công ty mẹ.
Ưu điểm: Không cần đăng ký hoạt động kinh doanh và không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khuyết điểm: Không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời và không thể đăng ký tài khoản ngân hàng. Thông thường, công ty mẹ hoặc đại diện văn phòng sẽ được ủy quyền để thực hiện các thủ tục này.
Chi nhánh
Ưu điểm: Thành lập chi nhánh là hình thức đơn giản nhất cho doanh nghiệp muốn giao dịch số lượng lớn tại Nhật. Chi nhánh có thể tự mở tài khoản ngân hàng và thuê bất động sản.
Khuyết điểm: Khi thành lập chi nhánh, cần thực hiện thủ tục đăng ký. Ngoài ra, chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc vào công ty mẹ, không có tư cách pháp nhân độc lập. Do đó, các hoạt động kinh doanh của chi nhánh giới hạn trong những ngành nghề mà công ty mẹ đã đăng ký tại Việt Nam. Công ty mẹ sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản phát sinh từ hoạt động của chi nhánh.
Lưu ý, bạn không thể chuyển đổi từ chi nhánh sang công ty con trong tương lai.
Công ty con
Ưu điểm: Công ty con ở Nhật Bản là một pháp nhân độc lập, công ty mẹ chịu trách nhiệm với công ty con dưới vai trò là một nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Do đó, công ty con có thể hoạt động kinh doanh những ngành nghề khác với đăng ký của công ty mẹ tại Việt Nam. Người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp không nhất thiết phải thường trú tại Nhật Bản.
Khi thành lập công ty con, doanh nghiệp có thể lựa chọn 4 loại tư cách pháp nhân sau:
- Công ty cổ phần (株式会社)
- Công ty trách nhiệm hữu hạn (合同会社)
- Công ty hợp danh trách nhiệm vô hạn (合名会社)
- Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (合資会社)
Tuy nhiên, đối với Công ty hợp danh trách nhiệm vô hạn và Công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn, trách nhiệm của nhà đầu tư đối với phần vốn mình góp vào lớn, do đó hầu như không có doanh nghiệp nào lựa chọn hai hình thức này.
So sánh Công ty cổ phần (K.K.) và Công ty TNHH (G.K.)
Về điểm giống nhau, cả hai hình thức này đều có vốn điều lệ là 1 Yên Nhật. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ Công ty cổ phần sang Công ty TNHH và ngược lại.
Trong đó, Công ty cổ phần (K.K.) có hình ảnh, uy tín tốt hơn với các nhà cung cấp, ngân hàng cũng như khách hàng. Do đó, K.K. sẽ phù hợp nếu bạn muốn huy động vốn đầu tư rộng rãi. Trên thực thế, K.K là loại hình công ty phổ biến hơn G.K. Tuy nhiên, chi phí thành lập của K.K. sẽ cao hơn G.K.
Về Công ty trách nhiệm hữu hạn (G.K.) sẽ tự do hơn trong các hoạt động kinh doanh và chi phí thành lập thấp hơn. G.K. không cần công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, G.K sẽ có uy tín thấp. Do đó, sẽ khó vay tiền từ ngân hàng cũng như nguy cơ cao hơn nếu có mâu thuẫn với các nhà đầu tư.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài lớn có xu hướng thành lập công ty con tại Nhật dưới dạng G.K. Do đó, những năm gần đây, số lượng công ty thành lập dưới hình thức này ngày càng tăng.
So sánh thời gian và chi phí của các loại hình đầu tư
Các hình thức đầu tư khác
Ngoài cách thành lập công ty con, các doanh nghiệp nước ngoài còn có thể đầu tư thông qua các hình thức sau:
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng
- Góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức kinh tế tại Nhật Bản
- Mua chứng khoán hoặc đầu tư vào các quỹ đầu tư
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật Nhật Bản
Lời kết
Thủ tục đầu tư sang Nhật Bản là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự đầu tư và chuẩn bị kĩ càng. Hiện tại công ty ONE-VALUE có dịch vụ tư vấn và hỗ trợ người Việt Nam lập công ty ở Nhật, hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập xây dựng kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm đối tác Nhật để phát triển kinh doanh. Nếu bạn nào có nhu cầu hỏi đáp hoặc cần trợ giúp, xin liên hệ: ma@onevalue.jp để được trợ giúp nhé!
Chúc các bạn tìm được con đường phù hợp và thành công ở Nhật Bản!
*Bài viết có tham khảo nguồn: Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)
Ý kiến