Mục lục
Giảm phát là nỗi lo của toàn cầu, trừ Nhật Bản
Trong khi giá cả tăng cao đang là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng cũng như các nhà hoạch định kinh tế ở Mỹ và các quốc gia khác, suốt hai thập kỷ qua, Nhật Bản đang phải đối mặc với giảm phát, một trong những nguy cơ có thể khiến nền kinh tế bị suy thoái.
Bài viết này Japanbiz sẽ phân tích giảm phát là gì, tình hình và những ảnh hưởng của giảm phát đến nền kinh tế Nhật Bản, cũng như những chính sách mà chính phủ Nhật Bản đã và đang thực hiện để chống giảm phát.
Giảm phát là gì?
Giảm phát là tình trạng mức giá chung của hàng hóa trong một nền kinh tế giảm liên tục. Cũng có thể nói, giảm phát là lạm phát với tỷ lệ mang giá trị âm, liên quan mật thiết với bốn nhân tố: tổng cung, tổng cầu, cung tiền và cầu tiền. Nguyên nhân là do nguồn cung tiền thấp hơn mức cần thiết, gây ra việc thiếu tiền phục vụ lưu thông hàng hóa, khiến sản xuất bị trì trệ. Giảm phát không phải là tình trạng tự phát, thường là do chính phủ chủ ý gây ra để giảm những mất cân đối lớn.
Ảnh hưởng của giảm phát
Tuy nhiên, tình trạng giảm phát kéo dài sẽ gây ra những tác hại nặng nề hơn lạm phát. Khi lạm phát xảy ra, giá cả hàng hóa giảm khiến người tiêu dùng trì hoãn việc mua hàng, vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Điều này gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải giảm giá để bán được hàng, dẫn đến giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc giảm giá bán trong một thời gian dài khiến các doanh nghiệp giảm lương của công nhân, hoặc thậm chí ngừng sản xuất, gây thiếu việc làm và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, giảm giá bán khiến các doanh nghiệp không trả được nợ, dẫn đến nguy cơ phá sản của các ngân hàng. Không những thế, giá hạ làm giảm các khoản thu ngân sách, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Do đó, giảm phát nguy hiểm hơn lạm phát bởi nó khiến nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái.
Tình hình giảm phát ở Nhật Bản
Trong những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm (tính theo GDP) là 3,89%, cao hơn so với Mỹ lúc ấy là 3,07%. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản rơi vào khủng hoảng kể từ khi bong bóng tài sản tại Nhật bùng nổ đầu thập niên 1990.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã mắc một số sai lầm trong việc kéo dài những tác động tiêu cực của việc vỡ bong bóng cổ phiếu và bất động sản. Điển hình như việc Nhật Bản đã giảm nguồn cung tiền vào những năm cuối 1980 khiến bong bóng cổ phiếu bị vỡ. Khi giá trị vốn sở hữu giảm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục tăng lãi suất do vẫn còn quan ngại về giá trị bất động sản vẫn đang tăng.
Lãi suất cao giúp chấm dứt tình trạng giá đất tăng, nhưng chúng đẩy nền kinh tế Nhật Bản vào vòng xoáy suy thoái. Vào năm 1991, khi giá cổ phiếu và đất đai giảm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đảo ngược đường lối và cắt giảm lãi suất một cách đáng kể. Song, chính sách thắt chặt tiền tệ đã khiến nền kinh tế Nhật chính thức rơi vào giảm phát năm 1998.
Trong 2 thập kỷ từ 1990 đến 2010, mặc dù nguồn cung tiền tăng ở ổn định ở mức 3% một năm, Nhật Bản vẫn không thoát khỏi tình trạng giảm phát. Người dân tiết kiệm ngày một nhiều. Chi tiêu ít ỏi, khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm, các doanh nghiệp trở nên muốn giữ tiền mặt hơn là đầu tư kéo theo là sự giảm tổng cầu.
Sau đó, mặc dù có một số giai đoạn giá cả hàng hóa tăng cao, tỷ lệ lạm phát CPI vẫn nằm dưới mức 0% trong khoảng 15 năm. Trong năm 2012, giá cả hàng hóa tại Nhật giảm mạnh nhất kể từ năm 1958, xuống còn 2,6%
Giải pháp chống giảm phát của Nhật Bản
Để thoát khỏi tình trạng này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã giới thiệu chính sách nới lỏng tiền tệ QQE (Quantitative and Qualitative Monetary Easing) vào tháng 4/2013. Chính sách bao gồm 2 mục tiêu chính: (1) cam kết đạt được mục tiêu bình ổn giá với mức độ tăng trưởng CPI đạt 2% một năm; (2) tiến hành thu mua quy mô lớn trái phiếu chính phủ từ ngắn hạn đến dài hạn để giảm lãi suất dài hạn.
QQE đã phát huy tác dụng nhờ điều kiện kinh tế thuận lợi lúc bấy giờ. Lãi suất danh nghĩa giảm đáng kể, kỳ vọng về lạm phát ngày một tăng, lãi suất thực ngắn hạn và dài hạn đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với lãi suất tự nhiên. Kết quả là, nền kinh tế được cải thiện đáng kể và tỷ lệ lạm phát tăng lên. Lần đầu tiên sau khoảng 15 năm, nền kinh tế Nhật Bản không còn trong tình trạng giảm phát. Điều này cho thấy những tác động đáng kể của QQE.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn dưới 1% và nguy cơ giảm phát vẫn còn tồn lại. Việc nới lỏng tiền tệ đã thúc đẩy nguồn cầu, thông qua việc giảm lãi suất thực tế. Song, dù đáp ứng đủ nhu cầu ở hiện tại, nhưng vẫn cần nhiều thời gian để khắc phục tình trạng lạm phát thấp.
Giảm phát tại Nhật Bản trong thời kì đại dịch
Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Nhật Bản gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2%. Các biện pháp phong tỏa ngăn đại dịch lây lan và giá dầu giảm khiến giá cả hàng hóa giảm, đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái lần đầu sau 5 năm.
Vào tháng 10/2021, tỷ lệ lạm phát ở Nhật đang ở mức 0,1%, thậm chí là âm nếu loại đi sự biến động về giá cả của thực phẩm và năng lượng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đưa ra mức lạm phát cho tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) là 0%.
Khôi phục kinh tế hiện nay đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Với các gói kích cầu kinh tế đã được thông qua trong năm 2021, nền kinh tế Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng và có nhiều kỳ vọng trong năm 2022.
Theo báo Asahi vào ngày 23/12/2021, Nhật Bản dự báo GDP sẽ tăng 3,2% trong tài khóa 2022. Tuy nhiên, theo báo Yomiuri và Nikkei, tình trạng khẩn cấp kéo dài, tình hình dịch bệnh khó lường do các biến chủng mới của COVID-19 sẽ khiến tốc độ phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ chậm hơn so với các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Vì vậy, đưa ra những chính sách phù hợp là điều cần thiết để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói tăng trưởng vẫn sẽ hứa hẹn có thể giúp nền kinh tế Nhật Bản trở về mức tăng trưởng trước khi có đại dịch COVID-19 trong năm 2022.
Ý kiến