Nếu đang lên kế hoạch cho việc kinh doanh và chưa biết bắt đầu từ đâu với nguồn vốn không quá lớn, mọi người thường sẽ cân nhắc đến việc kinh doanh online. Tuy nhiên, nếu kinh doanh online tại Nhật thì sẽ có khác biệt gì trong việc tìm kiếm nguồn hàng và nhập hàng? Cùng JapanBiz tìm hiểu thêm một số quy định và thủ tục trong việc nhập hàng để kinh doanh online.
Mục lục
Các thủ tục và thông báo trước để đảm bảo quy trình
Nhìn chung, khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, bạn cần phải khai báo những sản phẩm mà mình đang nhập khẩu với hải quan và nộp thuế hải quan để xin giấy phép nhập khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, vấn đề là có nhiều mặt hàng không chỉ yêu cầu khai báo, nộp thuế hải quan mà còn phải kiểm dịch, xác nhận trước là không mang các yếu tố bệnh tật tiềm ẩn.
Đầu tiên, Japanbiz sẽ giới thiệu sản phẩm quen thuộc làm ví dụ (thức ăn & đồ uống) để giới thiệu những luật cần chú ý khi nhập khẩu. Nếu chủ cửa hàng đang muốn nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống, họ cần kiểm tra và đảm bảo sản phẩm của mình đã tuân thủ luật pháp, quy định, nguyên liệu thô, nhà sản xuất,… và các sản phẩm đó phải trải qua quá trình kiểm dịch.
Thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, nước trái cây đóng hộp, thực phẩm tươi sống như trái cây, rau quả và các sản phẩm thịt đã qua chế biến như giăm bông, xúc xích, sản phẩm từ sữa cũng phải được kiểm dịch theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các thủ tục và thông báo được yêu cầu dựa trên các luật và quy định khác nhau tùy thuộc vào sản phẩm, chẳng hạn như “Luật Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi)” đối với thực phẩm, đồ uống, phụ gia, đồ dùng, hộp đựng và bao bì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe; “Luật Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản)” đối với rau, trái cây, đậu,…; “Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản)” đối với các sản phẩm thịt (giăm bông và xúc xích), trứng và các sản phẩm từ sữa,…
Đối với các sản phẩm thịt (giăm bông và xúc xích), trứng và các sản phẩm từ sữa, cần phải làm thủ tục và gửi thông báo theo các quy định khác nhau tùy theo sản phẩm.
Các vật dụng có thể tiếp xúc với miệng, chẳng hạn như bộ đồ ăn, dao kéo như thìa và khuôn tìm thấy ở các chợ đồ cổ ở nước ngoài, bóng bay và đồ chơi cho trẻ sơ sinh, không phải là thực phẩm nhưng phải tuân theo “Luật Vệ sinh thực phẩm” và phải được kiểm dịch. Vì vậy, các chủ cửa hàng tương lai cũng cần lưu ý trước các quy định này để tránh phạm phải sai lầm. Ngoài thực phẩm, việc nhập khẩu động vật dùng làm vật nuôi, thực phẩm,… cũng phải được kiểm dịch tại “Trạm kiểm dịch động vật” hoặc “Trạm kiểm dịch thực vật” tương ứng.
Ngay cả khi người kinh doanh đã thành công vượt qua được các quy trình, thủ tục và thông báo khác nhau được mô tả ở trên và có thể tự nhập khẩu sản phẩm, thì vẫn có nhiều sản phẩm yêu cầu giấy phép và trình độ chuyên môn nhất định để bán hàng trong thực tế. Để đảm bảo việc bán sản phẩm nhập khẩu được suôn sẻ, bạn nên kiểm tra kỹ trước không chỉ các luật và quy định liên quan đến nhập khẩu mà còn cả những quy định liên quan đến sản phẩm sẽ bán trước khi tiến hành thủ tục nhập khẩu.
Về vấn đề thuế hải quan
Tiếp theo, khi mua hàng từ nước ngoài phải nộp một loại thuế gọi là “thuế hải quan”. Giá hàng hóa càng cao hoặc thuế suất càng cao thì số thuế phải nộp càng lớn. Lấy ví dụ nếu một lượng nhỏ hàng hóa (dưới 200.000 yên) được nhập khẩu và bán thì hệ thống thuế có tên là “mức thuế suất đơn giản hóa” sẽ được áp dụng. Thuế suất đơn giản tại Nhật Bản được chia thành 7 loại khác nhau gồm: 20%, 15%, 10%, 5%, 3%, không có thuế và thuế trọng lượng. Nếu giá trị chịu thuế vượt quá 200.000 yên, mức thuế suất cố định 15% sẽ được áp dụng.
Nếu chủ cửa hàng không chắc chắn về mức thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu, tốt hơn hết bạn nên liên hệ trước với cơ quan hải quan để hỏi chính xác về mức thuế suất mà mình phải chịu đối với hàng hoá đó là bao nhiêu.
Luật Trách nhiệm sản phẩm và các luật định khác
Khi bán sản phẩm nhập khẩu, cần phải thực hiện nhiều thủ tục như kiểm dịch, xin chứng nhận và xin giấy phép bán hàng cũng như nộp thuế hải quan. Ngoài ra, cần phải tuân thủ các quy định của “Luật giao dịch thương mại” và tất nhiên, pháp luật cũng yêu cầu phải gắn nhãn mác cần thiết bằng tiếng Nhật cho sản phẩm.
Ngoài ra, “Luật Trách nhiệm sản phẩm (Luật PL)” tại quốc gia này cũng quy định nếu người tiêu dùng bị thiệt hại do sử dụng hàng nhập khẩu thì người nhập khẩu hàng hóa đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nhà sản xuất, nên cần áp dụng các biện pháp cho những trường hợp như vậy (chẳng hạn như mua bảo hiểm).
Các website nên tham khảo về nhập hàng để kinh doanh online ở Nhật
Dưới đây là một số website mà bạn có thể tham khảo, nội dung của các trang web bao gồm đầy đủ thông tin về nhập khẩu hàng hoá, chẳng hạn như “Chi phí vận chuyển để nhập khẩu là bao nhiêu?”, “Nên làm gì trong trường hợp sản phẩm bị lỗi hoặc sai sản phẩm?”,…
- JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản): https://www.jetro.go.jp/
- Hải quan: https://www.customs.go.jp/index.htm
- Nơi tiếp nhận thực phẩm và hàng hoá khác: https://www.mhlw.go.jp/topics/yunyu/soudan/index.html
- Trạm kiểm dịch Động vật: https://www.maff.go.jp/aqs/
- Trạm bảo vệ Thực vật: https://www.maff.go.jp/pps/
Với sự gia tăng số lượng khách du lịch nước ngoài và toàn cầu hóa nền kinh tế, bao gồm cả kinh doanh online qua Internet, ngày càng nhiều cửa hàng trực tuyến (trang thương mại điện tử) đang cân nhắc việc bán các sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, bạn nên xem xét những rủi ro và rắc rối liên quan đến việc nhập khẩu, đồng thời hãy tiến hành điều tra sơ bộ kỹ lưỡng và xác nhận rằng không có vấn đề gì trước khi nhập hàng để kinh doanh online.
Ý kiến