Mục lục
Đồng Yên Nhật đang mất giá kỷ lục 2022
Là một trong 10 đồng tiền chủ chốt của thế giới, hiện nay, Yên Nhật đang là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đồng Yên Nhật Bản đã giảm hơn 18% so với Đô La Mỹ. Trong tháng 7/2022, đồng Yên Nhật có lúc đã giảm còn 168,5 VND/ 1 JPY, mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ vừa rồi.
Cùng lúc đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản cũng đã tăng hơn 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát ở Nhật cũng đã tăng trên 2%, vượt mức chỉ tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra. Tuy nhiên, mức lạm phát này vẫn thấp hơn so với các nước như Mỹ (8,5%), châu Âu (8,1%) và lạm phát toàn cầu (6,7%).
Đồng Yên trong quá khứ
Trong suốt 40 năm qua, Nhật Bản luôn là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư khi các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Điển hình như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990, sự sụp đổ của quỹ đầu cơ LTCM năm 1998, Đại khủng hoảng tài chính 2007-2009, Đại dịch COVID-19 năm 2020.
Với lãi suất gần như bằng 0%, khi các cú sốc tài chính diễn ra, các nhà đầu tư trong nước đột ngột chuyển một số tiền lớn tích luỹ ở nước ngoài về nước trong thời gian chờ ổn định thị trường. Điều này khiến đồng yên tăng giá mạnh mỗi khi tình hình kinh tế thế giới bất ổn.
Sự sụp đổ của quỹ đầu tư mỹ LTCM (Long Term Capital Management) năm 1998 đã khiến đồng Yên tăng 7% trong ngày hôm đó, cũng như 16% ngay trong tuần diễn ra sự kiện. Đây là một trong những lần đồng Yên tăng kỷ lục trong lịch sử.
Trong những đợt căng thẳng thị trường trong quá khứ, do lợi suất của Mỹ giảm nhanh hơn Nhật Bản, đồng Yên được hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi suất này.
Tuy nhiên, lần bất ổn này, đồng Yên không những không tăng giá, mà còn mất giá liên tục, khiến Yên Nhật không còn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.
Tại sao đồng Yên Nhật tụt giá nhanh đến vậy?
Ngược chiều trong chính sách tiền tệ Nhật-Mỹ
Nguyên nhân lớn nhất khiến đồng yên giảm giá chính là khoảng cách lớn trong chính sách tiền tệ Nhật – Mỹ. Trong khi Cục dự trữ Liên bang Hoa kỳ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát, BOJ vẫn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ để giúp phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19. BOJ đã can thiệp vào trái phiếu chính phủ để giữ lãi suất không tăng.
Sự chênh lệch lãi suất ngày một lớn gây ra tình trạng đầu cơ tiền tệ. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đổi từ đồng yên sang đồng USD để có lãi suất cao hơn. Đầu cơ tiền tệ sẽ khiến đồng yên ngày một suy yếu.
Tuy nhiên, theo một số nhà kinh tế nhận định, đồng Yên giảm giá do sự nghịch chiều trong chính sách tiền tệ giữa Nhật và Mỹ là điều hoàn toàn hợp lý. Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhiều nước cũng đang chịu sức ép giảm giá đồng nội tệ khi FED tăng lãi suất. Như vậy, đồng Yên không phải là đồng tiền duy nhất ở Châu Á mất giá từ đầu năm nay.
Xung đột Nga-Ukraine
Nhật Bản là một trong rất ít các nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng nhập khẩu. Hơn 90% dầu thô – nguồn năng lượng chính tại Nhật Bản – được nhập khẩu từ Trung Đông.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng đáng kể, từ 90 USD/thùng trước khi bắt đầu cuộc chiến lên 140 USD/thùng. Việc giá năng lượng, nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá cả của hàng tiêu dùng.
Hậu quả khi đồng Yên giảm
Đối với nhà sản xuất
Yên giảm khiến cho các giá các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản giảm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Nhật trên thị trường quốc tế. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu được cho là sẽ có lợi và kiếm được nhiều tiền hơn khi thanh toán bằng USD.
Tuy nhiên, Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Đồng yên giảm cũng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu vào Nhật tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và giá của hàng hoá xuất khẩu.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu vốn đã chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nay phải đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến lợi nhuận không nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lương của nhân viên cũng sẽ không tăng.
Đối với người tiêu dùng
Khi đồng Yên giảm, các mặt hàng nhập khẩu vào Nhật Bản cũng trở nên đắt hơn. Ví dụ điển hình là việc tăng hoá đơn tiền điện lên 25% của Công ty Điện lực Tokyo, hay Tokyo Gas tăng tiền ga 24% trong thời kì bất ổn này.
Ngoài ra, giá trị tiền lương của người dân Nhật nếu quy đổi ra đô la Mỹ thì giảm. Lương không tăng và giá cả hàng hoá đắt đỏ khiến sức mua của người tiêu dùng giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà sản xuất hàng hoá.
Dự đoán đồng Yên Nhật trong tương lai
Các chuyên gia dự đoán rằng, đồng Yên sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm giá nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, tạo khoảng cách ngày một lớn với chính sách tiền tệ Mỹ.
Theo dự báo dài hạn của Cơ quan Dự báo Kinh tế (Economy Forecast Agency), tỷ giá yên Nhật có thể tăng lên mức 137,62 Yên/1 USD vào tháng 12 năm 2022. Tỷ giá yên Nhật sẽ trên mức 130 Yên/USD từ năm 2023 đến 2026, và có khả năng đạt mức 150 Yên/1 USD vào năm 2023.
Bảo vệ giá trị tiền tệ đang là trách nhiệm quan trọng của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn đang tiếp tục cân nhắc lại chính sách tiền tệ, hi vọng sẽ tạo thêm được động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian sắp tới.
Tham khảo:
・Đồng Yên giảm khi ngân hàng Trung Ương Nhật can thiệp giữ lợi suất trái phiếu
Ý kiến