Với xu hướng mở cửa cho các dòng tiền từ nước ngoài, doanh nghiệp Việt đang ngày càng cho thấy sức mạnh và sự thu hút của mình khi có thể đón nhận nhiều làn sóng đầu tư đầy hấp dẫn. Các ngân hàng Việt Nam có vốn đầu tư Nhật Bản ngày càng cao và nhận được sự tín nhiệm lớn từ phía các doanh nghiệp Nhật này.
Làn sóng chuyển đổi tự nhiên của thị trường ngân hàng
Chuyên gia ngân hàng, cố vấn cấp cao của ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho rằng, chính những điểm tương đồng về văn hóa kinh doanh và xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản là những nhân tố chính dẫn đến sự hiện diện ngày càng nhiều của các tập đoàn tài chính Nhật tại Việt Nam.
Sự hiện diện của một cộng đồng lớn các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khiến việc các ngân hàng Nhật Bản đến Việt Nam để phục vụ khách hàng truyền thống của họ là điều đương nhiên. Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Hironobu Kitagawa cũng nhận xét “do ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam cũng như tiêu dùng nội địa ngày càng tăng, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến đầu tư của các ngân hàng Nhật Bản”.
Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất sẽ là sức hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng cao cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Một báo cáo do cơ quan xếp hạng quốc tế Moody’s công bố gần đây cũng dự đoán các ngân hàng Việt sẽ tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời trong nhiều năm tới, nhất là từ sau năm 2019. Điều này có được một lần nữa nhờ sự chênh lệch lãi suất ròng rộng hơn và chi phí tín dụng thấp hơn.
Theo đó trong báo cáo của Moody’s, “Các ngân hàng Việt đã đạt được tổng lợi nhuận trên tài sản cao hơn trong năm thứ hai liên tiếp, ghi nhận mức tăng 1,1% trong năm 2018 từ mức 0,9% trong năm 2017. Tổng thu nhập ròng của các ngân hàng cũng tăng 35% lên 70 nghìn tỷ đồng (3 tỷ USD) vào năm ngoái so với năm trước, mặc dù tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải”. Các ngân hàng Nhật Bản sẽ được hưởng lợi khi thị trường tài chính của Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng cùng với sự tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu nắm giữ thị trường đầu tư nước ngoài cao hơn
Với chính sách cởi mở của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng và nỗ lực sâu rộng trong hội nhập toàn cầu, “môi trường cạnh tranh từ quá trình này sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng Việt nâng cao hiệu quả hoạt động và tiếp cận thị trường mới”. Trong khi đó, ông Kitagawa kỳ vọng sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi vì “giúp che lấp điểm yếu và mài giũa điểm mạnh của nhau” một cách hiệu quả hơn.
Các ngân hàng Việt Nam có thể rút ra được những kinh nghiệm, những khả năng trong lĩnh vực ngân hàng mà các ngân hàng Nhật Bản đã trau dồi và cải thiện liên tục qua thời gian. Mặc dù Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, nhưng giới hạn 30% sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng hoạt động tốt hiện nay đang khiến Việt Nam khó thu hút thêm nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản muốn nắm giữ 51% cổ phần để kiểm soát tốt hơn nguồn vốn của họ và đóng góp hiệu quả hơn cho các ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, không thể phủ nhận mối lo ngại của chính phủ về việc các ngân hàng bị thao túng nếu giới hạn sở hữu nước ngoài bị loại bỏ, đây là mối quan tâm chung trên toàn cầu.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực mở rộng hoạt động đầu tư vào ngân hàng Việt Nam
Một số ngân hàng Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đã tiết lộ kế hoạch mở rộng đầu tư, trong khi những ngân hàng khác hy vọng sẽ thâm nhập thị trường. Mizuho là một trong những ngân hàng Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào Việt Nam vào năm 2012. Vốn đầu tư ban đầu 570 triệu USD của ngân hàng này đã tăng gấp đôi.
Tại buổi làm việc mới đây với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn tài chính Mizuho Yasuhiro Sato cho biết Vietcombank là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của ngân hàng này. Ông cũng hy vọng hai bên sẽ mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như chứng khoán, tài chính sau 5 năm hợp tác ngân hàng hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển Vietcombank thành một tập đoàn tài chính vững mạnh.
Một tập đoàn tài chính khác của Nhật Bản là Sumitomo Mitsui cũng đã đầu tư 225 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Công ty này đã sở hữu 15% của Eximbank từ năm 2007. Ngoài việc tái cấu trúc Eximbank, Sumitomo Mitsui sẵn sàng hỗ trợ các công ty con tham gia thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường trái phiếu tại Việt Nam.
Bên cạnh những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm như Sumitomo Mitsui, Mizuho, Bank of Tokyo, Mitsubishi UFJ, nhiều ngân hàng khác đến từ Nhật Bản đang tìm kiếm đối tác Việt Nam. Gần đây nhất, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã bán 49% cổ phần tại Công ty Cho thuê Tài chính cho Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SMTB) của Nhật Bản.
Có thể nói, Nhật Bản là cổ đông lớn nhất của hệ thống ngân hàng của nước ta. Các chuyên gia nhận định, với làn sóng đầu tư từ Nhật Bản hiện nay, các thương vụ góp vốn sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác. Các ngân hàng Việt cũng mong muốn đa dạng hóa các kênh hợp tác với đối tác Nhật Bản.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã ký kết hợp tác với Yanmar – tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về máy nông nghiệp. Các hợp đồng trị giá 20 tỷ USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp và địa phương hai nước nhờ các chính sách thúc đẩy quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Con số kỷ lục này được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới.
Trên thực tế, các ngân hàng trong nước đã để mắt đến khách hàng Nhật Bản từ 5 năm nay khi đầu tư của nước này vào Việt Nam tăng lên. Tháng 2/2017, BIDV đã ký kết hợp tác với Fukuoka – ngân hàng lớn thứ 16 tại Nhật Bản để phục vụ khách hàng Nhật Bản. VietinBank và Vietcombank cũng có giao dịch với hàng chục ngân hàng Nhật Bản.
Những ngân hàng có vốn đầu tư Nhật Bản không chỉ ngày càng tăng về số lượng mà cả chất lượng. Giá trị vốn đầu tư gia tăng tạo nhiều tiềm năng hợp tác chất lượng và đóng góp đáng kể vào hành trình phát triển kinh tế và ngành tài chính của cả hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản.
Ý kiến