Mục lục
Ảnh hưởng của Covid-19 lên kinh tế Nhật
Nhật Bản là nền kinh tế thứ ba toàn cầu. Tuy nhiên, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào giao thương với Trung Quốc và Mỹ, kinh tế Nhật Bản được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-1. Năm tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021) là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái. GDP Nhật Bản tài khóa 2020 giảm 4,6% so với năm tài khóa 2019, mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 65 năm qua. Sau sự tăng trưởng trong 2 quý đầu năm 2021, theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP của quý III năm 2021 giảm với tốc độ chậm hơn, khoảng 0.8% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó có thể thấy, kinh tế Nhật Bản bị suy thoái nghiêm trọng nhất nhì Đông Á và có tốc độ phục hồi chậm.
Nguyên nhân Nhật Bản dễ bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Về nguyên nhân khiến Nhật Bản có tăng trưởng âm trong thời kỳ đại dịch, thứ nhất, đó là do tác động tiêu cực của việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Virus SARS-CoV-2 với nhiều biến thể mới liên tục khiến nền kinh tế Nhật Bản nói riêng và các nước trên thế giới bị đe dọa. Nhật Bản buộc phải đóng chặt biên giới ít nhất cho đến cuối tháng 2 năm 2022. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không, du lịch, khách sạn và các ngành nghề khác.
Ngoài ra, sự thiếu hụt chip bán dẫn và linh kiện toàn cầu khiến cỗ máy công nghiệp bị tê liệt. Tuy đã có sự chuẩn bị từ trước, như Toyota đã hợp tác với các tập đoàn Đài Loan hay Mỹ, hiện tượng này ảnh hưởng gây sụt giảm về doanh số bán xe ô tô. Ngoài ra, việc thiếu hụt lao động cũng là một yếu tố khiến nền kinh tế Nhật Bản bị trì trệ. Trong khi nhân lực bị giảm sút, mức nợ công của Nhật không ngừng tăng lên, tương đương 256% tổng sản lượng quốc gia.
Chính hai mối đe dọa nêu trên buộc Nhật Bản hai năm gần đây liên tiếp tung ra các gói kích cầu kinh tế nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Bài viết này sẽ phân tích điểm qua các gói cải cách hỗ trợ kinh tế của chính phủ nhật trong năm 2020 và 2021.
Gói cải cách thuế hỗ trợ nền kinh tế thời COVID-19
Thời thủ tướng Shinzo Abe (2 gói kích cầu với tổng trị giá 2,2 nghìn tỷ USD)
Tháng 4/2020, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố chính sách kinh tế khẩn cấp lần thứ nhất với trị giá 56,8 nghìn tỷ yên, tương đương 10% GDP của Nhật Bản. Đối sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu mục đích giúp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Giai đoạn hai khi dịch bệnh được khống chế, khuyến khích cơ chế hoàn tiền bằng điểm thưởng và giao dịch không xài tiền mặt, hỗ trợ du lịch và các dịch vụ ăn uống. Trong giai đoạn dài hạn, Nhật Bản hướng đến phát triển môi trường làm việc từ xa và giảm thiểu sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào các nước khác.
Sau đó 1 tháng, vào tháng 5/2020, Tokyo tiếp tục thông báo tung gói kích cầu 117 nghìn tỷ yên, tương đương với 1,100 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ COVID-19. Trong đó, khoản lớn nhất (11.6 nghìn tỷ yên) dùng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn để duy trì kinh doanh. Các khoản còn lại dùng để chi trả cho đội ngũ bác sĩ, thiết bị y tế và phát triển vắc-xin. Ngoài ra, người thuê nhà có thu nhập cá nhân bị ảnh hưởng do dịch bệnh cũng được hỗ trợ.
Để kích cầu du lịch, tháng 7/2020, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chiến dịch “Go To Travel”. Người dân được trợ cấp 50% chi phí của chuyến đi nhưng không quá 20,000 yên/người/đêm. Tuy nhiên, do dịch bệnh tái bùng phát vào cuối năm 2020, chương trình đã bị tạm dừng. Theo ước tính, Chính phủ đã chi 2,00 tỷ yên cho chương trình này.
Thời thủ tướng Suga (12/2020)
Theo tin từ Bloomberg, đây là gói kích cầu kinh tế đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Suga lên nắm quyền. Gói kích cầu trị giá 73,6 nghìn tỷ yên được tung ra nhằm phát triển các sáng kiến về công nghệ số và giảm chất thải carbon. Ngoài ra, gói kích cầu giúp gia hạn các chương trình thúc đẩy du lịch nội địa và giúp đỡ các doanh nghiệp duy trì nhân lực.
Như vậy, trong năm tài khóa 2020, Nhật Bản đã thông qua 3 đợt ngân sách bổ sung. Theo số liệu công bố ngày 08/12/2020, GDP của Nhật Bản trong quý 3/2020 đã tăng 5,3% so với quý trước đó, và tăng 22.9% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự tăng mạnh trong tiêu dùng và xuất khẩu.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (11/2021)
Trong quý 3/2021, Nhật Bản đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5, khiến nền kinh tế Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp đã khiến mức tiêu dùng cá nhân của quý 3 năm 2021 giảm 1.1%. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cũng bị suy giảm 2.1% do việc thiếu linh kiện và chip bán dẫn.
Chính phủ Nhật Bản ngày 18/11 đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 55.700 tỷ yên (488 tỷ USD) nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Gói kích cầu kinh tế lần này tập trung vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.
Các biện pháp chính trong gói kích cầu của Thủ tướng Fumio Kishida bao gồm tăng lương cho các nhân viên y tế, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, và trợ cấp 100,000 yên cũng như phiếu mua hàng cho người dân.
Trong quý 4/2021, kinh tế Nhật Bản được kỳ vọng tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi sẽ chậm bởi mức tiêu dùng vẫn chưa thể đạt mức trước đại dịch. Trong bối cảnh đại dịch, nguồn ngân sách để thực hiện các gói kích cầu phụ thuộc phần lớn vào việc phát hành trái phiếu chính phủ. Khoản nợ tài chính ngày một tăng sẽ là gánh nặng cho thế hệ tương lai, có thể làm giảm kỳ vọng tăng trưởng dài hạn. Qua đó, các kế hoạch đầu tư, tuyển dụng, tăng lương của doanh nghiệp cũng có thể bị hạn chế.
Ý kiến